MB đề xuất miễn 20% thuế TNDN 3 năm đầu tiên sau sáp nhập với SDFC
Đây là một trong 8 nội dung mà ngân hàng MB vừa kiến nghị trong Đề án sáp nhập với Công ty Tài chính Sông Đà gửi lên NHNN.
- 05-10-2015Nhân sự của Cty Tài chính Sông Đà sẽ thế nào sau khi sáp nhập vào MB?
- 23-12-2014SDFC sắp sửa giao dịch 68,6 triệu cổ phiếu trên UpCOM
- 16-04-2011SDFC: Đặt kế hoạch 118,3 tỷ đồng LNTT, tăng VĐL lên 936 tỷ đồng năm 2011
Theo Đề án sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - mã MBB) và Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà (SDFC) vừa công bố, MB đã kiến nghị với NHNN 8 nội dung nhằm đảm bảo hỗ trợ MB xử lý các tồn đọng của SDFC sau quá trình tái cơ cấu.
Trước hết, MB kiến nghị NHNN phê duyệt để SDFC được phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản vay, mua trái phiếu theo quy định của NHNN trước khi giao dịch sáp nhập diễn ra.
Thứ hai, NHNN phê duyệt tất cả nợ xấu (bao gồm cả dư nợ, trái phiếu và các khoản phải thu) của SDFC được quản lý và theo dõi riêng theo cơ chế đặc biệt và không cộng vào số dư nợ xấu của MB trong vòng 3 năm kể từ khi hoàn tất giao dịch sáp nhập.
Thứ ba, NHNN chấp thuận cho MB nhận sáp nhập SDFC đồng thời thành lập công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của MB với đầy đủ các nghiệp vụ mà công ty tài chính được triển khai theo quy định của pháp luật.
Theo MB, việc thành lập công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với chiến lược kinh doanh của MB như tận dụng tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng nhằm gia tăng thị trường khách hàng cá nhân và nâng cao lợi nhuận; chuyên biệt hóa mảng tín dụng tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của MB; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu và hoạt động của MB do tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng cao hơn các hoạt động cho vay khác; thúc đẩy bán chéo sản phẩm;…
Kế hoạch tài chính của công ty tài chính tiêu dùng MB sẽ có số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng và tăng lên 800 tỷ đồng trong các năm sau. Lợi nhuận trước thuế năm đầu dự kiến đạt 50 tỷ đồng.
Bảng kết quả kinh doanh dự kiến của Công ty tài chính tiêu dùng MB.
Thứ tư, nhằm tạo điều kiện gia tăng sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, công nghệ, sản phẩm… của các công ty tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng MB kiến nghị NHNN chấp thuận nguyên tắc cho MB được phép tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài góp vốn mua cổ phần hoặc liên doanh với công ty tài chính tiêu dùng MB sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của công ty tài chính. Đối tác nước ngoài cam kết tuân thủ chiến lược kinh doanh của công ty tài chính tiêu dùng MB đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Luật TCTD và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ năm, MB đề nghị NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ và sử dụng thặng dư để chia cho các cổ đông hiện hữu của MB nhằm hoán đổi toàn bộ vốn điều lệ của SDFC theo tỷ lệ hoán đổi hai bên đã thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ sáu, kiến nghị NHNN cho phép công ty tài chính tiêu dùng MB được triển khai tích hợp các sản phẩm liên kết với Viettel và MB được NHNN cho phép thực hiện để hỗ trợ khách hàng theo quy định của NHNN và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ bảy, cho phép MB được trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho công ty tài chính tiêu dùng MB trong 5 năm đầu thành lập hoặc trong trường hợp khó khăn về thanh khoản phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN.
Thứ tám, NHNN có ý kiến với Bộ tài chính/cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan xem xét chấp thuận cho MB và công ty tài chính tiêu dùng MB được giãn, miễn, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong 5 năm đầu sau sáp nhập.
Trong đó, đối với MB được miễn 20% thuế TNDN trong 3 năm tài chính đầu tiên khi sáp nhập. Đối với công ty tài chính tiêu dùng MB mới thành lập được miễn 100% thuế TNDN trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập và được miễn 50% thuế TNDN trong 2 năm tài chính tiếp theo.
Theo kế hoạch, ngày mai (6/10), ngân hàng MB sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường với nội dung chính là nhận sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà.
Trí Thức Trẻ