Tận thu phí nộp tiền mặt
Phải gánh cả chục loại phí khi sử dụng thẻ ATM, gần đây một số khách hàng còn bị thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản, dù quy định này Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến trước khi áp dụng.
Chị Nguyễn Thị Linh (ngụ quận 3, TP HCM) vào phòng giao dịch của Ngân hàng (NH) TMCP Đông Á trên đường Võ Văn Tần (quận 3) để nộp tiền mặt vào tài khoản thẻ ATM. Vừa đưa tờ giấy nộp tiền, nhân viên NH này cho biết sẽ mất phí nộp tiền mặt 5.500 đồng/lần đối với khoản tiền dưới 10 triệu đồng, 10.000 đồng/lần đối với khoản tiền từ 10-50 triệu đồng và nộp từ 50-100 triệu đồng vào tài khoản phải tốn phí 20.000 đồng/lần.
Thu để khuyến khích dùng… máy ATM (?!)
Theo nhân viên NH Đông Á, NH bắt đầu thu phí nộp tiền mặt từ ngày 1-5 thay vì miễn phí như trước. Nếu muốn không đóng phí, khách hàng có thể ra máy ATM nộp trực tiếp. Nhiều khách hàng đến NH Đông Á giao dịch cảm thấy bất ngờ với quy định của ngân hàng này bởi dự thảo thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản đang được NH Nhà nước lấy ý kiến.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết: Vừa nghe nói nộp tiền mặt vào tài khoản, không cần hỏi tài khoản của tôi hay người khác có khác tỉnh, thành phố, nhân viên NH đã nói “mất phí nha chị”.
Bức xúc nhất là đối tượng khách hàng sinh viên. Lê Văn Thắng, sinh viên Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng, cho biết NH Đông Á liên kết với trường mở thẻ ATM cho sinh viên đóng tiền học phí. “Vậy là mỗi lần cha mẹ nộp tiền vào tài khoản cho con hoặc sinh viên đóng tiền học phí qua thẻ ATM đều mất 5.000 đồng/lần. Rút tiền đã mất phí, nay nộp tiền cũng tốn phí. Có sinh viên chỉ nợ học phí 100.000 đồng, nay đóng để được thi kết thúc môn cũng mất phí 5.000 đồng/lần là NH quá tận thu” - Thắng nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện NH Đông Á cho biết phí nộp tiền mặt tại quầy thực chất là phí kiểm đếm bởi nhiều khách hàng nộp số tiền nhỏ nhưng nhân viên phải kiểm đếm, khách hàng viết phiếu điền thông tin mất thời gian.
“NH đang phát triển các dòng máy ATM cho phép khách hàng nộp trực tiếp tại máy, báo có ngay nên việc thu phí một phần cũng nhằm khuyến khích khách chuyển từ giao dịch tại quầy sang máy. Riêng với những khoản tiền nộp lớn trên 100 triệu đồng vào tài khoản, NH không thu phí. Hiện Đông Á có khoảng 230 máy ATM cho phép nộp tiền trực tiếp ở các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Với những điểm không có máy ATM, khách hàng sẽ không phải mất phí nộp tiền” - vị đại diện NH giải thích.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, NH Đông Á trước đây phát hành lượng lớn thẻ ATM miễn phí cho khách hàng nhằm khuyến khích dùng thẻ ATM, nhất là đối tượng sinh viên. Sau một thời gian, đến nay lượng khách mở tài khoản tương đối lớn, đã sử dụng một thời gian và quen với việc dùng thẻ ATM của NH, nhất là lượng khách hàng cha mẹ chuyển tiền cho con đi học xa nhà. Nay NH bắt đầu thu phí để tăng doanh thu trong khi khách hàng ở quê thường ít có thói quen thay đổi.
Chưa thuyết phục
Theo thống kê của chúng tôi, để giao dịch, thanh toán qua ATM, chủ thẻ đang phải chịu cả chục loại phí, từ phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí cấp lại PIN, phí rút tiền tại ATM, vấn tin, in sao kê, chuyển khoản nội mạng, ngoại mạng… Mỗi giao dịch đều phải tốn phí.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia NH, cho rằng mức phí mỗi lần giao dịch tưởng là nhỏ nhưng nếu tính trên lượng thẻ phát hành, tổng số tiền NH thu được sẽ không hề nhỏ. Chẳng hạn, một NH thương mại có 1,2 triệu thẻ ATM, mỗi lần chủ thẻ rút tiền mặt tại máy ATM chỉ cần trả 1.100 đồng phí. Tính ra, chỉ riêng khoản này NH đã thu được 1,2 tỉ đồng trong khi khách hàng thao tác bao nhiêu giao dịch và bao nhiêu lần trong một tháng?
Tại dự thảo thông tư quy định về phí dịch vụ tiền mặt được NH Nhà nước đưa ra lấy ý kiến mới đây cho phép các tổ chức tín dụng ấn định mức phí nộp tiền mặt của khách hàng vào tài khoản thanh toán tối đa 0,05% và không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào. Mục tiêu của việc thu phí này là để hạn chế tiền mặt trong nền kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các NH…
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cho rằng thu phí nộp tiền mặt nhằm hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt chưa hẳn tốt. Sợ mất phí, khách hàng sẽ không nộp tiền vào tài khoản để thanh toán mà trả bằng tiền mặt. Hơn nữa, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt chỉ đẩy mạnh khi các hệ thống thanh toán, các tổ chức tín dụng, tổ chức thẻ phải hoàn thiện hạ tầng, phát triển máy ATM, POS (máy cà thẻ)…
Hiện cả nước chỉ có 15.300 máy ATM, gần 130.000 POS nhưng phân bổ không đều, chủ yếu lắp đặt ở khu vực đô thị, trung tâm, thành phố lớn… Ở vùng sâu, vùng xa và khu vực huyện ven tỉnh, thành phố, việc sử dụng POS để thanh toán không dùng tiền mặt là “xa xỉ”. Chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt là đúng nhưng khi cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện thì việc NH tận thu đủ loại phí là chưa thuyết phục.
Coi chừng tác dụng ngược
Ở nước ngoài, các NH không thu phí bởi rất hiếm khi khách hàng giao dịch tiền mặt. Chủ thẻ cũng không có “điều kiện” để dùng tiền mặt vì hạ tầng thanh toán đã hoàn thiện, có chăng chỉ một vài khoản phí quản lý tài khoản. “Các NH lý giải do phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, máy ATM… nên thu phí. Nhưng quá nhiều khoản phí “đè lên” khách hàng, nhất là phí nộp tiền mặt vào tài khoản, có thể NH sẽ được lợi trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ là tác dụng ngược khi khách hàng chán dịch vụ NH và quay lại sử dụng tiền mặt” - chuyên gia Huỳnh Trung Minh nhận xét.
>>> Phí nộp tiền mặt: Lo hiệu ứng ngược