MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá sớm để nói doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi

18-03-2014 - 15:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được xác định chủ yếu trên sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp chứ không phải bởi sự cắt giảm lãi suất huy động.

Còn quá sớm để nói các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi lãi suất huy động giảm đi, Ts Phan Minh Ngọc, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, chi nhánh Singapore bình luận về quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo ông, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được xác định chủ yếu trên sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp chứ không phải bởi sự cắt giảm 1 điểm phần trăm lãi suất huy động.

PV: NHNN vừa giảm một loạt lãi suất điều hành. Quyết định này ảnh hưởng như thế nào tới người gửi tiền, thưa ông?

TS. Phan Minh Ngọc: Khi lãi suất điều hành giảm đi có nghĩa là NHNN sẽ bơm thanh khoản với lãi suất thấp hơn cho hệ thống ngân hàng. Đồng thời với trần lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng cũng hạ xuống, chắc chắn các ngân hàng sẽ có ít áp lực hơn phải huy động với lãi suất cao như trước, ít nhất là cho các kỳ hạn ngắn hạn, dưới 6 tháng.

Người gửi tiền thì đương nhiên là sẽ bị thiệt thòi hơn nếu họ gửi tiền có kỳ hạn dưới 6 tháng, khi lãi suất tiền gửi bị giảm đi 1 điểm phần trăm so với trước đây.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thanh khoản có lẽ thực sự không được dồi dào như người ta nghĩ, và là nguyên nhân của việc hạ lãi suất đợt này. Bằng chứng là hiện tại, các ngân hàng đã sửa đổi lại các mức lãi suất tiền gửi tương ứng với trần lãi suất mới của NHNN, nhưng các mức tiền gửi này đều phần lớn là bằng với mức trần. Điều đó chứng tỏ thanh khoản vẫn có một áp lực nào đó để lãi suất tiền gửi không thể xuống thấp như người ta mong muốn được.

Thêm nữa, với lãi suất tiền gửi cho các hạn trên 6 tháng vẫn được bỏ ngỏ, cả người gửi lẫn ngân hàng đều vẫn có "room" để tối đa hóa lợi ích và đảm bảo cho cung cầu được gặp nhau. Chẳng hạn, với những người có tiền gửi nhất quyết không chấp nhận mức trần lãi suất cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, và với những ngân hàng có nhu cầu huy động vốn với lãi suất vượt trần thì cả 2 bên đều có thể dễ dàng lách luật bằng cách kéo dài thời hạn tiền gửi ra thêm (một chút) so với mức kỳ hạn dưới 6 tháng.

- Vậy thì bản chất của động thái giảm lãi suất điều hành là gì?

Việc hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn chủ yếu là tác động lên các đối tượng có tiền gửi tạm thời nhàn rỗi dưới 6 tháng, chứ không nhất thiết là có tác dụng làm giảm đáng kể mặt bằng lãi suất tiền gửi và cả cho vay nói chung. Và đối với người tạm thời có tiền nhàn rỗi thì, thường là với tinh thần "vớt vát, được tí nào hay tí đó", việc giảm bớt 1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tuy là tình thế "cực chẳng đã" nhưng cũng không thực sự mang nhiều ý nghĩa so với người sống bằng các khoản gửi tiết kiệm.

Theo ông, doanh nghiệp liệu có thực sự được hưởng lợi từ đợt điều chỉnh lãi suất này hay không?

Như trên đã nói, việc hạ lãi suất này không nhất thiết làm hạ mặt bằng lãi suất chung (cả huy động và cho vay) nên còn quá sớm để nói các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi lãi suất huy động đã bị giảm đi, nhất là với các khoản vay đầu tư dài hạn.

Thêm một bằng chứng cho chuyện này là NHNN vẫn cứ để bỏ ngỏ trần lãi suất cho vay, tức là không khống chế mức cho vay tối đa. Bởi vậy, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được xác định chủ yếu trên sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp chứ không phải bởi sự cắt giảm 1 điểm phần trăm lãi suất huy động.

Khả năng huy động vốn của các tổ chức tín dụng và tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến như thế nào sau quyết định của NHNN?

Còn quá sớm để có thể kết luận lãi suất cho vay doanh nghiệp, nhất là lãi suất cho các khoản đầu tư dài hạn, sẽ giảm đi nên cũng khó nói chắc được rằng tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy và ở mức độ bao nhiêu.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng với các khoản cho vay ngắn hạn thì có lẽ nhu cầu sẽ tăng lên, do lãi suất huy động ngắn hạn giảm đi, kèm đó là tăng trưởng tín dụng ở phân khúc này cũng sẽ tăng lên.

Theo ông, xu hướng giảm lãi suất có thể được kéo dài trong năm nay hay chỉ mang tính tạm thời?

Việc điều hành lãi suất dựa vào lạm phát như của NHNN hiện nay có cái hay là tạo ra được một chuẩn mực mới trong việc điều chỉnh cung tiền (dựa vào diễn biến của lạm phát, chứ không phải vào nhu cầu kích thích tăng trưởng như trước đây), làm cho mọi việc có vẻ rõ ràng, minh bạch và có tính thuyết phục hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự phải chạy theo thị trường, ở đây cụ thể là lạm phát, một cách thường xuyên, làm cho chính sách tiền tệ của NHNN mất tính ổn định, mang tính định hướng tương đối cần có.

Giả sử tháng sau và các tháng sau nữa, lạm phát lại tăng mạnh trở lại, lúc đó phải chăng NHNN sẽ buộc phải nâng lãi suất điều hành lên chăng? Mà khả năng này là không thể bị loại trừ hoàn toàn, nên cũng không thể nói rằng xu hướng lãi suất giảm sẽ kéo dài ít nhất hết năm nay.

Các tổ chức ngân hàng đang được cho là ở trong trạng thái thừa tiền. Với quyết định hạ lãi suất của NHNN, dòng tiền sẽ đi đâu?

Như trên đã nói, "thừa tiền" ở đây chỉ là tương đối. Các ngân hàng vẫn chào mời gửi tiền với lãi suất bằng với lãi suất trần cho các kỳ hạn ngắn, còn với kỳ hạn dài trên 6 tháng thì vẫn cứ phải theo thỏa thuận. Như thế có nghĩa là tuy có vẻ như đang "thừa tiền" nhưng trên thực tế chắc là không hoàn toàn đúng vậy, và các ngân hàng vẫn cứ đang phải cạnh tranh nhau để huy động thêm tiền.

Có người sẽ nói rằng các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh để giữ chân người gửi tiền. Nhưng cứ cho là đúng thì việc cạnh tranh để giữ chân này không thể kéo dài được khi tiền vẫn vào mà đầu ra thì bí. Mà việc cạnh tranh này xem ra đã kéo dài từ cả năm nay rồi.

Bởi vậy, dòng tiền đi ra từ hệ thống ngân hàng có lẽ sẽ không có khác biệt gì lắm so với thời điểm trước khi hạ lãi suất.

Xin cảm ơn ông!

Tường Vy

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên