Ông Phạm Văn Kháng - cán bộ tín dụng ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) chi nhánh Bắc Hải Dương đi vay lãi ngày 1 tỷ đồng đáo nợ khoản vay quá hạn cho khách hàng. Ngay sau đó, "con nợ" đã chạy đến ngân hàng yêu cầu rút sổ đỏ và được sự đồng tình của lãnh đạo BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương.
Lãnh đạo "mở đường", cán bộ tín dụng "sập bẫy"?
Được ủy quyền của em trai Phạm Văn Kháng, ông Phạm Minh Kha sinh 1975, trú tại: Số 148 Nguyễn Đăng Lành, thị trấn Nam Sách có đơn gửi tới báo chí với nội dung tố cáo lãnh đạo Ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương có “dấu hiệu câu kết để cùng lừa đảo” em trai mình.
Theo đơn, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Tuấn và bà Nguyễn Thị Tiện trú tại số nhà 255 khu Hoàng Hanh, thị trấn Nam Sách có ký một hợp đồng vay vốn thời hạn 01 năm số 559/2012 HDTDP2, ngày 21/07/2012 do ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Ngân hàng thẩm định và ký hợp đồng. Tài sản vay thế chấp của hợp đồng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ngôi nhà 2 tầng đang ở, trong thửa đất trên. Hợp đồng có định mức vay 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Đến ngày 21/07/2013 (ngày hợp đồng hết hạn), ông Tuấn bà Tiện không có khả năng thanh toán, không đến ngân hàng.
Ngày 31/07/2013, Ban giám đốc ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương triệu tập khách hàng đến làm việc tại phòng Phó giám đốc Nguyễn Văn Công. Tại buổi làm việc, ông Công đã nhất trí cho khách hàng làm thủ tục đáo hạn như các món vay khác (dù đã quá hạn 10 ngày). Sau đó, ông Công “đôn đốc” ông Phạm Văn Kháng phải có trách nhiệm với số tiền nợ 1 tỷ với ngụ ý khi được đáo hạn thì lại rút tiền về.
Trước sự "mở đường" của lãnh đạo, cùng với sự tin tưởng cấp trên, nhân viên Phạm Văn Kháng đã nhờ ông Phan Hữu Độ (hộ kinh doanh ô tô ở khu Nguyễn Thái Học, là anh em cùng quê) vay hộ tiền để nộp cho hoàn thành nhiệm vụ. 17h11 phút ngày 31/07/2013, ông Kháng chuyển 01 tỷ vào tài khoản của khách hàng Tuấn.
Khi phòng giao dịch số 02 đã làm xong hồ sơ đáo hạn giao cho ông Kháng giao dịch tín dụng với khách hàng (tại thời điểm này ông Kháng đã không còn là cán bộ tín dụng vì đã chuyển công tác sang bộ phận thu hồi nợ) thì vợ chồng ông Tuấn bà Tiện đưa ra nhiều lý do không đến ký hồ sơ đáo hạn. Bản thân bà Tiện đã nhắn 09 tin nhắn từ số máy 0975721468 (số máy của ông Tuấn có trong hồ sơ vay, hiện bà Tiện đang dùng) cho ông Kháng. Các tin nhắn có nội dung bà Tiện không thuyết phục được chồng sang ký hồ sơ, bà đồng ý để ngân hàng làm thủ tục phát mại tài sản theo quy định pháp luật.
Trước tình hình khách hàng này, ông Kháng đã có đơn đề nghị Lãnh đạo ngân hàng hỗ trợ hủy giao dịch vì khách hàng không thực hiện cam kết để đáo hạn nợ nhưng lãnh đạo ngân hàng đã họp và không chấp nhận đơn đề nghị.
"Người trong cuộc": Chờ kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước!
Nhận thấy bất thường, ông Kháng sau đó liên tục đề nghị lãnh đạo ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương hỗ trợ hủy giao dịch, nhưng đề nghị này vẫn bất thành.
Ngày 23/08/2013 vợ chồng ông Tuấn bà Tiệm đã đến phòng Phó Giám đốc Nguyễn Văn Công yêu cầu trả tài sản là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Công hẹn ngày 27/08 trả tài sản cho ông Tuấn bà Tiệm dù biết mười mươi thực tế số tiền ứng vào đáo hạn là của anh nhân viên dưới quyền đi vay lãi.
Trước tình này, ông Phạm Văn Kháng buộc phải làm đơn tố cáo hành vi “lừa đảo” của ông Tuấn bà Tiệm ra Công an TX Chí Linh tỉnh Hải Dương.
|
ông Nguyễn Văn Công – Phó Giám đốc ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương |
PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Công – Phó Giám đốc ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương về những cáo buộc liên quan đến ông và lãnh đạo ngân hàng BIDV Bắc Hải Dương. Ông Công cho biết hiện tại chưa phát biểu được gì. Tuy nhiên, ông Công khẳng định trong sự vụ này ông đã làm hết phận sự đúng theo trình tự pháp luật, bản thân ông cũng đang chờ kết luận từ Ngân hàng BIDV Việt Nam, Thanh tra ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng tại địa phương.
Trao đổi thêm với PV, ông Công cho biết hiện nhân viên Phạm Văn Kháng vẫn đang là cán bộ tại Ngân hàng dù đã thuyên chuyển công tác từ bộ phận tín dụng sang thu hồi nợ vì một số vi phạm trong các hoạt động tín dụng năm 2013. Ông Công cũng cho biết, nhân viên Kháng đã ký kết biên bản làm rõ sự việc và không có ý dịnh gửi đơn thư tố cáo. Đơn từ khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng cũng như cơ quan báo chí là do người nhà không hiểu vấn đề gửi.
Tuy nhiên khi PV làm việc trực tiếp với ông Phạm Văn Kháng, ông Kháng vẫn khẳng định mình là người bị hại và muốn các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, giúp ông lấy lại số tiền đã bị "lừa đảo".
Chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin.