MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phúc thẩm vụ “bầu” Kiên: Tùy trường hợp sẽ cho bị cáo Kiên ngồi trả lời

28-11-2014 - 11:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Phiên tòa tiến hành xét xử theo kháng cáo của 6 bị cáo trong tổng số 8 bị cáo của vụ án.

Sáng nay (28/11), tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao diễn ra phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) cùng đồng phạm phạm tội "kinh doanh trái phép", "trốn thuế", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

HĐXX gồm ba thẩm phán, có một thẩm phán dự khuyết. Hai kiểm sát viên gồm đại diện VKSNDTC Nguyễn Hoài Nam, Lê Thư Quỳnh

Chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm là thẩm phán Đặng Ngọc Vĩnh.

11h25: Tòa nghỉ trưa, HĐXX yêu cầu, đúng 13h30, các bị cáo, luật sư được triệu tập tại phiên tòa để tiếp tục làm việc.

11h20: Thành viên HĐXX làm rõ các nội dung đề nghị của luật sư và bị cáo: Luật Tố tụng Hình sự không có qui định sắp xếp chỗ ngồi. Việc bố trí chỗ ngồi trong phòng xét xử, các luật sư đều có thể theo dõi vụ án thuận lợi. Vì thế, HĐXX không chấp nhận yêu cầu này.

Về việc triệu tập thêm những người tham gia tố tụng theo yêu cầu của Luật sư và bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Theo qui định, việc triệu tập thêm những người tham gia tố tụng thuộc thẩm quyền HĐXX. Xét thấy việc triệu tập thêm những nhân viên của NH Công thương có liên quan đến hành vi vay tiền của Huyền Như là không cần thiết nên HĐXX không chấp thuận. Các đối tượng còn lại, HĐXX đã triệu tập.

Luật sư yêu cầu được tiếp xúc các bị cáo trong quá trình xét xử: HĐXX chấp nhận.

Yêu cầu bị cáo được gặp thân nhân, người nhà trong lúc giải lao: Không có trong qui định của pháp luật, vì vậy phải theo các qui định của pháp luật.

HĐXX chấp thuận yêu cầu của bị cáo Kiên chuyển tài liệu cho HĐXX xem xét.

HĐXX cũng cho phép luật sư mang máy tính vào phòng xét xử nhưng phải tuân thủ yêu cầu an ninh trước khi vào.

Về đề nghị cho bị cáo Kiên được ngồi trả lời tòa: Từng trường hợp, thời điểm cụ thể, HĐXX sẽ cho phép bị cáo ngồi hay đứng để trả lời câu hỏi.

10h20: Hội đồng xét xử đề nghị các bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có bổ xung yêu cầu sau phần kiểm tra căn cước.

Luật sư Lưu Văn Tám - bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải: Đề nghị thay đổi lại vị trí, cho chúng tôi cùng nhóm được ngồi cùng với nhau để tiện trao đổi công việc. Xin phép trong giờ giải lao được trao đổi tài liệu với các bị cáo mà luật sư bảo vệ. Đề nghị cho phép người nhà bị cáo được gặp các bị cáo trong giờ giải lao.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp- luật sư của bầu Kiên:cũng đề nghị để các luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo được ngồi cùng một chỗ vì đây là phiên tòa kéo dài, các luật sư cần sự thống nhất với nhau và với bị cáo. Các luật sư đề nghị HĐXX cho phép tluật sư được tiếp xúc bị cáo.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp lấy lý do bị cáo Kiên bị bệnh nên đề nghị tòa cho phép bị cáo được ngồi khi trả lời tòa.

Luật sư Vũ Xuân Nam - bào chữa cho bị cáo Kiên cũng đề nghị triệu tập một số người có liên quan đến vụ án này theo như đơn của bị cáo Kiên ngày 4/11, bị cáo Kiên yêu cầu triệu tập cả đại diện Bộ Tư pháp và ông Trần Mộng Hùng.

Luật sư Nam đồng thời gửi đơn của người nhà bị cáo Kiên xin được gặp bị cáo trong giờ giải lao.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Trong đơn gửi tòa phúc thẩm đề nghị có đại diện Bộ Tư pháp để khẳng định tính pháp lý của một số văn bản. Tôi cũng đề nghị mời ông Trần Đình Long và Trần Tuấn Dương đến tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, Luật sư Nam có nói là đã nhận được văn bản của Bộ Công thương trả lời. Đề nghị luật sư xuất trình văn bản trước tòa. Tôi có đơn yêu cầu Tổng cục thuế có văn bản trả lời Cục thuế Hà Nội về quyết toán thuế 3 năm nhưng chưa nhận được văn bản. Đề nghị tòa triệu tập Sở KH-ĐT một số địa phương vì 5 công ty của tôi đầu tư kinh doanh ở nhiều nơi, Theo đó, phải triệu tập phòng đăng ký kinh doanh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai

Về các đề nghị của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, đại diện Viện Kiểm sát,cho biếtsẽ xem xét theo diễn biến phiên tòa.

10h00: Tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bị cáo tại phiên tòa.

Tòa yêu cầu các bị cáo đứng dậy nghe phổ biến: Được tham gia phiên tòa; quyền rút kháng cáo, thay đổi bổ sung kháng cáo. Nếu bị cáo rút kháng cáo thì đình chỉ phiên xét xử và không phải chịu án phí... Thay đổi nội dung kháng cáo thì không làm bất lợi cho bị cáo khác. Được bào chữa và nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Có quyền yêu cầu thay đổi thành viên xét xử nếu có chứng cứ người xét xử không vô tư...

Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự có quyền đòi bồi thường; có quyền yêu cầu áp dụng hình phạt với bị cáo.

Nghĩa vụ: Khai báo trước tòa và chịu trách nhiệm về lời khai. Ai vi phạm sẽ bị cảnh cáo.

9h20: Hội đồng xét xử đang kiểm tra căn cước các bị cáo. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người đầu tiên được HĐXX kiểm tra, tiếp đó là bị cáo Lê Vũ Kỳ,Trịnh Kim Quang,Lý Xuân Hải...

Phiên tòa tiến hành xét xử theo kháng cáo của 6 bị cáo trong tổng số 8 bị cáo của vụ án. Các bị cáo có kháng cáo gồm: Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang.

Tòa đang kiểm tra căn cước Huỳnh Thị Huyền Như - hiện đang thụ án tại Trại giam T16 Bộ Công an.

Tiếp tục phần kiểm tra căn cước, đại diện Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch-Đầu tư TP HCM, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đềucó mặt.

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều có mặt:

Luật sư Vũ Xuân Nam bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

Luật sư Phạm Danh Tín - Đỗ Thị Thanh Nhàn bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng, Vũ Thị Kim Ngọc, Lưu Văn Tám - bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải.


9h00, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được dẫn giải vào phòng xét xử.Hội đồng xét xử đang phổ biến nội qui phiên tòa.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm chính thức bắt đầu. Các bị cáo đứng dậy. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên mặc thường phục và được tháo bỏ còng tay.

Tòa đang nghe Hội đồng xét xử tuyên bố lý do mở phiên tòa và khai mạc phiên tòa,

Thư ký phiên tòa báo cáo kết quả triệu tập phiên tòa: Các bị cáo có mặt gồm Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải. Phạm Trung Cang...

Ông Trần Xuân Giá vắng mặt tại phiên tòa.

Đại diện NHNN, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tổng cục thuế, Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đều có mặt tại phiên tòa.

Đúng 7h sáng nay, những chiếc xe chuyên dụng đã dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đến trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao.

Tại phòng xét xử, các bị cáo đã được lực lượng an ninh sắp xếp, ổn định chỗ ngồi. Bị án Huỳnh Thị Huyền Như cũng được triệu tập đến phiên tòa, phục vụ cho công tác xét xử.

Bà Đặng Ngọc Lan - vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên có mặt tại tòa từ sớm. Bà Lan sinh năm 1972, cư trú tại Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

Trước đó, từ ngày 20/5 đến 9/6/2014, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án này.

Tại bản án số 219/2014/HSST quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế, 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên chấp hành hình phạt chung cho cả 4 tội danh là 30 năm tù. Đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung 75 tỉ đồng để sung quỹ Nhà nước và cấm đảm nhiệm các chức vụ trong ngân hàng trong thời hạn 5 năm.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mỗi người nhận 5 năm tù giam.

Các bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là Lý Xuân Hải - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB nhận mức án 8 năm tù giam; Phạm Trung Cang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB chịu mức án 3 năm tù giam; Trịnh Kim Quang - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhận án 4 năm tù giam; Lê Vũ Kỳ - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhận án 5 năm tù giam và Huỳnh Quang Tuấn - nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB nhận án 2 năm tù giam.

Với ông Trần Xuân Giá - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do bị cáo này đang mắc bệnh hiểm nghèo nên Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá.

Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng không phạm tội như cấp tòa sơ thẩm quy kết. Riêng hai bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến không kháng cáo.

Xem thêm: Toàn cảnh sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)



Theo V.H

hangnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên