MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: ACB đặt mục tiêu LNTT 1.314 tỷ đồng và thành lập công ty tài chính

08-04-2015 - 13:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 khá rõ ràng tuy nhiên ACB lại không nhắc tới vấn đề cổ tức cho cổ đông.

Nội dung nổi bật

- Năm 2014 ngân hàng ACB đạt LNTT 1.215 tỷ đồng.

- Mục tiêu 2015 đạt lợi nhuận 1.314 tỷ đồng, chưa đề cập đến chuyện cổ tức

- Ngân hàng dự kiến lập công ty tài chính với vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng để chuẩn bị cho việc NHNN siết hoạt động cho vay của các TCTD


Theo tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 sẽ tổ chức ngày 22/4 tới đây của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), năm 2014 ngân hàng hợp nhất đạt lợi nhuận trước thuế 1.215 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và vượt kế hoạch đề ra.

Đến ngày 31/12/2014, tổng quy mô huy động tiền gửi khách hàng đạt 154.614 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và hoàn thành 98% kế hoạch.  Dư nợ tín dụng đạt 116.324 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm, đạt 97% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 2,17%, thấp hơn mức 3,02% tại thời điểm cuối năm 2013. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt trên 12% - cao hơn so với quy định của NHNN.

Về hoạt động tái cơ cấu, sau hai năm thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, ACB đã giải quyết được cơ bản một số vấn đề tồn đọng, hoạt động kinh doanh được tăng cường và năng lực cạnh tranh được củng cố. ACB cho biết trong năm 2014 đã trích lập toàn bộ dự phòng cho lộ trình năm 2014 và trích bổ sung một phần cho lộ trình năm 2015.

Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá các cơ hội và thách thức đối với hoạt động kinh doanh của ACB, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng tài sản 13%; Tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng 13%; Tín dụng tăng trưởng 13%; Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3% và Lợi nhuận trước thuế khoảng 1.314 tỷ đồng.

Năm 2015, ACB trình cổ đông thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính tổng hợp Ngân hàng Á Châu với vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng.

Lý do của ACB đưa ra là: Hiện nay, trong số các nghiệp vụ tài chính mà ACB cung cấp cho khách hàng có các nghiệp vụ tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, và bao thanh toán. Ngân hàng Nhà nước đã có một số dự thảo thông tư có thể sẽ ban hành chính thức trong thời gian tới, trong đó có dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, và dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư nói trên, một khi được ban hành, sẽ có tác động đến ngân hàng thương mai và ngân hàng sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do NHNN quy định. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc ACB tiếp tục hoạt động kinh doanh về cho vay tiêu dùng sau khi có các thông tư nói trên, ACB cần thiết phải thành lập một công ty tài chính.

ACB dự kiến sau khi Công ty tài chính ACB được cấp phép thành lập, ACB Leasing sẽ đồng thời xin phép Ngân hàng Nhà nước sáp nhập ACB Leasing vào Công ty tài chính ACB. Theo quy định, vốn pháp định đối với công ty tài chính là 500 tỷ đồng. Hiện nay, vốn điều lệ của ACB Leasing là 200 tỷ đồng, do đó, để thành lập Công ty tài chính ACB thì ACB phải cấp thêm vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Dự kiến sau khi thành lập, lợi nhuận sau thuế năm đầu của Công ty Tài chính ACB là 69,4 tỷ, năm thứ hai là 81,9 tỷ và năm thứ 3 là 96,3 tỷ đồng.

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên