Ngân hàng xoay trở bơm vốn
Huy động vốn tăng trong khi cho vay khó khăn khiến ngân hàng (NH) phải xoay trở bằng nhiều cách, trong đó có việc tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau.
Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng cả nước mới đạt 2,3%, còn tại TP.HCM tín dụng mới chỉ tăng 1,32%.
Đi vào thị trường ngách
Tín dụng bất động sản phục hồi Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tín dụng TP.HCM sáu tháng mới tăng 1,32%, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái tín dụng đã tăng khoảng 3,3%. Theo báo cáo của các NH, cho vay DN vẫn gặp nhiều khó khăn, riêng cho vay cá nhân, tiêu dùng, bất động sản có phục hồi nhẹ. Đến hết tháng 6, tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 15.000 tỉ đồng so với cuối năm 2013. |
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp (DN) 2014 vừa được UBND quận 1, TP.HCM tổ chức, trong khi lãnh đạo NH Nam Á giới thiệu về chương trình cho vay đối với các DN, các nhân viên NH này cũng tranh thủ tiếp cận các DN để lấy thông tin.
“NH không còn chờ DN đến đặt vấn đề vay vốn nữa mà phải tự thân vận động để tồn tại” - ông Trần Ngọc Tâm, phó tổng giám đốc NH Nam Á, nói. Theo ông Tâm, không phải qua buổi gặp là có được khách hàng ngay, nhưng đó là dịp để NH tiếp cận DN, nắm thông tin, từ đó biết DN cần gì để đưa ra sản phẩm phù hợp.
Một lãnh đạo Sacombank thừa nhận ngoài việc đẩy mạnh cho vay món lớn, NH này còn đi vào ngóc ngách của thị trường là khách hàng cá nhân cũng như DN nhỏ và vừa, do các DN nhỏ và vừa vẫn có xu hướng duy trì sản xuất ngay cả trong thời điểm khó khăn. Nhiều chương trình cho vay đã được tung ra, trong đó có chương trình vay nhanh dành cho DN nhỏ và vừa với hạn mức tối đa 1 tỉ đồng, thời gian xử lý hồ sơ tối đa hai ngày. Đối với các khoản vay bổ sung vốn kinh doanh, thời hạn vay tối đa là 12 tháng và tài sản đảm bảo là bất động sản.
Ngoài ra, Sacombank còn đẩy mạnh tiếp cận khối nhân viên văn phòng để cho vay phục vụ tiêu dùng, đời sống. Nhân viên NH đến từng cơ sở, gặp lãnh đạo các đơn vị nhờ phổ biến đến nhân viên. Món vay phổ biến chỉ vài chục triệu đồng đến khoảng 100 triệu đồng tùy theo mức lương, nhưng bù lại bên vay có nguồn trả nợ ổn định, rủi ro cũng được phân tán. “Nhiều NH cũng đi theo hướng này nhưng NH cạnh tranh bằng sản phẩm dịch vụ để kéo khách hàng từ chỗ sử dụng dịch vụ nhỏ lẻ thành khách hàng vay vốn” - ông này cho biết. Tính đến hết tháng 6, cho vay cá nhân của Sacombank đã tăng 13% so với cuối năm 2013.
Phó tổng giám đốc một NH có trụ sở tại quận 1 cho biết NH này tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách, trong đó có việc qua hiệp hội để có mối quan hệ với DN. Còn với khách hàng cá nhân, NH tiếp cận thông qua trường học, công sở hoặc mua thông tin từ các trung tâm mua sắm, bảo hiểm. “Khách hàng của các trung tâm mua sắm thường là người có tiền, tiêu tiền đều, do vậy tiếp thị sản phẩm NH đến với họ cũng dễ dàng hơn. Thời gian qua hướng tiếp cận này khá hiệu quả” - ông này cho biết.
Cần giải pháp căn cơ
Dù đánh giá cao nỗ lực của các NH trong việc tháo băng tín dụng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần giải pháp căn cơ hơn. Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hộ kinh doanh nhỏ, khách hàng cá nhân là những đối tượng còn có khả năng hấp thu được vốn trong giai đoạn hiện nay, mặt khác do món vay nhỏ nên rủi ro của NH vì thế được dàn trải, phân tán. NH cũng thu được lãi suất cho vay cao hơn so với cho vay DN. Tuy nhiên, nếu tín dụng chỉ đi vào những đối tượng này thì không giải quyết được các vấn đề hiện nay của nền kinh tế.
“Hiện DN vẫn gặp trở ngại rất lớn khi tiếp cận vốn NH với lý do “sức khỏe” chưa tốt, tài sản thế chấp mỏng, báo cáo tài chính chưa đủ độ tin cậy, NH không dám “ôm” vì sợ vướng phải nợ xấu thì giải quyết rất mệt mỏi” - ông Hiếu nói.
Trích dẫn khảo sát của Hiệp hội DN với 27% DN không tiếp cận vốn được là do thủ tục khó khăn, 8% do DN không muốn vay, còn lại do không đủ điều kiện bởi nợ xấu, không có tài sản đảm bảo, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng những con số trên cho thấy khó nhất hiện nay là NH không có niềm tin vào DN. “Đó cũng là chuyện bình thường vì các NH phải phòng vệ trước rủi ro của thị trường. Nhưng nếu để điều này kéo dài thì không chỉ làm tín dụng đóng băng mà còn ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế” - ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, tín dụng thời gian qua tăng khó là do tiến trình xử lý nợ xấu đang bế tắc. Định chế xử lý nợ xấu quan trọng hiện nay là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) không đủ quyền lực để hoàn tất thủ tục mua bán nợ, nhất là không có đủ quyền xác lập quyền sở hữu của người mua nợ. “Sinh ra VAMC không có quyền lực cao hơn NH nên hiệu quả xử lý ngày càng sụt giảm. Nếu không có đột phá về xử lý nợ xấu thì tín dụng vẫn tiếp tục tăng thấp” - ông Nghĩa nói.
Liên quan đến hướng đi hiện nay của NH nhằm tìm đầu ra cho tín dụng, ông Nghĩa cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời chứ không đẩy tín dụng lên cao được. Hơn nữa, hiện nay NH không tập trung đánh giá thị trường mà cứ lo thẩm định là phụ, tài sản đảm bảo là chính thì lấy đâu ra mà cho vay. Mặt khác NH chỉ muốn cho vay ngắn hạn, trong khi trung - dài hạn hạn chế thì làm sao DN phát triển sản xuất kinh doanh được?