MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay 15%: Treo cá gỗ?

17-05-2012 - 16:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Thực tế cho thấy, lãi suất liên NH hiện dưới 5%, tín phiếu cũng chỉ trên dưới 10%, nhưng các NH vẫn rót tiền vào những kênh đó thay vì cho vay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tối đa 15%/năm được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), kích hoạt vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dòng vốn tín dụng giá rẻ vẫn chọn lọc ưu tiên vào 4 lĩnh vực sản xuất cần khuyến khích, còn nhiều DN nhỏ và vừa vẫn đang chịu lãi suất vay vốn 20-22%/năm.

Bốn ưu tiên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng; ưu tiên tín dụng đối với DN trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động...

Theo thống kê chung, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước cho vay sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 15,5-17%/năm và thấp nhất là 15% năm với ngắn hạn, nhưng trung và dài hạn vẫn lên đến 18-19%/năm; nhóm nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu được vay lãi suất phổ biến quanh mốc 13,5-16,5% năm và thấp nhất là 12% với ngắn hạn, trung và dài hạn 17-18%.

Tuy nhiên, sau khi NHNN áp trần lãi suất cho vay 15% ở 4 nhóm lĩnh vực chính (có hiệu lực vào ngày 8/5) thì lãi suất cho vay tại các NHTM nhanh chóng giảm thêm 1-2%/năm nữa so với lãi suất thông thường.

Ngoài việc giảm lãi suất ở 4 nhóm ưu tiên, khối NHTM cũng nhanh chóng triển khai nhiều gói tín dụng giảm lãi suất với khách hàng cá nhân vay mua nhà, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng là 16,8-17,5% một năm.

Chẳng hạn, ACB tiếp tục giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong vòng 4 tháng đầu năm nay. ACB dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.

Bên cạnh đó, gia tăng hạn mức cho vay đối với nhóm sản phẩm cho vay tín chấp bao gồm cho vay hỗ trợ tiêu dùng tín chấp và cho vay thấu chi tín chấp. Hiện, lãi suất trung bình dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng là 16,8-17,5% một năm tùy thời hạn và số tiền khách hàng vay.

HSBC cũng mạnh dạn thực hiện đợt giảm lãi suất tiếp theo cho tất cả các khoản vay thế chấp. Lãi suất vay mua nhà và vay mua xe hơi sẽ được giảm lần lượt là 1,5% và 2% tương ứng.

NH này cũng mở rộng phạm vi giảm lãi suất khi giảm 1% lãi suất cho cả các khoản vay tín dụng tiêu dùng. Đợt giảm lãi suất lần này theo sát với lần cắt giảm lãi suất cho vay 1% vào giữa tháng 4/2012.

Như vậy, trong vòng chưa đầy 4 tháng, HSBC đã cắt giảm đến tổng cộng từ 4,5% đến 5% lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất vay dài hạn tốt nhất có thể áp dụng cho các khách hàng HSBC vay thế chấp là 15,5%/năm.

Ưu tiên một

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay là hợp lý để tránh tình trạng kéo giảm lãi suất huy động không có ý nghĩa và lợi ích chỉ thuộc về các NHTM, trong khi các DN vẫn phải vay lãi suất cao. Vì vậy, việc áp trần lãi suất cho vay là phù hợp để các NHTM đánh giá lại dư nợ tín dụng cũ, từ đó đưa ra mức lãi suất hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng.

Lãnh đạo các NH cũng khẳng định, nếu NHNN không áp trần lãi suất cho vay 15%/năm ở 4 lĩnh vực ưu tiên, các NHTM lớn đang thừa vốn cũng đồng thuận lộ trình kéo giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực này 15-15,5%/năm trong quý II/2012.

Đại diện NH Hàng Hải cho biết, hiện nay, NH đang mở rộng các đối tượng vay nên các DN có cơ cấu tài chính từ tín dụng NH chiếm tỷ trọng 50% có thể mạnh dạn vay vốn để sản xuất kinh doanh khi thấy được đầu ra của thị trường...

Nói là vậy nhưng trong bối cảnh này, đối với một số DN nhỏ và vừa, vốn vay vẫn ngoài tầm với và Nhà nước vẫn chưa thể nào tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện và để DN tiếp cận được.

Theo các NH, kênh cho vay tiêu dùng là cửa thoát vốn trong bối cảnh lãi suất trên đà giảm mạnh và khả năng hấp thụ vốn của DN rất hạn chế. ACB dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.

Trong vòng chưa đầy 4 tháng, HSBC đã cắt giảm đến tổng cộng từ 4,5% đến 5% lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất vay dài hạn tốt nhất có thể áp dụng cho các khách hàng HSBC vay thế chấp là 15,5%/năm.

Cũng như vậy, dù Thành phố cũng đã hỗ trợ DN thông qua Quyết định 33 trong 2 năm qua nhưng tới giờ này, con số các DN tiếp cận được nguồn vốn từ Quyết định 33 là không đáng kể.

Sở dĩ quyết định này chưa đi vào cuộc sống là vì những quy định đặt ra quá chặt, chủ yếu phù hợp cho các dự án trung và dài hạn, trong khi DN chủ yếu đang gặp khó khăn trong ngắn hạn lại không thể tiếp cận được.

Thực tế cho thấy, lãi suất liên NH hiện dưới 5%, tín phiếu cũng chỉ trên dưới 10%, nhưng các NH vẫn rót tiền vào những kênh đó thay vì cho vay. NH muốn cho vay nhưng lại không dám vì quá nhiều rủi ro nợ xấu trong thời điểm này.

Hơn nữa, trong bối cảnh đầu ra khó khăn, DN cũng chẳng còn mặn mà với việc vay vốn. Chẳng hạn, Eximbank đã có một gói vay 1.500 tỷ đồng dành cho DN thu mua lương thực, với lãi suất ưu đãi 14%, nhưng cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 600 tỷ đồng. Các gói vay khác có lãi suất dao động từ 13,5-15% cũng đã được triển khai nhưng DN vẫn không quan tâm.

Chính vì vậy, thực tế, trong 4 lĩnh vực ưu tiên thì NHTM vẫn chỉ ưu tiên thật sự cho DN xuất khẩu. Bởi các NHTM có thể tăng thu dịch vụ để bù đắp lợi nhuận khi giảm lãi suất. Cũng vì thế sẽ có nhiều DN tiếp tục không được vay với mức lãi suất trên dù NHNN đã quy định.


                                                                                                                               Theo Quỳnh Vũ

                                                                                                                         Doanh nhân Sài Gòn

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên