Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi không tin người dân sẽ rút tiền khi lãi suất hạ
Vấn đề là lấy tiền ra để làm gì? Đầu tư vàng, ngoại tệ không có lợi. Bất động sản “đóng băng”, có khi còn thua lỗ.
Lãi suất hạ, Cty quản lý tài sản (VAMC) sắp được thành lập hiện đang là những vấn đề nóng của thị trường tài chính tiền tệ. Bên lề hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tổ chức, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch UBGSTCQG (ảnh) - để có góc nhìn toàn diện hơn về những vấn đề trên.
- Tôi đánh giá cao quyết định hạ lãi suất huy động của NHNN. Theo đánh giá của chúng tôi thì lãi suất vẫn còn có thể hạ thêm. Lý do rất đơn giản vì lãi suất là giá của tiền tệ, phản ánh mối tương quan cung - cầu tiền tệ. Từ đầu năm đến nay tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng nhiều, cho thấy cung tiền tệ vượt xa nhu cầu.
Thêm vào đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong năm nay là 12%, nhưng sau 4 tháng tín dụng tăng rất thấp. Còn nhiều dư địa để đẩy tín dụng ra. Như thế lãi suất sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm. Thị trường sẽ tự điều tiết để có mức lãi suất hợp lý, thực tế một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động thấp hơn trần của NHNN.
Liệu việc hạ lãi suất có khiến người dân rút tiền khỏi ngân hàng, từ đó đẩy một số ngân hàng vào tình trạng căng thẳng thanh khoản không, thưa ông?
- Tôi không tin người dân không tiếp tục gửi tiền. Bằng chứng là lãi suất liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng huy động vào vẫn tăng nhanh hơn cho vay ra. Qua số liệu chúng tôi theo dõi thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã cải thiện và đang rất tốt.
Ngay như tôi có tiền gửi ngân hàng thì lãi suất có hạ tôi cũng không rút ra. Vấn đề lấy tiền ra để làm gì? Đầu tư vàng, ngoại tệ không có lợi. Bất động sản “đóng băng”, có khi còn thua lỗ. Rõ ràng gửi tiền ngân hàng tuy lãi suất có thấp hơn nhưng an toàn, có lợi hơn.
Vậy lãi suất sẽ hạ đến mức nào là hợp lý, thưa ông?
- Lãi suất hạ đến chừng nào huy động được người gửi tiền và cho vay ra tương đương nhau thì đó là mức hợp lý. Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ điều chỉnh theo tín hiệu của thị trường.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các TCTD thời gian qua đã có chia sẻ lợi ích với DN. Theo số liệu chúng tôi tổng hợp, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng giảm liên tục từ 2011 đến nay.
Một số ngân hàng chênh lệch lãi suất đã xuống dưới 3%, đây là một cố gắng rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng còn khó khăn nên chênh lệch này vẫn trên 3%. Xu thế giảm chênh lệch này diễn ra ở tất cả các ngân hàng từ NHTM Nhà nước đến các NHTMCP.
Ông đánh giá thế nào về khả năng giải quyết ứ đọng vốn sau khi VAMC ra đời?
- Với những cơ chế trong dự thảo đề án thành lập VAMC thì nợ xấu của các TCTD sẽ nhanh chóng chuyển sang cho VAMC, góp phần làm sạch bảng cân đối tài sản của ngân hàng, như thế DN có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.
Hiện nay, việc cho vay đang ngừng trệ do ràng buộc về pháp lý giữa ngân hàng với DN là DN còn nợ xấu thì không được phép vay tiếp. Nợ xấu chuyển sang VAMC sẽ được hạch toán ngoại bảng, do đó DN sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để được vay vốn. Tuy nhiên, phía ngân hàng sẽ phải tiếp tục theo dõi và có điều kiện nhất định mới có thể cho DN vay vốn tiếp được.
Cũng phải nói thêm rằng VAMC không phải cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề mà chỉ là một biện pháp. Chúng ta cần đồng thời triển khai các giải pháp khác để hỗ trợ DN, thúc đẩy kinh tế. Như thế việc cho vay ra của các ngân hàng mới có ý nghĩa.
Năm 2012, trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng xấp xỉ 60 ngàn tỉ đồng. Còn theo dự thảo VAMC cho biết, sẽ xử lý khoảng 100 ngàn tỉ đồng nợ xấu. Ông có nhận xét gì về 2 con số này?
- Việc trích lập dự phòng hơn 60 ngàn tỉ đồng của các TCTD giúp cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, như NHNN đã thông báo thì ngoài tỉ lệ dư nợ được hạch toán vào nợ xấu, còn những khoản nợ xấu tiềm ẩn trong khoản dư nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780.
Ngoài ra còn phải thấy rằng trích lập dự phòng toàn hệ thống được con số như thế nhưng việc trích lập dự phòng tại các TCTD cũng khác nhau, tùy theo vào khả năng tài chính và đánh giá của TCTD. Có TCTD trích lập dự phòng đủ thì xử lý tốt, nhưng cũng có TCTD nợ xấu cao nhưng trích lập dự phòng thấp. Do đó không phải với tổng trích lập dự phòng toàn hệ thống như vậy thì xử lý được, mà sẽ có TCTD hoàn thành sớm, nhưng cũng có TCTD không giải quyết xong. Đây cũng là hàm ý cho khoảng thời gian 5 năm tròn đề án VAMC. Cùng với đó cũng phải đề phòng khả năng sau 5 năm vẫn có TCTD chưa thể trích lập đủ theo yêu cầu.
- Xin cảm ơn ông