Lộ diện sở hữu mới của cổ đông tại Eximbank
Danh sách ứng cử viên vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ mới đã tiết lộ thông tin về số cổ phần và tỷ lệ đại diện cho nhóm cổ đông, trong đó hai gương mặt đến từ Nam A Bank đại diện tới hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết của Eximbank.
- 25-03-2015Ông Trần Ngọc Tâm thôi làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á
- 13-03-2015Eximbank: Hành trình suy thoái
- 21-10-2014CEO NamABank: Người lãnh đạo phải biết “truyền lửa”
Theo thông tin vừa được Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) công bố tại biên bản kiểm phiếu về việc thông báo cho chổ đông về số lượng thành viên HĐQT, BKS, các điều kiện, tiêu chuẩn, đề cử và ứng cử nhiệm kỳ 2015 – 2020, có thêm 6 ứng viên ứng cử làm thành viên HĐQT của Eximbank trong nhiệm kỳ mới, sẽ được tổ chức Đại hội cổ đông và bầu cử vào ngày 22/4 tới đây.
Đáng chú ý, danh sách ứng cử viên mới này đã tiết lộ cả tỷ lệ đại diện cho số cổ phần có quyền biểu quyết của các ứng viên đó.
Ông Naoki Nishizawa là thành viên HĐQT đương nhiệm của Eximbank và là đại diện của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation tại nhà băng này, vào HĐQT kể từ đầu năm 2011. Ông đại diện cho nhóm cổ đông tổ chức sở hữu hơn 123,5 triệu cổ phần EIB, chiếm 10,0496% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Phạm Hữu Phú đang là Tổng giám đốc của Eximbank. Ông Phú đại diện cho hơn 124 triệu cổ phần, trong đó đại diện cho các cổ đông cá nhân là xấp xỉ 100 triệu cổ phần. Tổng lượng cổ phần đại diện chiếm 10,1099% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Hai ứng cử viên khác là ông Trần Ngọc Tâm và ông Trần Ngô Phúc Vũ đến từ Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), với tổng cộng tỷ lệ có quyền biểu quyết lên đến trên 20%, trong đó của tổ chức chiếm xấp xỉ 16%.
Ứng cử viên còn lại là ông Lê Minh Quốc, theo nhận xét của HĐQT Eximbank, qua thẩm định sơ bộ các hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ Eximbank, thì trường hợp nhóm cổ đông đề cử cho ông Lê Minh Quốc chỉ nắm 9,895% chứ không phải 10,229%.
Một cổ đông khác là ông Yashuhiro Saitoh cũng đại diện cho hơn 123 triệu cổ phần của tổ chức, tương đương 10,0495% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Do chưa cung cấp thông tin về hồ sơ của ông Quốc và ông Yashuhiro nên hiện vẫn chưa rõ hai cổ đông này đại diện cho nhóm cổ đông nào.
Như vậy dễ dàng nhìn thấy, nhóm cổ đông đến từ Nam A Bank đang sở hữu lượng cổ phần có quyền biểu quyết lớn nhất.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ là một cái tên đang khá nổi trong giới ngân hàng. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Vũ đã ghi dấu ấn đậm nét ở Sacombank dưới thời nguyên chủ tịch Đặng Văn Thành, và sau đó là ở vị trí thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Nam A Bank.
Ông Trần Ngọc Tâm- Phó tổng giám đốc Nam A Bank vừa thôi nhiệm ngày 24/3 cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.
Dưới sự điều hành của ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm cùng HĐQT và ban điều hành, Nam A Bank được đánh giá là 1 trong 3 ngân hàng nhỏ nhưng khỏe nhất. Các cổ đông của ngân hàng này đều nhận được cổ tức qua các năm. Gần nhất, năm 2014, Nam A Bank đã chuyển mình mạnh mẽ bằng diện mạo hoàn toàn mới như nhận diện thương hiệu mới, mở rộng mạng lưới ồ ạt, nhân sự tăng thêm gần 20%; lợi nhuận, tài sản đều vượt 30% so với kế hoạch đề ra, nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Đầu năm 2015, Nam A Bank đã đủ điều kiện, đang hoàn tất hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán, và theo nguồn tin của chúng tôi thì có thể niêm yết ngay trong quý 2 hoặc quý 3 tới.
Thị trường gần đây có tin đồn rằng Nam A Bank và Eximbank sẽ về một nhà, trong đó Nam A Bank là bên nhận sáp nhập. Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng từng trả lời phỏng vấn báo chí rằng nếu trường hợp sáp nhập được giữa hai nhà băng này là điều rất tốt. Tin đồn ấy giờ đây có thêm cơ sở để trở thành sự thật khi 2 đại diện của Nam A Bank đại diện cho hơn 20% số cổ phần có quyền biểu quyết ở Eximbank ứng cử vào HĐQT sẽ được cổ đông bỏ phiếu vào ngày 22/4 tới đây.
Theo dữ liệu của chúng tôi, Eximbank hiện đang có 3 cổ đông lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation với tỷ lệ nắm giữ 15,07% vốn; Vietcombank với 8,24% vốn và VOF Investment Limited giữ 5% vốn. Công ty TNHH MTV VBĐQ Sài Gòn (SJC) giữ 2,08% cổ phần EIB còn các cổ đông khác giữ 69,61% vốn.
Mới đây, ngày 20/3, SJC đã thông báo thoái toàn bộ số vốn đang nắm giữ tại Eximbank, với lượng cổ phiếu hơn 25,62 triệu cổ phiếu.
Trong 2 năm trở lại đây, Eximbank rơi vào tình trạng khủng hoảng và suy thoái khá nhanh. Từ top 5 ngân hàng thương mại cổ phần với lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, đến 2014 ngân hàng chỉ còn lãi 69 tỷ đồng, trong đó riêng quý 4 lỗ tới 687 tỷ đồng – một con số không tưởng.
Tùng Lâm
Trí Thức Trẻ