MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tiền tệ qua “lăng kính” OMO

17-02-2015 - 15:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Thành công trong điều hành công cụ thị trường OMO có được là nhờ sự theo dõi, bám sát thị trường, diễn biến tình hình thanh khoản của hệ thống để có quyết định đưa tiền ra, hút tiền về với khối lượng và kỳ hạn hợp lý.

Thị trường mở (OMO) là nơi NHTW sử dụng nghiệp vụ mua các  giấy tờ có giá (GTCG) với các NHTM nhằm đưa tiền ra lưu thông hoặc bán GTCG hút tiền về. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới nghiệp vụ OMO đã có từ rất lâu, thì tại Việt Nam nghiệp vụ này bắt đầu được thực hiện vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, phải đến 3 năm trở lại đây, công cụ này mới thu hút sự chú ý của dư luận bởi những đóng góp đáng kể của nó trong việc điều tiết tiền tệ, ổn định hệ thống NH.

Sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường OMO bắt đầu từ cuối năm 2011. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhớ lại: Cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là thời điểm hệ thống NH gặp nhiều khó khăn thanh khoản, sau những biến cố tại một số NH yếu kém. Lúc bấy giờ, thị trường biến động rất mạnh, thanh khoản của nhiều NH trong tình trạng căng thẳng, đặt hệ thống trước nguy cơ đổ vỡ. Nếu NHNN không kịp thời hỗ trợ thanh khoản thì chắc chắn các NH không thể đáp ứng nhu cầu chi trả khi người dân có xu hướng rút tiền mạnh từ các NH. Lúc đó, thông qua nghiệp vụ OMO, NHNN đã đưa ra khối lượng tiền lớn, hỗ trợ kịp thời các TCTD.

Theo Phó thống đốc, có ngày NHNN “bơm” hơn chục nghìn tỷ đồng, thậm chí 20 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO. Với một lượng tiền lớn hỗ trợ từ NHNN, các NH đã vượt qua những cú sốc một cách an toàn. Sau khi thị trường trở lại ổn định, NHNN bắt đầu thay đổi trạng thái từ “bơm” chuyển sang “hút” tiền để điều hòa cung tiền một cách hợp lý.

Lãnh đạo NHNN cho biết, sau thời điểm nóng bỏng đó, các TCTD tự thấy phải quản trị rủi ro thanh khoản tốt hơn nên việc vay mượn trên thị trường liên NH hay qua đấu thầu giảm hẳn. Năm 2014, ngay cả vào ngày cuối năm các TCTD vay vốn NHNN thông qua bán các GTCG cho NHNN rất ít. “Có những ngày không có TCTD nào hoặc chỉ một vài TCTD tham gia đấu thầu, khối lượng giao dịch cũng rất ít. Nhưng NHNN vẫn luôn để mức chào mua GTCG khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày để sẵn sàng hỗ trợ TCTD nếu thiếu hụt có thể giao dịch được ngay”, Phó thống đốc NHNN cho biết thêm.

Không chỉ là điểm tựa thanh khoản vững chắc cho các TCTD, sự bơm - hút linh hoạt nhịp nhàng trên OMO còn được nhận định là “chốt” chặn quan trọng giúp NHNN điều tiết vốn một cách hiệu quả, đến đúng địa chỉ và quan trọng hơn nữa là góp phần thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát. Minh chứng cho điều này đó là năm 2014, NHNN đã mua một lượng ngoại tệ rất lớn, đồng nghĩa với việc đưa một lượng tiền VND ra lưu thông. NHNN bằng các công cụ và giải pháp điều hành đã hút tiền về để can thiệp trung hòa tác động của lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ.

Còn nhớ, năm 2007, NHNN cũng đã mua một lượng ngoại tệ lớn, nhưng việc can thiệp  trung hòa  chưa được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nên đã tạo áp lực lên lạm phát. Công cụ được dùng để hút tiền về chủ yếu qua phát hành tín phiếu NHNN. Phó thống đốc cho biết, NHNN đã phát hành tín phiếu với khối lượng, thời hạn và lãi suất hợp lý để các TCTD tự lựa chọn. Việc điều tiết liều lượng và lãi suất hợp lý đã giúp NHNN không những trung hòa được khối lượng tiền VND trên thị trường mà còn giúp kiềm chế lạm phát một cách hiệu quả và giữ thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định.

Thành công trong điều hành công cụ thị trường OMO có được là nhờ sự theo dõi, bám sát thị trường, diễn biến tình hình thanh khoản của hệ thống để có quyết định đưa tiền ra, hút tiền về với khối lượng và kỳ hạn hợp lý. Bản thân Thống đốc, dù đi công tác trong nước hay nước ngoài cũng đều cập nhật chi tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống để ra quyết định điều hành hàng ngày.

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Định hướng điều hành trong năm 2015 của NHNN, OMO tiếp tục là công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ để điều tiết cung tiền hợp lý, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá… Thực tế, công cụ chính sách tiền tệ cũng chỉ có vậy, nhưng quan trọng là NHNN sử dụng thế nào, vào thời điểm nào, liều lượng ra sao, kết hợp công cụ thế nào để có thể phát huy hiệu quả tối đa công cụ đó. Trong suốt 3 năm qua, các công cụ chính sách tiền tệ đã được NHNN thực hiện điều hành đồng bộ, hiệu quả. Minh chứng là niềm tin của người dân, thị trường vào hệ thống NH ngày càng gia tăng.

Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu

Qua lăng kính OMO, các chỉ số thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát… đều đang giữ ổn định. Để đạt được thành công này, tôi nghĩ đó là cả một nghệ thuật điều hành. NHNN đã sử dụng gần như triệt để công cụ lãi suất để giữ ổn định tỷ giá. Vì vậy, sang năm 2015, OMO là công cụ hữu hiệu còn lại để giúp NHNN điều hành một cách linh hoạt, hiệu quả tỷ giá theo đúng mục tiêu đề ra.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Võ Trí Thành

1-2 năm tới, NHNN điều hành nghiệp vụ OMO như thời gian vừa qua, bằng việc phát hành tín phiếu, bơm hút tiền qua OMO để tránh được thay đổi bất thường, gây biến động kinh tế vĩ mô. Nhưng về lâu dài vẫn cần phát triển các loại GTCG ngắn hạn. Theo đó, vừa giúp NHNN sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn công cụ OMO, đồng thời giảm thiểu việc NHNN phải trả phí qua việc phát hành tín phiếu NHNN. Vì về lâu dài, phí sẽ hạn chế sự phát triển lành mạnh của thị trường GTCG.

Tất nhiên, để phát triển thị trường trái phiếu, GTCG đòi hỏi thời gian dài, không thể một sớm một chiều. Trước mắt, sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ uyển chuyển hơn để không tạo áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô, khi mà Nhà nước tiếp tục phải phát hành lượng lớn trái phiếu Chính phủ.

 

 

Theo Huyền Thanh

PV

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên