Ngân hàng bắt đầu cạnh tranh cho vay
Dù không tránh khỏi khó khăn trong việc giữ nguồn tiền gửi tiết kiệm khi trần lãi suất huy động giảm, song các ngân hàng cho biết, tình hình thanh khoản đã được cải thiện.
Chỉ tiêu tín dụng được tăng trưởng trong năm nay đối với ngân hàng nhóm 1 thấp hơn 3% so với năm trước, còn với ngân hàng nhóm 2 ít hơn đến 5%. Thế nhưng, tình hình cho vay khá ảm đạm, dù lãi suất giảm bởi DN không có nhu cầu, tín dụng toàn ngành tăng trưởng âm gần 2% trong ba tháng đầu năm khiến các ngân hàng lo ngại, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là không đơn giản.
Với chỉ tiêu tín dụng nhận được trong năm 2012 ở mức 15%, DaiA Bank cho biết, Ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, quý I đã đi qua và tháng đầu của quý II sắp hết, nhưng tình hình tăng trưởng dư nợ vẫn chỉ đạt mức thấp. Trong khi đó, DaiA Bank đã từng bước giảm lãi suất cho vay và triển khai cả sản phẩm cho vay thế chấp 150 triệu đồng. Theo lý giải của một lãnh đạo cấp cao DaiA Bank, sở dĩ tín dụng khó tăng trong thời gian này là do nhu cầu vốn của DN có sức khỏe tốt và dự án khả thi không nhiều. Để tìm kiếm được khách hàng tiềm năng trao vốn trong bối cảnh hiện nay tương đối khó.
Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho biết, khó có thể đẩy mạnh dư nợ tín dụng trong bối cảnh hiện nay khi sức mua của thị trường giảm mạnh. Các DN chỉ vay vốn cầm chừng, chưa có ý định đầu tư mới cho việc sản xuất - kinh doanh. Bản thân Ngân hàng cũng lo ngại nợ xấu gia tăng nên hạn chế cấp tín dụng đối với các DN quá khó khăn, chưa có dự án kinh doanh khả thi. Vì thế, theo ông Hải, lãi suất giảm chưa hẳn đã thu hút được khách hàng vay vốn, nếu nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay tại ACB đã giảm đáng kể so với đầu năm 2011, còn khoảng 17 -18%/năm áp dụng cho khách hàng DN và 18 -18,5%/năm đối với khách hàng cá nhân. Ông Hải còn cho biết, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi hợp đồng tín dụng đến kỳ điều chỉnh để phù hợp với mặt bằng lãi suất chung cũng như xu hướng của thị trường khi trần lãi suất tiết kiệm giảm… Vì nếu không điều chỉnh lãi vay, Ngân hàng sẽ khó cạnh tranh để thu hút khách hàng vay vốn.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ACB từ đầu năm đến nay khá thấp và không đạt được mức kỳ vọng. Hiện ACB không chỉ cung ứng vốn cho DN tái cấu trúc tài chính mà còn đẩy mạnh cho vay đối với khối cá nhân, trong đó, có cả cho vay tín chấp… “Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của ngành năm nay, theo tôi, phải cố gắng may ra mới có thể đạt được, vì e rằng muốn cho vay cũng khó có người vay”.
Từ 21/4, HDBank đưa ra hạn mức 1.000 tỷ đồng cho DN xuất nhập khẩu vay với lãi suất ưu đãi, 16%/năm trong 6 tháng, nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu… Song, theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, khó có thể đẩy mạnh cho vay, dù lãi suất áp dụng cho các đối tượng này đã giảm đáng kể so với đầu năm 2012.
Trong
khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, để thu hút được
khách hàng tiềm năng, ngoài việc cạnh tranh bằng lãi suất, nhà băng còn
kèm theo nhiều ưu đãi khác nhưng tăng trưởng tín dụng OCB từ đầu năm
đến giữa tháng 4 vẫn âm 2%. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này
chính là OCB phải sàng lọc kỹ khách hàng, nhằm hạn chế nợ khó đòi gia
tăng. Do đó, theo ông Tuấn, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong
năm nay, OCB kỳ vọng vào 2 quý còn lại của năm. Đồng thời, với tín dụng
của khối khách hàng cá nhân khi được NHNN cho phép mở van, OCB cũng từng
bước đẩy mạnh cho vay, nhất là với lĩnh vực bất động sản mua, sửa chữa
nhà dưới hình thức trả góp, vì “room” tín dụng lĩnh vực không khuyến
khích của OCB đến thời điểm này mới sử dụng hết 10%.
Theo Thùy Vinh
ĐTCK