MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] ĐHCĐ PGBank: Các tờ trình chỉ là "thủ tục", không biết có thực hiện được hay không

18-04-2014 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo trả lời cổ đông như vậy khi được hỏi về tờ trình đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn có tổ chức

Ngày 18/04/2014, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014.

9h, đại hội bắt đầu.

Tham dự trực tiếp đại hội có 38 cổ đông đại diện cho 93,24% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Nguyễn Quang Định – Tổng giám đốc của PGBank báo cáo về kết quả hoạt động của ngân hàng trong năm 2013. Theo đó, năm 2013, PGBank đạt lợi nhuận trước thuế gần 52 tỷ đồng, tổng tài sản 24.875 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng 13.867 tỷ đồng – tăng 0,6% so với cuối năm 2012. Trong năm, ngân hàng đã bán 752 tỷ nợ xấu cho VAMC. Nếu loại trừ yếu tố bán nợ cho VAMC thì tín dụng tăng trưởng 7,2%. Huy động vốn đạt 21.437 tỷ đồng – tăng 35% so với năm 2012.

Kết thúc năm, tỷ lệ nợ xấu là 2,98%. HĐQT trình ĐHCĐ chia tỷ lệ cổ tức là 1% vốn điều lệ.

Mục tiêu 2014, PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với 2013. Tuy nhiên tổng tài sản dự kiến giảm 1.050 tỷ đồng, huy động vốn từ dân cư tăng 17% nhưng huy động từ thị trường 2 sẽ giảm một nửa. Tín dụng dự kiến tăng trưởng 6%.

Một trong các nội dung quan trọng được HĐQT trình ĐHCĐ lần này là chủ trương sáp nhập PGbank với một ngân hàng khác.

Trước đó, trong tài liệu ĐHCĐ công bố lần đầu, HĐQT trình phương án sáp nhập PGBank vào Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank, đồng thời giữ nguyên bộ máy hoạt động và thương hiệu PGBank. PGBank trở thành đơn vị trực thuộc Vietinbank - mô hình ngân hàng trong ngân hàng. Theo tài liệu này, Hội đồng quản trị đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương thực hiện phương án Vietinbank phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu PGBank và Vietinbank sẽ sở hữu đến 99% PGBank; Ủy quyền cho Hội đồng quản trị đàm phán hoán đổi với VietinBank.

Tuy nhiên, tên Vietinbank không còn thấy trong nội dung ĐHCĐ lần này.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT nhận xét: Nợ xấu 2013 là nợ đã tích tụ trong nhiều năm, là nguyên nhân rất lớn tác động trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng. Chưa kể chính sách giảm lãi suất ngoài dự đoán khiến cho ngân hàng mất hơn 100 tỷ đối với chương trình huy động dài hạn.

Báo cáo của Ban Kiểm soát:

Thanh tra ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội đã tiến hành thanh tra ngân hàng từ tháng 05/2013 và ban hành kết luận thanh tra vào ngày 30/10/2013. Theo đánh giá của Thanh tra, hoạt động của PGbank đang tiềm ẩn những rủi ro tín dụng mà nếu không khắc phục được sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong năm 2013, ngân hàng đã bán nợ cho VAMC 753 tỷ đồng. Từ năm 2014, Ngân hàng sẽ trích lập dự phòng mỗi năm 20% trong vòng 5 năm các khoản nợ đã bán này.

Trong năm, đã phát sinh một số sự cố ảnh hưởng đến an toàn hoạt động tại ngân hàng như vụ thụt két ở chi nhánh Hải Phòng, tranh chấp tài sản bảo đảm với các ngân hàng khác của chi nhánh Hà Nội.

Tháng 11/2013, ông Nguyễn Quang Nghị - thành viên Ban Kiểm soát đã đệ đơn từ nhiệm. ĐHCĐ đã thông qua việc từ nhiệm này.

Năm 2014, Ban kiểm soát dự kiến có 28 đợt kiểm toán ở tất cả các chi nhánh, khối Hội sở, theo đó sẽ trực tiếp giám sát hoạt động một số khách hàng có dư nợ lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với Ngân hàng.

11h, Thảo luận:

Sự cố thụt két ở Hải Phòng, có biện pháp nào để ngăn chặn?

Ông Bảo: Việc này liên quan đến quá trình quản lý. Sau khi việc này xảy ra, kiểm soát lại thì thấy việc tổ chức thực hiện ở đó không hợp lý. Đâu đó vẫn tồn tại cách làm việc gia đình trong khi ở NH, vấn đề quy trình đặt ra cao hơn là niềm tin với nhân viên. NH đã ngay lập tức rà soát và bổ sung thêm quy định. Ở một số chi nhánh phát sinh những quy trình không đúng yêu cầu thì đã có kiểm điểm, xử lý thích đáng, đặc biệt là khâu rà soát tín dụng. Một trong những biện pháp mà NH đưa ra là hoàn thiện lại cơ chế để đồng bộ với công tác giám sát.

Kế hoạch 2014 tăng trưởng mạnh về lợi nhuận nhưng theo TGĐ, điều này phụ thuộc lớn vào việc xử lý nợ xấu. Loại trừ việc này thì lợi nhuận có thể tăng bao nhiêu?


Nợ xấu 2013 là nợ dồn tích. Kế hoạch 2014 có thể nói là kế hoạch hết sức thách thức với ban điều hành. HĐQT đã mổ xẻ và thảo luận rất kỹ. Trong cơ cấu này, hoàn nhập xử lý nợ xấu là khoảng 100 tỷ. PGBank kiến nghị tăng trưởng tín dụng năm 2014 lên 25% nhưng NHNN chỉ cho 6%. Về điều này, chúng tôi quyết định thay đổi cơ cấu tín dụng: từ 80% KH DN rất rủi ro thì chuyển định hướng sang NH bán lẻ (có nhiều lợi thế). Nếu dư nợ KH cá nhân tăng lên 50% thì không cần tăng trưởng cũng có lợi nhuận rất cao.

Đánh giá thực tế, kế hoạch lợi nhuận năm 2014 là sức ép về quản trị rất lớn. Năm 2014, việc thực hiện được hay không, ngoài yếu tố khách quan thì việc tổ chức nội tại NH vô cùng quan trọng. Nếu xử lý tốt công nợ thì kết quả sẽ cao hơn nữa. Do tài sản đảm bảo chủ yếu là BĐS nên nếu thị trường này ấm lên thì là điều kiện tốt để xứ lý.

Bên cạnh đó, thị trường vốn của VN chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường bên ngoài. Ví dụ như vụ Ukraina – Nga, dù không ai dám nói ra nhưng rõ ràng là ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực xăng dầu.

Kế hoạch sáp nhập với Vietinbank cụ thể như thế nào? Cơ cấu cổ đông sau sáp nhập như thế nào? Lợi ích cổ đông sau sáp nhập?

Kế hoạch tái cơ cấu lập ra từ 2013. Chúng ta đã đặt vấn đề và nghiên cứu theo lộ trình dài hạn với sự chỉ đạo của NHNN. Trong đinh hướng ban đầu từ năm 2006, chúng tôi xây dựng rất bài bản, thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng lộ trình trong 5 – 10 năm, chủ yếu tập trung vào lợi thế về mạng lưới và quy mô hoạt động của Petrolimex để tổ chức một NH bán lẻ thuần túy, dịch vụ tài chính là chính ở những kỹ năng cao: kinh doanh ngoại hối, phái sinh, thẻ, sử dụng mạng lưới để quản lý dòng tiền và luân chuyển, cho vay nhỏ lẻ phục vụ cho hệ thống khách hàng của Petrolimex.

Với định hướng đó, từ 2006 đến 2012, nhu cầu vốn của PGBank là 1.200 tỷ (lúc đó VĐL là 200 tỷ). Nhưng đáng tiếc là năm 2010 đã bị ép tăng vốn lên 3.000 tỷ, thành ra định hướng đã bị phá vỡ. Áp lực lên HĐQT là phải tăng trưởng tín dụng và hậu quả đã thấy.

Một ngân hàng rất bé như PGBank nhưng vẫn nằm trong top doanh thu lớn. Chương trình thẻ cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Flexi card đứng đầu thị trường với doanh thu 250 tỷ/tháng. Hoạt động phái sinh dù hiện tại chưa cao mặc dù chưa thực hiện được trong mảng rất lớn là xăng dầu, nếu theo đuổi thì chúng ta sẽ đứng đầu!

HĐQT đã muốn tái cơ cấu để phù hợp quy mô của NH từ lâu chứ không phải do vấn đề nợ xấu gần đây.

Yếu là yếu về quy mô, thì bàn giao cho “ông nào” mạnh, chúng ta tập trung vào những thế mạnh của chúng ta. Phương án 2 là tự tái cơ cấu, mời cổ đông chiến lược là cổ đông nước ngoài ở quy mô phù hợp với chúng ta.

Ngoài ra cũng có phương án phụ thuộc vào NHNN, sáp nhập với một ngân hàng nhỏ khác… những phương án rất chủ động mà sáp nhập với Vietinbank chỉ là một trong các phương án. Còn tỷ lệ bao nhiêu thì mục tiêu vẫn là bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, trong từng phương án sẽ có tỷ lệ cụ thể.

Sáp nhập như thế nào thì phải có đại hội bất thường để thông qua. Mặc dù nợ xấu của ta lớn, quy mô nhỏ nhưng NH chúng ta nhận được quá nhiều đề xuất tham gia tái cơ cấu. Có những đề xuất: nhập vào dây, cơ cấu lại, vẫn tiếp tục là PGBank, phát triển theo định hướng. Có đề xuất của NH nhỏ là nhập vào với nhau… Nhưng quan trọng là đạt được mục tiêu của NHNN: xây dựng một hệ thống NH mạnh.

Hướng xin sáp nhập với các định chế lớn: trong 7 năm qua, tại sao một số dự liệu triển khai không đạt được?

Đó là do quy mô PGbank quá bé. Việc sáp nhập vào định chế nào đó đồng nghĩa với việc cho định chế đó tiếp cận với 15 triệu khách hàng của Petrolimex thông qua mạng lưới hơn 2000 cửa hàng! Đặc biệt là có tính chất kỷ luật rất cao. Hiếm có NH nào có lực lượng khách hàng tiềm năng lớn như vậy.

Cổ đông hỏi: Kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch?

Đây là quy định của nhà nước để làm sao cho minh bạch và thanh khoản cao. Dù trong bối cảnh nào thì cũng phải đảm bảo giá cổ phiếu ở mức cao nhất có thể.

TGĐ Nguyễn Quang Định cho biết, năm 2013 có nhiều yếu tố tác động. Ví dụ rủi ro lãi suất khi triển khai sản phẩm tiết kiệm dài hạn. Những khoản vay này đã đáo hạn nên không ảnh hưởng đến năm 2014.

Tăng trưởng tín dụng 2013 là 7,2% tính cả phần bán nợ cho VAMC nhưng lợi nhuận từ tín dụng của PGBank là không lớn. Năm 2014 cơ cấu lại danh mục cho vay, tập trung vào bán lẻ và lợi nhuận từ mảng này sẽ cao hơn.

Quy trình xử lý nợ tại VN rất phức tạp là tác động rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch. Liên quan đến việc xử lý nợ, thì giải pháp là tập trung vào những KH lớn và những khoản đã bán cho VAMC, những khoản đã dự phòng, khi thu hồi được thì sẽ hoàn nhập rất lớn. Bên cạnh đó, hàng tuần Ban điều hành đều làm việc với ban xử lý nợ rà soát lại các khoản nợ trên 5 tỷ để đôn đốc thu hồi. Kỳ vọng việc này sẽ có mặt tích cực.

Có những quy định của NHNN liên quan đến cổ đông lớn, PGBank không được cho vay vượt quá tỷ lệ cho phép với Petrolimex.

Khi tăng trưởng tín dụng 25% thì LN có thể tăng được 20 tỷ. Khi tăng tín dụng thì phải trích lập dự phòng chung, ... LN đó chuyển sang năm sau nhiều hơn là 2014.

Việc bán nợ cho VAMC thì dự kiến những khoản không đủ TSĐB và không đủ khả năng thu hồi, dự kiến bán 400 tỷ.

Trong báo cáo của trưởng BKS, còn tồn tại 1 số khoản cho vay có giá trị lớn không có TSBĐ hoặc TSBĐ không bù đắp được hết. Những khoản này có ảnh hưởng thế nào đến KQKD năm 2014?

BCTC của NH được thực hiện theo quy chuẩn kế toán Việt nam và được kiểm toán bởi E&Y. Những khoản nợ này sẽ được xử lý một cách cố gắng nhất.

KQKD quý I/2014: tín dụng tăng 2% nhưng trong quý I có những lúc tăng đến 6% nhờ một số khách hàng lớn. Huy động vốn tăng 2,3%, từ dân cư tăng trên 7,6%. LNTT quý I là 51 tỷ.

12h, thông qua các tờ trình

Một số cổ đông không đồng ý tờ trình số 06 về ủy quyền cho HĐQT quyết định về việc sáp nhập.

Chủ tịch HĐQT trả lời, theo trình tự “thuận” thì phải được sự đồng ý của các cấp rồi mới đưa ra ĐHCĐ, “chứ họp ĐHCĐ rồi trình lên NHNN lại không được đồng ý thì quá mất thời gian”. Đây chỉ là trình tự, còn bất cứ phương án nào cũng phải được ĐHCĐ thông qua.

Về tờ trình số 07 về việc đưa cổ phiếu PGBank vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, cổ đông đặt câu hỏi: việc này liệu có mâu thuẫn với tờ trình 06? Nếu tiến hành sáp nhập, chưa biết cổ phiếu PGBank sẽ như thế nào, sao có thể đưa lên sàn giao dịch?

Ông Bảo trả lời đây là những chủ trương và xin ý kiến (mang tính chất hành chính) để tránh những sự phức tạp về sau, mà chúng ta mới chỉ đưa ra chứ chưa biết là thực hiện được hay chưa. Có thể chủ trương sáp nhập được thông qua hôm nay nhưng đến tận 2016 mới thực hiện. Ban lãnh đạo cũng đủ trí tuệ chứ không phải không biết để thực hiện những chính sách mất thời gian và không phù hợp.

12h45, đại hội thông qua tất cả các tờ trình và bế mạc



Hải Minh

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên