MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu áp trần lãi suất, cả ngân hàng và người dân đều thiệt?

23-10-2015 - 10:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ luật Dân sự tiếp tục được đưa ra thảo luận và biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp. Một trong những vấn đề quan trọng tại Bộ luật Dân sự được rất nhiều đại biểu, các tổ chức tài chính và dư luận quan tâm, đó chính là có nên áp trần lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng?

Tại phiên làm việc thứ 42 ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội để hai phương án xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội:

Phương án thứ nhất: Quy định mức lãi suất cố định trong Bộ luật dân sự tối đa 20%/năm.

Phương án thứ hai: Giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, tức là sử dụng lãi suất cơ bản làm tham chiếu.

Đáng chú ý, cả hai phương án này đều xác định quy định trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có quy định liên quan.

Nêu quan điểm về 2 phương án trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nghiêng về phương án 1. Trước đó, ông Giàu từng rất thẳng thắn phản đối việc sử dụng lãi suất cơ bản, vì thuật ngữ này theo ông là không đúng và đặt ra câu hỏi: Nếu lãi suất cơ bản 0% thì lấy căn cứ gì để xử?

Được biết, khi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từng băn khoăn về vấn đề này, ông Giàu đã nhiều lần đề nghị: Thay vì căn cứ vào lãi suất cơ bản, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần căn cứ vào lãi suất cho vay bình quân của 10 ngân hàng thương mại lớn, khi xử lý các tranh chấp liên quan đến lãi suất cho vay.

Khác với quan điểm của ông Giàu, đại diện của Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo Bộ luật dân sự) - Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án hai, bởi vì Luật Ngân hàng nhà nước vẫn quy định có lãi suất cơ bản và khi nào thấy cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước công bố. Mặt khác, các Bộ luật Dân sự trước và hiện hành vẫn lấy lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, theo ông Tụng  nếu quy định lãi suất cố định cũng sẽ không đảm bảo linh hoạt, vì đã ban hành luật thì khó có thể sửa trong ngày một, ngày hai.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về nội dung này, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình cũng đã nhận định: Nếu đi đến cùng thì thị trường tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, để tiến tới tự do hóa lãi suất là cả một chặng đường dài, trong đó yếu tố quyết định chính là sự ổn định của nền kinh tế. Một số quốc gia khác trên thế giới cho phép tự do cạnh tranh, vì vậy các tổ chức tín dụng phải tự động điều chỉnh mức giá hợp lý. Hai bên có quyền tự thỏa thuận, nếu tổ chức tín dụng nào đòi hỏi mức lãi quá cao thì người vay sẽ tìm tổ chức tín dụng khác. Sự cạnh tranh này rất minh bạch, đây là điều mà Việt Nam sẽ phải học tập và hướng đến.

"Thị trường có minh bạch hay không là do hệ thống luật pháp đạt tới một trình độ rất cao, xử lý các vi phạm một cách nghiêm minh”, TS . Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cho rằng, không nên quy định theo hướng áp trần lãi suất với các ngân hàng, bởi vì trong thực tế là không có khái niệm về lãi suất cơ bản, và từ 2009 đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa từng công bố lãi suất cơ bản. Năm 2005, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự và áp trần lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động tín dụng. Để tháo gỡ vấn đề này, sau đó Quốc hội đã phải ra Nghị quyết để thị trường hoạt động theo hướng áp dụng lãi suất thỏa thuận.

“Lấy cơ sở nào để định ra con số 150% hay 200%? Chúng ta nên tham khảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự của một số nước. Cần xem xét động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì mới định ra được giải pháp xử lý, không thể nào chỉ vì chống tín dụng đen mà lại bóp méo thị trường. Cần cân nhắc kỹ việc áp trần lãi suất, quy định như vậy thì hệ thống ngân hàng sẽ chết”, TS. Trần Du Lịch thẳng thắn nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lịch,  chúng ta cần phải hiểu rằng, các ngân hàng không cho vay nặng lãi, vì tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vậy tại sao chúng ta lại ra một điều luật trái với quy luật thị trường, để rồi trói buộc hệ thống ngân hàng? Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi, vậy thì nên tìm hướng khác, không nên áp trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng trong Bộ luật Dân sự.

Trên thực tế, việc áp dụng trần lãi suất tại Bộ luật dân sự đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng là không cần thiết và không hợp lý. Việc áp dụng trần lãi suất vay tại Bộ luật dân sự với hoạt động ngân hàng có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO. Đây có thể là một bất lợi để các nước khác viện cớ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến việc các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

“Theo tôi không nên quy định con số cụ thể, bởi vì khi ấn định con số sẽ rất khó cho thỏa thuận dân sự. Rõ ràng trường hợp người cho vay và người vay đều đồng thuận về mức lãi suất nào đó nhưng cao quá quy định thì họ vi phạm pháp luật. Việc áp đặt con số cụ thể nào đó chẳng qua là một biện pháp trước mắt nhằm ngăn chặn tín dụng đen. Tuy nhiên, biện pháp này không triệt để, bởi nếu có đặt ra con số bất kỳ nào thì rồi cũng phải sửa đổi theo đời sống thực tế. Chính vì vậy, dù chúng ta chọn phương án nào đi nữa cũng nhất thiết phải làm rõ việc đưa các tổ chức tín dụng ra khỏi Điều khoản này như một điều kiện tiên quyết để thị trường tài chính ngân hàng phát triển đúng xu thế và phù hợp với thông lệ quốc tế", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo góp ý.

 

Ngọc Quang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên