MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thủ đoạn tín dụng đen nâng khống tiền vay

18-03-2016 - 09:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều người tố cáo là bị gộp, nâng khống tiền vay nhưng công an không xử lý được, tòa cũng chẳng có căn cứđể bác yêu cầu của bên cho vay.

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh nạn tín dụng đen hoành hành đẩy nhiều người dân Cà Mau vào cảnh khốn khó. Hàng chục người ở Cà Mau tố cáo đến công an vì cho là mình bị các chủ nợ dùng nhiều thủ đoạn ép ký giấy mua bán nhà, đất; bị ép ký vào giấy nhận nợ và những tờ giấy này thành bằng chứng đẩy họ vào cảnh khốn cùng cho những khoản vay ban đầu rất nhỏ.

Họ đã dùng thủ đoạn nào để ép con nợ ngoan ngoãn ký vào những tờ giấy bất lợi cho con nợ?

Hủy hợp đồng giả cách nhưng phải trả nợ khủng

Trong vụ khách sạn Duy L. ở TP Cà Mau, người chủ đã phải khóc ròng vì cho là mình chỉ vay tổng cộng 2,4 tỉ đồng nhưng sau 18 tháng phải trả cho chủ nợ hơn 10 tỉ đồng.

Theo chủ khách sạn, cuối tháng 8-2012, bà này vay của ông Châu Hùng D. 1,6 tỉ đồng với lãi suất 2,5%/tháng. Để đảm bảo khoản tiền vay này, chủ nợ yêu cầu phải ký vào hợp đồng giả cách là bán khách sạn với giá 1,75 tỉ đồng.

Sau đó, chủ nợ đi làm thủ tục sang tên thì con nợ kiện ra tòa, yêu cầu trả lại đúng bản chất của sự việc là bà chỉ vay chứ không bán khách sạn.

Xử vụ này, tòa tuyên hủy hợp đồng mua bán khách sạn vì là hợp đồng giả cách, buộc chủ khách sạn trả cho ông D. tổng số tiền 10,4 tỉ đồng.

Tòa buộc như trên dù chủ khách sạn khăng khăng là mình chỉ vay 2,4 tỉ đồng nhưng lại không có cơ sở chứng minh. Trong khi chủ nợ lại có tờ giấy cam kết với nội dung là bà này đã nhận 9,5 tỉ đồng. Thời gian nhận tiền đến khi xét xử là 18 tháng nên bà phải trả cho chủ nợ phần lãi suất theo ngân hàng tổng cộng 10,4 tỉ đồng.

Một trường hợp khác là ông Trần Thanh Tuấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Ông cũng cho là mình chỉ vay của bà Nguyễn Thị Bé Tám (cùng địa phương) 30 triệu đồng. Thế nhưng căn cứ vào giấy tờ bà Tám đưa ra, gồm hai biên nhận nợ, một là 30 triệu đồng và một giấy nữa 72 triệu đồng. Từ đó HĐXX TAND huyện Cái Nước tuyên buộc ông Tuấn phải trả gốc cho bà Tám 102 triệu đồng, cùng lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm vay (năm 2011), tổng cộng là 119 triệu đồng.

Tương tự vậy, gần chục trường hợp khác kêu than bị nâng khống tiền vay nhưng không cung cấp được chứng cứ nên nguy cơ trả nợ khủng đang hiển hiện.

Gom hết giấy nợ ra tòa

Tiếp xúc với một số người đã bỏ nghề tín dụng đen hoặc từng là nạn nhân của tín dụng đen, họ hé lộ những thủ đoạn mà chủ nợ bắt ép con nợ phải ngoan ngoãn nghe theo mà luật pháp không sờ tới được.

“Đánh đập, bắt nhốt, khủng bố con nợ bằng sơn, mắm tôm… “xưa rồi Diễm” vì pháp luật sẽ sờ gáy. Các chủ nợ có nhiều cách bóp con nợ không còn đường thở khi gõ cửa tín dụng đen” - bà D., một chủ tín dụng đen đã “gác kiếm”, cho hay.

Bà khái quát: Những người cho vay có chiến lược rõ ràng, giỏi lách luật và khôn khéo hơn người. Họ nắm rõ mức lãi suất của ngân hàng và có nhiều cách buộc con nợ phải bán nhà sau một, hai năm vay tiền.

“Chủ nợ biết rất rõ tình thế khẩn cấp của người muốn vay tiền nên buộc con nợ ký giấy bán nhà cho khoản vay. Nếu con nợ trả lãi đúng hạn, trả gốc đúng hợp đồng thì sẽ không mất nhà nhưng mấy ai làm được trước cái mức lãi suất như rồng hút nước của tín dụng đen” - bà D. nói.

Còn cách nâng khống tiền vay mà các con nợ đang kêu khóc, bà D. khái quát: “Cách nâng khống tiền vay rất đa dạng, dễ nhất là buộc con nợ viết giấy nhận nợ mới nhưng lại không hủy giấy nợ cũ rồi gom hết các biên nhận cũ, mới mà đưa ra tòa. Sau đó con nợ chỉ biết khóc thét trước những bằng chứng giấy trắng mực đen”.

Theo sát con nợ như hình với bóng

Chúng tôi cũng gặp được một nạn nhân tên T., người từng phải ký các giấy nợ khống để giúp tín dụng đen gộp lãi thành gốc.

Ông kể: Năm 2014, vì quá cần tiền, ông đã vay của một người ở TP Cà Mau 100 triệu đồng, lãi suất 7%/tháng. Ông chỉ trả lãi được năm tháng thì không tìm đâu ra tiền nên bị ép phải ký giấy nhận thêm tiền gốc cộng lãi khi đến kỳ hạn. Biết là làm như vậy chẳng bao lâu sẽ mất tất cả nhà cửa, đất đai nên ông không ký. “Tôi không ký, họ chẳng đánh đập gì tôi cả. Nhưng cứ sáng ra khỏi nhà thì có một người đàn ông bám đuôi. Tôi đi đâu, người này theo đó. Tôi vô quán nước thì họ cũng vô theo. Tôi uống nước họ cũng uống nước, ăn cơm họ cũng ăn cơm. Họ bám như vậy ngày này qua ngày khác. Quá khiếp đảm vì không biết sẽ xảy ra chuyện gì nên tôi phải ký giấy tờ và tôi bị cuốn vào vòng tán gia bại sản” - ông T. kể.

Những “độc chiêu” nói trên cũng đã được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau nhận ra nhưng “bó tay”.

Tại cuộc họp khẩn cấp chiều 10-3, vấn đề ép con nợ nhận khống tiền vay cũng đã được đề cập, các con nợ yêu cầu công an xử lý hình sự chủ nợ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, công an không có chứng cứ quy buộc, đã ra phiếu chỉ dẫn chuyển đến tòa án giải quyết.

Lãi hơn 10 lần cũng không xử được!

Tín dụng đen nhan nhản, các cơ quan chức năng đều biết nhưng không xử lý được dù trong BLHS có quy định tội danh này. Có vụ công an đã khởi tố bị can để điều tra, chứng minh bị can cho vay lãi suất cao hơn 10 lần lãi suất ngân hàng nhưng phải đình chỉ.

Mới đây, VKSND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can đối với LH (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) về tội cho vay nặng lãi vì không đủ chứng cứ buộc tội.

Theo kết quả điều tra, bị can H. làm công nhân trong một công ty ở xã Thạnh Phú. Trong chỗ làm có nhiều công nhân cần tiền nên H. cho họ vay lấy lãi hằng tháng. Công nhân muốn vay tiền thì giao thẻ ATM của họ, đến kỳ lương anh ta rút tiền trừ phần lãi của người vay.

Tại thời điểm bị bắt giữ, H. đang rút tiền ở trụ ATM cùng với 23 thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm, giấy đỏ của các con nợ. Mở rộng điều tra, công an xác định H. là chủ nợ của 72 công nhân nơi anh ta làm việc (tổng số nợ gần 760 triệu đồng), các con nợ phải trả mức lãi suất 12%-16%/tháng.

Khi hồ sơ sang VKSND huyện Vĩnh Cửu, cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với LH vì cho rằng hành vi cho vay nặng lãi của H. là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp thì kiện ra tòa…

Căn cứ mà VKSND huyện Vĩnh Cửu đình chỉ bị can là hành vi cho vay nặng lãi của H. chỉ thỏa mãn dấu hiệu cho vay nặng lãi gấp 10 lần so với lãi suất cùng thời điểm của ngân hàng nhưng lại không thỏa mãn điều kiện “có tính bóc lột, làm nguồn sống chính”. Công an cũng không chứng minh được H. có hành vi ép buộc 72 công nhân phải vay tiền của mình. Việc vay mượn tiền này là tự nguyện của hai bên. Nếu có tranh chấp về lãi suất vay thì tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 476 BLDS.

Theo ông Cao Kỳ Dương, kiểm sát viên VKSND huyện Vĩnh Cửu, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là có tính bóc lột. Công nhân đi vay tiền có lương tối thiểu 3 triệu đồng/tháng, vượt mức chuẩn nghèo nên không chứng minh được là họ khó khăn. Tiền vay dùng vào việc mua nhà, xe máy, đóng học phí cho con… là hoàn toàn hợp lý. Mặt khác, H. có công việc, công an cũng không chứng minh được tính chất “chuyên bóc lột” theo quy định của Điều 163 BLHS nên không thể quy buộc anh ta vào tội cho vay lãi nặng…

TIẾN DŨNG

Theo TRẦN VŨ

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên