MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng 2014 khó bật mạnh

31-01-2014 - 19:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Bước vào năm 2014, nhiều dự báo cho rằng tình hình kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng còn khó khăn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2013, lợi nhuận của các ngân hàng đã cải thiện hơn so với năm 2012 dù rằng vẫn còn 17% các TCTD thua lỗ. Tuy nhiên những kết quả đạt được như nợ xấu toàn hệ thống giảm gần 1% xuống dưới 4%, tín dụng tăng trưởng hơn 12%, lãi suất về mức thấp của năm 2005 - 2006, tỷ giá và thị trường vàng ổn định, giải quyết xong 9 ngân hàng thương mại yếu kém...là minh chứng cho những nỗ lực của NHNN và các ngân hàng thương mại.

Bước vào năm 2014, nhiều dự báo cho rằng tình hình kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng còn khó khăn. Nhân dịp đầu Xuân mới 2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Phạm Duy Hiếu về triển vọng năm nay.

PV: Năm 2013 nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực trong giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu và đạt được những kết quả ấn tượng. Ông dự báo thế nào về tình hình 2014?

Ông Phạm Duy Hiếu: Tôi cho rằng năm 2014 sẽ là năm tiếp tục phải tập trung xử lý nợ xấu, do nợ xấu là một nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến nền móng căn bản của hệ thống ngân hàng. Việc xác định và xử lý những khoản nợ xấu giống như ta thực hiện một cuộc đại phẫu, nó sẽ làm cho những cá thể có sức sống mạnh có cơ hội lành bệnh và phục hồi nhanh chóng, nhưng sẽ làm trầm trọng thêm đối với những cá thể quá yếu kém và rệu rã. Mặc dù có cả những tác động tích cực và tiêu cực, nhưng tôi cho rằng động tác này là cần thiết, giúp phân loại rõ hơn những ngân hàng tốt và xấu, từ đó giúp tổng thể hệ thống ngân hàng của chúng ta phát triển lành mạnh hơn.

Ngoài ra, những hiệu quả bước đầu của hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tập trung đưa vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận được tín dụng để tăng trưởng cũng đóng góp lớn vào sự phục hồi dần của nền kinh tế. Các dự báo cho thấy hoạt động ngân hàng năm 2014 tuy khó có thể bật lên mạnh mẽ, nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định và có khởi sắc hơn.

Các ngân hàng đang cạnh tranh rất mạnh mẽ, trong đó lãi suất thường được nhiều đơn vị áp dụng. Theo ông đây có phải là "vũ khí" hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?

Đúng là các ngân hàng đều đang cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là trong mảng bán lẻ. Tuy nhiên có một thực tế là sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng hiện nay vẫn chưa có nhiều khác biệt và sáng tạo. Ở đây chúng ta đang đề cập đến sức cạnh tranh dựa trên sự khác biệt của các ngân hàng trong hệ thống với sự tham gia của 62 đơn vị, trong đó có 37 ngân hàng thương mại, 14 ngân hàng nước ngoài và 6 ngân hàng liên doanh.

Nhìn vào thực tế vừa qua khi cạnh tranh thu hút tiền gửi chẳng hạn, dường như “vũ khí” duy nhất được đem ra áp dụng là lãi suất huy động cao, thậm chí để tận dụng tối đa vũ khí này, một số trường hợp cá biệt còn vi phạm quy định về lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước. Nếu các ngân hàng quá chú trọng đến những chiêu thức như vậy thì vô hình chung sẽ triệt tiêu sức sáng tạo của chính mình, trong dài hạn điều này không có lợi cho bản thân mỗi ngân hàng và cho cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa mạnh, lợi nhuận biên xuống thấp do lãi suất giảm sâu vậy các ngân hàng có nên điều chỉnh hướng kinh doanh không thưa ông?

Tôi cho rằng năm 2014 vẫn là năm khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, do vậy, việc tập trung cho hoạt động bán lẻ sẽ là một lựa chọn được các ngân hàng ưu ái.

Ở ABBank chúng tôi cũng không là một ngoại lệ. Cùng với việc luôn sẵn sàng đảm bảo về nguồn vốn cung ứng cho các DN, tổ chức giúp tháo gỡ khó khăn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh và tập trung triển khai các chương trình thúc đẩy huy động và tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân, các DN vừa và nhỏ trong năm 2014.

Lãi suất thấp cũng là một giải pháp kích thích tín dụng, do sẽ đưa tới nguồn vốn giá rẻ, giúp hỗ trợ một phần chi phí cho khách hàng. Tuy nhiên, chỉ lãi suất thấp thôi thì không thể phát huy hiệu quả tối đa nếu không có sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Bởi vậy, những gói tín dụng được phát triển theo từng phân khúc và dựa trên tính chất kinh doanh của từng nhóm khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng vừa giúp ngân hàng tối đa hiệu quả của dòng vốn tín dụng, vừa giúp quản lý rủi ro tín dụng tốt hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Nhân dịp Xuân mới, kính chúc ông và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên