“Nên xem tỷ giá là công cụ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”
Đó là chia sẻ của TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại cuộc họp công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây.
- 02-06-2015HSBC: NHNN cần giữ nguồn dự trữ ngoại tệ đủ để hỗ trợ ổn định tỷ giá
- 17-12-2013Ổn định tỷ giá: Được gì cho đất nước?
- 13-06-2012Giảm lãi suất tác động đến tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng như thế nào?
Bên lề cuộc họp công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015” mới đây, TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề điều hành tỷ giá cũng như thực trạng nền kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập.
Hiện nay chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên do chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu (như xăng, điện…) tăng giá. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến dư địa của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong những tháng còn lại của năm 2015?
TS Huỳnh Thế Du: Chúng ta từng “hoang mang” khi chứng kiến sự biến động liên tục của nền kinh tế thế giới, của giá dầu và mọi thứ khác. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào các nền kinh tế lớn, ở đó các chính sách tiền tệ được điều hành một cách tường minh thì việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn có thể.
Trở lại câu chuyện về dư địa chính sách tiền tệ và ngân sách, tôi cho rằng, thời gian qua chính phủ VN đã làm được là thắt chặt đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ để tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô và chính phủ nên tiếp tục điều đó. Còn việc tăng trưởng hãy để cho các doanh nghiệp làm. Nếu chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng tăng chi tiêu ngân sách thì nhiều khả năng xảy ra trục trặc.
Chúng ta đã từng trả giá rất lớn cho bài học tập trung quá nhiều vào tăng trưởng. Chỉ khi chuyển hướng chiến lược từ mục tiêu tăng trưởng sang mục tiêu ổn định, nền kinh tế nước ta mới vừa có sự ổn định vừa có sự tăng trưởng.
Nếu chúng ta nóng vội muốn tăng trưởng nhanh ở 1 giai đoạn ngắn hạn nào đó mà muốn in thêm tiền hay chi tiêu công lớn thì trục trặc của nền kinh tế sẽ kéo dài và hệ lụy của khu vực công, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ trở nên trầm trọng trở lại.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng khối doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn nhưng lại hoạt động kém hiệu quả hơn khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI?
Dù là doanh nghiệp nhà nước hay không thì trong kinh doanh có một “chìa khóa” quan trọng, đó là sự cạnh tranh. Nếu nhìn vào ngành bưu chính viễn thông có thể thấy hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng do có yếu tố cạnh tranh, do có sức ép nên hiệu quả hoạt động của ngành này vẫn rất cao.
Trở lại câu chuyện cổ phần hóa hay không cổ phần hóa, đối với rất nhiều người điều hành doanh nghiệp nhà nước, họ không muốn cổ phần hóa vì sợ mất đi sự hỗ trợ lớn. Bên cạnh đó, nhà nước cũng chưa có chế tài rõ ràng và áp lực buộc doanh nghiệp phải cổ phần hóa nên việc trì hoãn diễn ra thường xuyên.
Năm nay được coi là năm hội nhập của Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm, TPP là ngưỡng cửa lớn cũng như hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được kí kết khác… Ông đánh giá thế nào về tính cân bằng trong tổng thể của nền kinh tế Việt Nam trước ngưỡng của của hội nhập?
Khi hội nhập thì các dòng vốn và nguồn nhân lực của quốc tế hay các nước trong khu vực đều thông thương nhau. Lúc đó, lợi thế cạnh trạnh và lợi thế so sánh sẽ phát huy tác dụng.
Khi nền kinh tế càng tự do, việc điều hành tỉ giá càng quan trọng. Tất cả các rào cản về thuế và kĩ thuật ta đều không thể can thiệp được. Trong khi đó, tỉ giá là một công cụ đánh thuế, một công cụ tạo ra những rào cản để tăng giảm thuế hay chính là sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo tôi, trong thời gian tới nên xem tỉ giá là một công cụ nâng cao hay giúp tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thay vì các mục tiêu không sát sườn với tỉ giá, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì đây là công cụ vô cùng quan trọng nên nếu chúng ta không sử dụng thì sẽ rất khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như việc hội nhập sâu rộng.
Đứng trước các rào cản thương mại, ông có cho rằng Việt Nam đã chủ động trong việc chuẩn bị xây dựng những rào cản như thế để bảo vệ chính mình hay chưa?
Về bản chất, chủ động là vấn đề của từng người, từng doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn với nhiều điều kiện bất lợi nhưng nếu anh khai thác tốt lợi thế, anh vẫn có thể thành công.
Ngược lại, nếu có sẵn các điều kiện thuận lợi mà anh không khai thác được lợi thế, tất nhiên anh sẽ thất bại.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh, việc định hướng của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhưng Nhà nước chỉ nên làm hai việc trong điều hành kinh tế: Một là làm cho nền kinh tế thật sự ổn định. Hai là tạo môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng. Chỉ cần làm tốt 2 việc đó thì tôi tin mọi thứ sẽ tốt lên.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!