MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm gửi tiết kiệm có lợi nhất trong cuộc đua lãi suất hiện nay

07-03-2016 - 15:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh lãi suất quyết liệt như hiện nay, với số tiền nhàn rỗi trong tay, khách hàng nên tìm hiểu làm thế nào để hưởng tối đa những lợi ích.

Trong thời điểm này, lãi suất tiết kiệm tiền đồng vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn nhất để người dân cất giữ, tích lũy vốn tạm thời nhàn rỗi để dành cho tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất USD đã về mức 0% và mặt bằng lãi suất huy động VND tịnh tiến lên một mức mới thì nhu cầu gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng ngày càng gia tăng.

Hiện nay, các ngân hàng cũng đã triển khai đa dạng các sản phẩm tiền gửi và liên tục chạy đua lãi suất tiết kiệm để "co kéo" khách hàng. Vì vậy, là những "Thượng đế" với số tiền tiết kiệm trong tay làm thế nào để hưởng lợi một cách tốt nhất, cách gửi tiết kiệm sao cho phù hợp, dưới đây là một số kinh nghiệm:

Ngân hàng càng nhỏ lãi suất càng cao

Nhiều ý kiến cho rằng, nên chọn gửi tiền ở các ngân hàng lớn cho “chắc ăn”. Chị Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết từ trước chị vẫn gửi tiết kiệm vào các ngân hàng lớn bởi theo tâm lý nếu "có chuyện gì xảy ra" thì những ngân hàng bé sẽ dễ bị hơn nên cứ gửi vào ngân hàng lớn cho chắc.

Tuy nhiên thời gian gần đây, khi tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, đặc biệt có thêm niềm tin vào thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, chị Bình đã mạnh dạn gửi tiền vào các ngân hàng này để hưởng lãi suất cao hơn.

Theo thống kê của người viết, không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả những "ngân hàng 0 đồng", ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cũng đã đẩy lãi suất lên mức cao và luôn nằm trong top 5 các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những ngân hàng này đang ở tình trạng khát vốn và muốn tạo dựng niềm tin từ phía khách hàng.

Trong khi đó, những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước từ trước đến nay khung lãi suất luôn thấp hơn từ 1-1,5%/năm và khoảng cách ấy ngày càng nới rộng.

Vì thế, kinh nghiệm đối với những khách hàng nên vào các website chính thức của các ngân hàng để tham khảo lãi suất và đặc biệt chú ý xem các điều kiện đi kèm. Nếu cẩn thận hơn thì nên gọi điện trực tiếp đến ngân hàng đó để biết lãi suất cụ thể.

Hưởng lợi hơn khi gửi online

Chị Mai Hoa (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị tiết kiệm sau Tết được 300 triệu đồng, định đem gửi tại quầy giao dịch ngay dưới tòa nhà chị làm việc, tuy nhiên sau khi nghe tư vấn của giao dịch viên chị đã không gửi trực tiếp tại quầy mà gửi trực tuyến. Bởi nếu gửi tiết kiệm trực tuyến ở cùng kỳ hạn, chị được hưởng thêm 0,2%.

Theo lý giải của một số nhân viên giao dịch tại quầy của ngân hàng, do cắt giảm được chi phí nhân công, giấy tờ, mặt bằng nên khi gửi tiết kiệm trực tuyến khách hàng sẽ được tặng thêm lãi suất khuyến khích. Chính vì thế, vừa được hưởng thêm tiện ích và tránh lãng phí thời gian, khách hàng nên sử dụng dịch vụ Internet Banking/ Mobile Banking.

Ngoài ra, khi khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking, sẽ thoải mái kiểm tra và theo dõi việc tăng giảm các khoản tiền gửi tiết kiệm đồng thời quan sát mức lãi suất cộng dồn hằng ngày và xây dựng các kế hoạch đầu tư nếu thích hợp.

Gửi ngắn hạn hay dài hạn lợi hơn?

Trước đây, các kỳ hạn từ 3- 6 tháng là kỳ hạn phổ biến thì nay khách hàng đã tích cực lựa chọn dài hơn như 12 -24 tháng. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng hiện vẫn đang kỳ vọng về việc lãi suất tiếp tục tăng do các ngân hàng đang tích cực chạy đua lãi suất nên một số người vẫn thận trọng chỉ chọn các kỳ hạn ngắn. Nếu cuộc đua của các ngân hàng tiếp diễn, họ sẽ dễ dàng rút tiền để gửi ngân hàng khác có lãi cao hơn. Còn nếu, sau đó nếu không có gì thay đổi sẽ tái tục quay vòng cả vốn lẫn lãi để gửi tiếp.

Dẫu vậy, một chuyên gia ở lĩnh vực tài chính ngân hàng khuyến cáo, khách hàng nên chọn ngân hàng nào có mức lãi suất cao trước, sau đó nên gửi kỳ hạn dài hơn và nhận lãi cuối kỳ để có mức lãi suất cao nhất.

Đối với những người đang có ý định đầu tư vào các kênh khác nhưng chưa có kế hoạch thì không nên gửi toàn bộ tiền nhàn rỗi vào một sổ tiết kiệm mà nên chia làm hai sổ tiết kiệm, một sổ với kỳ hạn lâu dài để hưởng được mức lãi suất cố định cho cả năm đó, sổ còn lại kỳ hạn ngắn thôi để dự phòng hoặc để rút ra đầu tư khi có cơ hội.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên