MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thống đốc NHNN: Đã có giải pháp nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm

23-12-2012 - 09:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi ích nhóm và việc thiếu kiên quyết trong kiểm tra, giám sát chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng.

Trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chiều 22/12, Tổng Bí thư Nguyễn PhúTrọng nghe và cho ý kiến chỉ đạo một số vấn đề liên quan đến vai trò, nhiệm vụ của NHNN, giải pháp xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực hiện tốt cả 2 chức năng

Cùng tham dự buổi làm việc với Tổng Bí thư có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, cán bộ chủ chốt của NHNN, đại diện một số ngân hàng thương mại lớn.

Báo cáo của lãnh đạo NHNN cho biết, kể từ sau Đại hội Đảng XI đến nay, NHNN đã thực hiện tốt chức năng của Ngân hàng Trung ương trong việc cung ứng phương tiện thanh toán phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế – xã hội; phát hành và cung ứng tiền mặt với cơ cấu, mệnh giá hợp lý, điều hòa tiền mặt thông suốt, đảm bảo an toàn lưu thông tiền tệ.

Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt đã góp phần kiềm chế lạm phát từ 18,13% trong năm 2011 xuống còn dưới 7% năm 2012, phấn đấu giảm xuống còn 5-7% vào năm 2015.

Tăng trưởng tín dụng tuy thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước nhưng hiệu quả dòng vốn đã tăng lên, nền kinh tế duy trì được tăng trưởng hợp lý. Tín dụng chuyển hướng tích cực, vốn được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các giải pháp của NHNN cũng đã góp phần ổn định giá đồng tiền, hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ đã ổn định, người dân tin tưởng hơn vào tiền đồng Việt Nam, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ có chiều hướng giảm.

Ngoài ra, thông qua điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã hỗ trợ tích cực trong việc bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, cải thiện thanh khoản hệ thống.

Thời gian qua, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được chỉ đạo sát sao, toàn diện, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống, đồng thời kết quả thanh tra, giám sát là tiền đề cho việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh huy động vốn và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích ngân hàng, phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng được nâng cao một bước. Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; đồng thời rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.

Về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng mô hình NHNN vừa làm chức năng quản lý nhà nước vừa là ngân hàng trung ương đến thời điểm này vẫn cho thấy sự hợp lý. Đặc biệt sau khủng hoảng tại Mỹ, châu Âu, các chuyên gia kinh tế trên thế giới và nhiều lãnh đạo quốc gia đã nhận thấy cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong điều hành nền kinh tế nói chung, trong ngành ngân hàng nói riêng.

Ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật của NHNN trong việc bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc NHNN thực hiện đồng thời hai chức năng là phù hợp với điều kiện hiện nay.

“Bộ Chính trị đã bàn và khẳng định nội dung này. Càng đi vào kinh tế thị trường càng thấy vai trò của quản lý nhà nước là quan trọng. Nếu chỉ tập trung vào kinh doanh tiền tệ, thì vừa rồi xử lý nợ xấu thế nào? Thuần túy thị trường, nhưng không có nghĩa là tự do hoàn toàn, không có sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước điều tiết nhưng theo quy luật của thị trường, vận dụng quy luật của thị trường. Đây là vấn đề lý luận nhưng rất thực tiễn”, Tổng Bí thư nói.

Làm rõ nguyên nhân của tình trạng nợ xấu

Nhóm chủ đề giải quyết nợ xấu cũng được các đại biểu dự buổi làm việc với Tổng Bí thư tập trung phân tích. Các ý kiến cho rằng lợi ích nhóm và việc thiếu kiên quyết trong kiểm tra, giám sát chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng, mà theo đánh giá của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là “nghiêm trọng”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo NHNN khẳng định, nguyên nhân này cũng đã được xác định từ sớm, và đến nay NHNN đã có các giải pháp để xử lý một cách hiệu quả, đảm bảo vừa không gây mất ổn định hệ thống, vừa không để tình trạng lợi ích nhóm, buông lỏng kỷ cương, kỷ luật tiếp diễn.

Lãnh đạo NHNN cũng đã báo cáo với Tổng Bí thư những giải pháp cụ thể, đồng thời khẳng định trách nhiệm của NHNN là phải cố gắng bằng mọi biện pháp để xử lý vấn đề lợi ích nhóm. Đồng thời, kiến nghị với Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, vấn đề lợi ích nhóm trong các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với những giải pháp, kiến nghị để xử lý nợ xấu, khắc phục tình trạng lợi ích nhóm mà NHNN đã nêu ra và nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ là ít nhất trong năm 2013 phải có bước chuyển biến căn bản trong xử lý nợ xấu, tạo nền tảng cho giải quyết nợ xấu trong những năm tiếp theo.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thống nhất cao với quyết tâm của Chính phủ trong xử lý nợ xấu và yêu cầu NHNN cần có chương trình hành động cụ thể, gắn với việc khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4.

“Năm 2013 dứt khoát phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, điều hành lãi suất phù hợp với thịtrường, kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa, bảo đảm thanh khoản ổn định, vững chắc hơn, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”, Tổng Bí thư chỉ đạo.

Theo Chinhphu.vn

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên