“Trùm lừa” ngàn tỉ
2 vụ trọng án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, với số tiền bị lừa chiếm của Nhà nước, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) lên đến hàng ngàn tỉ đồng, đều do “trùm lừa” Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Cty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) đầu têu. Kẻ đã gây ra những vụ trọng án về kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng… lại có “lịch sử” bề dày lừa đảo một cách khó tin.
“Trùm lừa” Dương Thanh Cường là ai?
Dương Thanh Cường (SN 1966, người gốc Hoa, tên gọi khác là Mã Cường, ngụ quận 6, TPHCM), có vợ và 2 con. Cách đây hơn 20 năm, những năm 1994, Cường được biết đến như một trùm lừa đảo khét tiếng, một “đại gia” làm ăn buôn bán lớn… và mạnh tay đút lót cán bộ. Bởi vậy, Cường từng bị bắt hồi những năm 1994 và bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, 13 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” và 3 năm tù về tội “trốn thuế”, tổng cộng hình phạt là 20 năm tù, vào ngày 27.6.1996.
Sau đó chưa đầy 2 tháng, tức vào ngày 11.8.1996, Cường lại bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Như vậy, trong năm 1996, Cường cùng lúc bị 2 TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang tuyên phạt với hàng loạt tội danh và tổng hợp hình phạt mà Cường phải chấp hành là 20 năm tù. Đến ngày 1.2.2005, Cường được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Ngay sau khi ra tù, cái máu lừa đảo vẫn nổi lên, Cường bắt đầu thành lập hàng loạt doanh nghiệp và lại lao vào con đường lừa đảo. Song lần này, y thực hiện những cú lừa kinh hoàng hơn, mức độ táo tợn hơn và số tiền chiếm đoạt lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Cường không những bạo gan lừa Agribank mà còn lừa cả một đại gia lớn trong làng ngân hàng thương mại… đó là ông Trầm Bê - chủ Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Cú lừa hàng chục tỉ ở Agribank Bình Chánh
Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm về cho vay…” xảy ra tại Agribank chi nhánh Bình Chánh, TPHCM với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng không do ai khác mà chính “trùm lừa” Dương Thanh Cường là kẻ cầm đầu.
Sau nhiều năm làm ăn phi pháp, ngày 25.6.2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự và lần lượt 5 bị can bị khởi tố gồm: Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Cty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Thị Thanh Nga, Trần Thị Hoàng Yến và Hoàng Như Bích (đều nguyên là cán bộ Agribank Bình Chánh) cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Lợi dụng mối quan hệ quen biết và có sự “giúp sức” của ông Lý Văn Chức (Giám đốc Agribank Bình Chánh), từ năm 2007 - 2009, Dương Thanh Cường đã thành lập và dùng 2 pháp nhân Cty Tân Đại Phát, Cty Thanh Phát để lập khống hàng loạt các loại giấy tờ, như các giấy chứng nhận góp vốn, lập khống chứng từ chi trả tiền, nâng khống hợp đồng mua bán đất, nâng khống giá trị thực của mảnh đất là từ 3 tỉ đồng lên thành 47 tỉ đồng, lập khống dự án để vay hơn 19 tỉ đồng của Agribank Bình Chánh và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỉ đồng của Nhà nước.
Đối với các bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Nga (nguyên cán bộ tín dụng Agribank Bình Chánh), Trần Thị Hoàng Yến (nguyên Phó phòng Kế hoạch kinh doanh), Hoàng Như Bích (nguyên Phó trưởng phòng kế hoạch kinh doanh) và Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó Giám đốc Agribank Bình Chánh) được sự chỉ đạo của Lý Văn Chức là Giám đốc Agribank Bình Chánh (ông Chức đã chết nên không đưa vào xử lý trong vụ án) đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra đánh giá doanh nghiệp… và ký duyệt cho Cty Tân Đại Phát và Cty Thanh Phát vay 19,25 tỉ đồng, gây thiệt hại tính đến ngày khởi tố vụ án là hơn 27,3 tỉ đồng (trong đó gốc là hơn 12,8 tỉ đồng, lãi hơn 14,4 tỉ đồng).
Tuy nhiên, tại phiên tòa do TAND TPHCM xét xử vào hồi tháng 6.2015 vừa qua, các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Bình Chánh đều cho rằng, người chỉ huy cấp dưới thực hiện mệnh lệnh để duyệt các hồ sơ cho Cường vay chính là ông Lý Văn Chức. Cấp dưới chỉ thực hiện theo lệnh của cấp trên… và ông Chức đã chết vào năm 2012, trước thời điểm vụ án được phát hiện khởi tố một năm. Vào ngày 17.6, TAND TPHCM đã tuyên bản án hình sự sơ thẩm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm cho vay…”, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó giám đốc Agribank Bình Chánh và các đồng phạm đã giúp sức cho “trùm lừa” Dương Thanh Cường chiếm đoạt số tiền hơn 19 tỉ đồng.
Các bị cáo cùng phạm tội với Lợi về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gồm các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nga bị tuyên án 8 năm tù, Trần Thị Hoàng Yến 7 năm tù và Hoàng Như Bích 7 năm tù. Dương Thanh Cường bị tuyên án tù chung thân với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị cáo này buộc phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Nhà nước, tuy nhiên, toàn bộ số tiền mà “trùm lừa” chiếm đoạt đến nay không thể nào thu hồi…!
Đến “đại án” Agribank chi nhánh 6 với ngàn tỉ bị chiếm đoạt
TAND TPHCM đang xét xử vụ chiếm đoạt gần 1.000 tỉ đồng của Nhà nước tại Agribank chi nhánh 6, TPHCM. Đây là vụ án đầu tiên trong 8 vụ án điểm của cả nước được đưa ra xét xử (Báo Lao Động & Đời sống đã đưa tin).
Phiên tòa có sự tham gia của rất đông luật sư bào chữa cho 11 bị cáo và đại diện cho người có quyền, lợi ích liên quan và nhiều đương sự được triệu tập. Hầu hết 11 bị cáo đều thuộc vào hàng lớn tuổi, tóc đã bạc, trong đó có bị cáo Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Cty Siêu mẫu Việt, bị cáo này được tại ngoại) đến hầu tòa trên xe lăn. Cáo trạng truy tố 11 bị cáo về 3 tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyên các cán bộ Agribank chi nhánh 6, gồm bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6), Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng) và 3 nhân viên Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Các bị cáo Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Cty Dệt kim Đông Phương), Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Cty Siêu mẫu Việt) bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. “Trùm lừa” Dương Thanh Cường bị truy tố trong vụ “đại án” này cũng là vai trò đầu vụ, nguyên là Tổng giám đốc Cty đầu tư xây dựng Tấn Phát, bị cáo Thái Cường (là em rể Dương Thanh Cường, được thuê làm Giám đốc Cty Tấn Phát cho Cường), các đồng phạm khác trong vụ án này là Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (đều nguyên Phó giám đốc Cty Thanh Phát) bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tổng số tiền mà Dương Thanh Cường lừa chiếm của Nhà nước tính đến vụ án đưa ra xét xử là hơn 966 tỉ đồng, bằng nhiều thủ đoạn lập hồ sơ “ma”, hợp đồng không tài sản thế chấp, hoặc tài sản thế chấp tạm thời nhưng sau khi giải ngân lại mang đi thế chấp vay ở ngân hàng khác… Năm 2006, Cty Dệt kim Đông Phương, do Lê Thành Công làm Tổng giám đốc được Bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000m2đất ở quận Tân Phú để xây trung tâm thương mại, chung cư. Khi này, Dương Thanh Cường (vừa ra tù được 1 năm), đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư và khai thác dự án.
Cường chỉ đạo cấp dưới, cũng là em rể mình là Thái Cường lập hồ sơ vay 170 tỉ đồng của Agribank chi nhánh 6 với tài sản thuế chấp là lô đất xây trung tâm thương mại của Cty cùng với một số bất động sản khác của công ty này. Thái Cường đặt vấn đề với Hồ Đăng Trung (khi ấy là giám đốc Agribank chi nhánh 6) yêu cầu cấp dưới thẩm định hồ sơ. Mặc dù Trung biết lô đất xây trung tâm thương mại ở quận Tân Phú chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bất động sản này chỉ là chứng nhận tạm thời không được cầm cố, thế chấp nhưng phía Agribank chi nhánh 6 vẫn thẩm định cho vay.
Tiếp tục đến tháng 7.2007, “trùm lừa” Dương Thanh Cường lại chỉ đạo Lê Văn Tuấn (giám đốc Cty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 628 tỉ đồng của Agribank chi nhánh 6 để thực hiện dự án khu biệt thự ở huyện Bình Chánh. Lúc này, Trung cũng đồng ý, Cường dùng 3 bất động sản cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Bình Chánh mang đi thế chấp tạm thời. Trung tiếp tục cho Cường vay mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Cường mang đi thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Cty Thanh Phát nhưng phía Agribank chi nhánh 6 vẫn ký hợp đồng cho vay.
Khi Agribank chi nhánh 6 đang giải ngân cho Cty Thanh Phát vay thì Dương Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới đến mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Lúc này, Dương Thanh Cường đến gặp ông Trầm Bê, xin vay tiền ở Ngân hàng TMCP Phương Nam. Ông Trầm Bê cho rằng có tài sản thế chấp thì ngân hàng giải quyết cho vay, mà hoàn toàn không biết số tài sản Dương Thanh Cường chuẩn bị mang đến Ngân hàng Phương Nam thế chấp vay tiền lại là tài sản đang thế chấp ở Agribank chi nhánh 6, lại càng không hay biết “trùm lừa đảo” Dương Thanh Cường mượn số giấy tờ là tài sản đã thế chấp trong Agribank ra ngoài rồi lại mang đến thế chấp vay tiền của Ngân hàng Phương Nam. Nên khi lấy số giấy tờ thế chấp ở Agribank chi nhánh 6 ra, Dương Thanh Cường chỉ đạo ngay thuộc cấp mang đi thế chấp ở Ngân hàng TMCP Phương Nam để lừa vay thêm số tiền lớn… và đến nay mất khả năng chi trả.
• Các cán bộ Ngân hàng Phương Nam cho các Cty của Dương Thanh Cường thế chấp 23 giấy quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh vay tiền với số lượng lớn, khi chưa có dự án, tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, chưa sang tên Cty Thanh Phát, hợp đồng thế chấp không công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo…, cơ quan điều tra tách ra để điều tra xử lý sau.
• Một số cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM làm thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng của UBND TPHCM… Cty TNHH bất động sản FPT có đơn tố cáo Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt 2,6 triệu USD (tương đương hơn 41 tỉ đồng), cơ quan điều tra cũng sẽ tách ra điều tra xử lý bằng vụ án khác.