Nhìn theo cú bật trở lại của tỷ giá USD/VND
Vì sao tỷ giá USD/VND “chạy” nhanh trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại...
Sau đợt bình ổn kéo dài từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND bắt đầu có biến động khá mạnh, tăng nhanh từ hôm qua (22/3) cho đến đầu giờ sáng nay.
Trong ngày hôm qua, giá USD bán ra niêm yết phổ biến tại các ngân hàng thương mại ở 22.370 - 22.380 VND, tăng khoảng 50 VND so với mức ổn định kéo dài trước đó.
Đến đầu giờ sáng nay (23/3), một số ngân hàng thương mại cổ phần đã nhanh chóng nới mức giá USD bán ra lên tới 22.400 - 22.415 VND; mức cao nhất đã tăng tới gần 100 VND so với cuối tuần qua.
Diễn biến trên diễn ra nhanh, khá bất ngờ so với quãng ổn định của tỷ giá USD/VND từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, trước Tết, tỷ giá liên tục rơi nhanh, và tại ngày 1/2/2016 Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã phải nâng giá mua vào để chặn đà rơi, ở mức 22.300 VND.
Từ đó đến đầu tuần này, mốc 22.300 VND được Sở giữ ổn định, như là một mức chặn dưới giúp ổn định tỷ giá. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng rất lớn ngoại tệ (vào khoảng trên dưới 3 tỷ USD).
Tuy nhiên, như đề cập ở trên, chỉ trong ngày hôm qua và đầu giờ sáng nay, tỷ giá USD/VND đã bật trở lại với diễn biến khá nhanh và có xu hướng mạnh lên.
Vì sao có diễn biến trên?
Theo tìm hiểu của VnEconomy, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường không có thay đổi đột biến; các thông tin vĩ mô, cơ chế chính sách cũng không có yếu tố mới tác động đột biến.
Nhưng, theo thói quen quan sát thường ngày, một điểm được chú ý là: hôm qua (22/3), Ngân hàng Nhà nước đã không công bố và niêm yết mới mức giá mua vào USD của Sở Giao dịch.
Đầu phiên ngày 22/3, thị trường xuất hiện một số dự đoán Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng giá mua vào thêm khoảng 50 VND. Bắt “yếu tố thông tin” này, giá USD trên thị trường liên ngân hàng “chạy” khá nhanh và tăng khoảng 43 VND; giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tương ứng.
Việc không công bố và niêm yết giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước trong ngày 22/3 càng khiến dự đoán trên có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, về lý thuyết, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng là một thành viên của thị trường, có vị trí đứng sau cùng trên thị trường để can thiệp mua vào - bán ra khi có biểu hiện mất cân đối cung - cầu, hoặc gián tiếp hỗ trợ ổn định tỷ giá ở một vùng mục tiêu nào đó.
Việc nâng hoặc giảm, niêm yết giá mua vào bán ra hay không, như thế nào thuộc quyền chủ động của Sở Giao dịch tại các thời điểm, có thể xem là độc lập với giao dịch trên thị trường.
Nhưng một khi thiếu vắng thông tin có tính tham khảo quan trọng này, thị trường đồn đoán là dễ hiểu.
Với dự tính Sở Giao dịch nâng giá mua vào thêm 50 VND, lên 22.350 VND, có một số ý kiến khác nhau.
Thứ nhất, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước “ngầm định” khoảng biến động tỷ giá USD/VND quanh 1%, nhưng đến nay gần như rất bình ổn. Việc Sở nâng giá mua lên theo đó, với mức dự đoán đó, là bình thường và không quá lớn so với khoảng biến động “ngầm định” trên.
Thứ hai, tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình diễn biến điều hành và ứng xử của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua, chưa bao giờ Sở Giao dịch lại chủ động nâng giá mua vào lên như vậy, chỉ có quyết định chặn mua vào mà thôi.
Vì, nếu chủ động nâng giá mua vào như trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát đi thông điệp khiến thị trường phải suy nghĩ: như thế có phải nhà điều hành cố mua vào ngoại tệ?
Bất thành văn, có thể khẳng định rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vào ngoại tệ theo hướng không gây ảnh hưởng lớn tới trạng thái ngoại tệ của hệ thống về hướng âm quá. Đến cuối tuần qua, trạng thái ngoại tệ của hệ thống theo ghi nhận của một số tổ chức đầu tư đã chớm âm, vậy nên càng hạn chế lý do để nâng giá và cố mua.
Thực tế cũng đã sớm được trả lời. Khá muộn, nhưng mức giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vừa niêm yết cho ngày hôm nay (23/3) vẫn giữ nguyên ở 22.300 VND.
Dĩ nhiên, diễn biến của tỷ giá hiện nay không chỉ phụ thuộc vào dự đoán và động thái trên của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Một số đầu mối ghi nhận, cầu ngoại tệ có tăng lên, nhưng mang tính thời điểm, chủ yếu do một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài mua để chuyển lợi nhuận về chính quốc theo kế hoạch tài chính định kỳ của họ.
VnEconomy