MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập STB - PNB: Ông Trầm Bê và người liên quan sẽ không được bỏ phiếu ở cả 2 ngân hàng

11-03-2014 - 21:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Kế hoạch sáp nhập đòi hỏi tỷ lệ 65% phiếu chấp thuận của các cổ đông có quyền tham gia biểu quyết. Ông Trầm Bê và những người liên quan sẽ không được tham gia bỏ phiếu ở cả 2 ngân hàng

Chủ tịch HĐQT của Sacombank (STB) – ông Phạm Hữu Phú - đã tiết lộ kế hoạch sáp nhập NHTMCP Phương Nam (PNB) vào Sacombank và cho biết sẽ từ nhiệm tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 25/3 tới. Ông Phú dự kiến sẽ quay lại Eximbank và có thể tham gia vào HĐQT của ngân hàng này.

Kế hoạch đã tuyên bố nghe có vẻ rất chắc chắn nhưng dù sao cũng phải đến Đại hội cổ đông, mọi chuyện mới có kết quả cuối cùng.

Ai là người quyết định cho việc sáp nhập?

STB và PNB đều có chung một cổ đông lớn. Ông Trầm Bê và người liên quan nắm 6,51% cổ phần STB và 20% cổ phần PNB. Kế hoạch sáp nhập đòi hỏi tỷ lệ 65% phiếu chấp thuận của các cổ đông có quyền tham gia biểu quyết. Theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP, cổ đông hưởng lợi trực tiếp từ một đề xuất thì không được phép tham gia bỏ phiếu thông qua đề xuất đó, tức là ông Trầm Bê và những người liên quan sẽ không được tham gia bỏ phiếu ở cả 2 ngân hàng.

Cơ cấu cổ đông của STB:

Như vậy, ý kiến của EIB, CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim, CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu (tổng sở hữu là 17,7%) sẽ có vai trò quyết định trong việc thông qua việc sáp nhập.

Trong thời gian chờ kết quả, hãy cùng nhìn lại tình hình tài chính của 2 ngân hàng này.

Theo BCTC hợp nhất năm 2013 của Sacombank, ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 14,8% với dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/12/2013 là 110.567 tỷ đồng. Huy động vốn khách hàng tăng trưởng 22,5% lên 131.645 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, thu nhập lãi thuần năm 2013 đạt 6.627 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm 2012. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 38,2% lên 948 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh của Sacombank lỗ 40 tỷ đồng trong năm 2013. Hoạt động khác cũng lỗ nhẹ 15 tỷ ở quý 4 nhưng cả năm vẫn lãi 96 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ, giúp cho lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 3.395 tỷ đồng, tăng 25,8%.

Năm 2013, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 67,3% chỉ còn 434,6 tỷ nên lợi nhuận trước thuế đạt 2.960 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần kết quả năm 2012.

Dù tín dụng tăng trưởng mạnh song nợ xấu của Sacombank lại giảm 18,4% so với năm 2012. Tại thời điểm 31/12/2013, tỷ lệ nợ xấu là 1,45% - thấp hơn mức 2,05% của năm trước.

Về phần Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam thì cho tới hiện tại, ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2013.

Báo cáo tài chính quý III/2013 cho biết lơi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2013 của PNB là 269,3 tỷ - giảm 9,7% so với 9T2012. Thu nhập lãi thuần đạt 158 tỷ chứ không âm 175 tỷ như năm trước nhưng lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chỉ có 593 tỷ - giảm gần 300 tỷ so với 9T2012. Hoạt động khác cũng khiến PNB lỗ 3,6 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 187 tỷ.

Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ có 67 tỷ - thấp hơn rất nhiều mức 522 tỷ của 9T2012 nên lợi nhuận trước thuế chỉ giảm nhẹ như trên.

Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng rất thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu của PNB tính tới cuối quý III/2013 là 3,8%, tăng so với 3,02% đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn gần 1.000 tỷ đồng.

Trong các năm qua, lợi nhuận của PNB liên tục giảm. Lợi nhuận sau thuế năm 2010 đạt 419 tỷ đồng, giảm xuống còn 226 tỷ đồng trong năm 2011 và chỉ còn 121 tỷ đồng năm 2012.

Tại thời điểm ngày 30/09/2013, PNB có tổng tài sản là 74.758 tỷ đồng. Trong đó, “tài sản có khác” là 25.770 tỷ - bằng 34,5% tổng tài sản của ngân hàng, với các khoản phải thu là 15.042 tỷ, phí và lãi phải thu là 10.014 tỷ đồng. Đáng nói là các khoản phải thu này mới bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2011.

Báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2013 không giải trình cụ thể các hạng mục này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2012, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản phải thu này của PNB là “phải thu do tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng phát hành chứng khoán” với giá trị 6.745 tỷ đồng – tăng 470 tỷ đồng so với đầu năm tương đương với 7,5%. Báo cáo tài chính năm 2010 cho thấy tại thời điểm 31/12/2010, PNB không có khoản phải thu này.

Khoản phải thu do cấn trừ nợ vay cũng là một khoản đột biến, bắt đầu từ năm 2011. Cuối năm 2010, khoản này chỉ có 495 tỷ, cuối năm 2011 tăng lên mức 2.821 tỷ và đến cuối năm 2012 là hơn 3.906 tỷ đồng. 

Trong danh mục phải thu do cấn trừ nợ vay, các khoản giá trị lớn bao gồm phải thu 48 quyền sử dụng đất phường Thới An, quận 12 (giá trị 626 tỷ đồng) và nhà 64 Lê Thánh Tôn, quận 1 (giá trị 584 tỷ đồng).

Các khoản phải thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư là 1.082 tỷ đồng. Phải thu với vàng bạc Phương Nam là 717 tỷ đồng, và với thuộc da Hào Dương là 500 tỷ đồng. Lưu ý thêm, cuối năm 2013, Hào Dương đã bị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù các khoản phải thu chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản, cũng như lãi và phí phải thu liên tục tăng, nhưng PNB không trích lập dự phòng rủi ro cho hạng mục này. 

Theo một số chuyên gia phân tích thì chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lời của PNB có nhiều điểm đáng e ngại. Theo đó, lợi ích dành cho STB từ việc sáp nhập với một ngân hàng yếu như vậy cũng khó mà thấy ngay được.

Minh Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên