MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập PGBank, Vietinbank muốn “xin ưu đãi” những gì từ NHNN?

19-04-2015 - 22:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Một trong các đề xuất là: Giảm thuế TNDN phải nộp trong 3 năm đầu sáp nhập hoặc cấn trừ thuế TNDN phải nộp của VieitinBank trong 5 năm cho các khoản dự phòng rủi ro tín dụng trích bổ sung cho các khoản tín dụng của PGBank.

Tuần trước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015, trong đó vấn đề quan trọng là xin ý kiến về việc sáp nhập PGBank.

Theo trình bày của ban lãnh đạo VietinBank tại Đại hội, việc sáp nhập là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước; Tạo cơ hội cho VietinBank đạt được mục tiêu trở thành ngân hàng hàng đầu thông qua việc kết hợp với PGBank và Petrolimex (cổ đông lớn của PGBank).

Sau sáp nhập, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm trên 25.000 tỷ, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên trên 40.000 tỷ. Chi nhánh được mở rộng trong bối cảnh việc mở mới này bị NHNN siết chặt. VietinBank có thể khai thác mạng lưới của Petrolimex cùng các dịch vụ tài chính đi kèm (hơn 6.200 cây xăng, trong đó 2.200 cây xăng của Petrolimex), đẩy mạnh dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng của Petrolimex.

Sau đại hội, nhiều công ty chứng khoán đã có nhận định về thương vụ sáp nhập này. Theo công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì “VietinBank – sáp nhập với giá không hề rẻ”. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng có nhận định về việc sáp nhập rằng với tỷ lệ chuyển đổi 0,9:1, thương vụ sáp nhập giữa VietinBank và PGBank trước mắt sẽ có lợi cho các cổ đông của PGBank hơn là các cổ đông của VietinBank.

Những đề xuất ưu đãi

Được biết, trong thương vụ sáp nhập này, VietinBank và PGBank đã đề xuất với NHNN một số cơ chế tài chính đối với ngân hàng sau sáp nhập như sau:

Ngân hàng sau sáp nhập sẽ tiếp nhận trái phiếu VAMC của PGBank là 1.412 tỷ đồng tại 30/6/2014 đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ trích lập cho VAMC.

Lùi thời gian trích lập dự phòng rủi ro đối với danh mục trái phiếu VAMC của ngân hàng sau sáp nhập;

Điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cho phép VietinBank thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự trữ bắt buộc bằng trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu VAMC.

Giảm thuế TNDN phải nộp trong 3 năm đầu sáp nhập hoặc cấn trừ thuế TNDN phải nộp của VieitinBank trong 5 năm cho các khoản dự phòng rủi ro tín dụng trích bổ sung cho các khoản tín dụng của PGBank.

NHNN tạo điều kiện để ngân hàng sau sáp nhập mở rộng mạng lưới, truyền thông khách hàng…

Trước mắt cổ đông PGBank có lợi hơn

Theo quan điểm của BVSC, với tỷ lệ chuyển đổi CTG:PGBank 0,9:1, thương vụ sáp nhập giữa CTG và PGBank trước mắt sẽ có lợi cho các cổ đông của PGBank hơn.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, nếu thương vụ sáp nhập này cùng với những cơ chế tài chính đề xuất được NHNN chấp thuận, lợi nhuận hoạt động kinh doanh của CTG trong những năm tới sẽ khả quan hơn do:

Thứ nhất, dư nợ tín dụng mà CTG phải tiếp nhận từ PGBank có quy mô rất nhỏ so với CTG (chỉ bằng 2,7% dư nợ tín dụng của CTG). Do đó, ảnh hưởng từ việc sáp nhập PGBank đến chất lượng tài sản của CTG sau sáp nhập là không lớn.

Thứ hai, CTG được lùi thời gian trích lập dự phòng rủi ro đối với danh mục trái phiếu VAMC, nhờ đó, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm của CTG, cải thiện triển vọng lợi nhuận trong những năm tới của CTG.

Và thứ ba, được giảm thuế TNDN trong giai đoạn 2015-2017.

Ngoài ra, mảng hoạt động bán lẻ của CTG có thể phát triển dựa vào mạng lưới của PGBank bao gồm: Tăng quy mô hoạt động; Mở rộng mảng bán lẻ qua mạng lưới 2.200 cây xăng thuộc sở hữu của Petrolimex và 4.000 cây xăng của các đại lý của Petrolimex, vươn tầm hoạt động đến tuyến xã, thôn, từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh với 2 ngân hàng có mạng lưới rộng nhất hiện nay là Agribank và LienvietPost Bank; Cơ sở khách hàng tăng thêm 15 triệu khách hàng; và Cơ hội tiếp cận các dự án lớn của Petrolimex

BVSC đánh giá tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu CTG : PGBank dự kiến sẽ là 0,9 : 1 là rất có lợi cho cổ đông của PGBank do: Giá trị sổ sách của CTG và PGBank tính đến 31/12/2014 lần lượt là 14.775 đồng/cổ phần và 11.130 đồng/cổ phần (tương đương với tỷ lệ 1 : 0,75). Giá trị sổ sách của PGBank trên đây chưa tính đến việc ngân hàng hiện đang có khoảng 1.800 tỷ đồng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu công bố trên BCTC và nợ xấu bán cho VAMC).

Nếu tính trên cơ sở giả định PGBank trích lập hết cho số nợ xấu bán cho VAMC thì giá trị sổ sách của PGBank chỉ ở mức trên 6.400 đồng/cổ phần. Nếu không sáp nhập với CTG, PGBank sẽ có thể phải trích lập hàng năm khoảng 280 tỷ đồng cho phần nợ xấu đã bán cho VAMC, trong khi LNTT của ngân hàng năm 2014 chỉ ở mức 168 tỷ đồng. Trong khi đó, các cổ đông CTG sẽ chịu rủi ro pha loãng cổ phiếu khi CTG phát hành thêm khoảng 7% để hoán đổi với cổ phiếu PGBank.

>>> BIDV: Cổ đông lo ngại về tỷ lệ hoán đổi 1:1 giữa BIDV và MHB

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

BVSC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên