Từ 2014, ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu của Việt Nam
Quy mô thị trường 90 triệu dân sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng thương mại.
Hoạt động ngân hàng bán lẻ được đánh giá là rất “màu mỡ” và sẽ được các ngân hàng chú trọng phát triển trong những năm tới, đặc biệt khi tín dụng còn khó khăn. Tuy nhiên, NHNN lại cho rằng, thị trường bán lẻ sẽ do các ngân hàng ngoại tập trung khai thác, chứ không phải ngân hàng nội.
Nhân dịp đầu năm mới 2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Rahn Wood, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB về xu hướng hoạt động bán lẻ của ngân hàng Việt Nam.
PV: Ông nhận định thế nào về xu hướng của ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2014?
Ông Rahn Wood: Tôi tin rằng năm 2014 nền kinh tế sẽ cải thiện và ổn định hơn so với những năm vừa qua. Qúa trình phục hồi kinh tế có thể không nhanh hoặc liên tục so với trước đây; do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục với chiến lược tăng trưởng thận trọng về cả hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận.
Ông Rahn Wood Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB |
Ngoài các xu hướng về kinh tế vĩ mô, người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục khá thận trọng.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng (nhà, ô tô, tiêu dùng nhỏ lẻ) và kinh doanh cá thể (cá nhân kinh doanh). Dịch vụ thanh toán qua thẻ sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh phát triển thông qua liên kết với hệ thống điểm thanh toán như: công ty game, mua bán trực tuyến, thanh toán hóa đơn điện. điện thoại/ hệ thống siêu thị.
Cùng với đó, việc cải thiện năng lực của một số ngân hàng gặp khó khăn nhất sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa để niềm tin của khách hàng sẽ sớm quay trở lại.
Kể từ năm 2014, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam. Với đặc thù một quốc gia đang phát triển là thu nhập trung bình thấp, hệ thống ngân hàng còn sơ khai, nhu cầu tài chính và dịch vụ thanh toán tăng theo cấp số nhân chắc chắn thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập niên tới.
NHNN cho rằng, khoảng 2 năm nữa, thị trường bán lẻ sẽ do các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác. Như vậy, để giành lấy thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nội, phải chú trọng yếu tố nào?
Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Với quy mô thị trường 90 triệu dân sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng thương mại nhằm giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản và quản lý tốt hoạt động kinh doanh của mình cũng như thực hiện các hoạt động thanh toán hàng ngày.
Trong khi nhu cầu thanh toán dùng tiền mặt vẫn còn phổ biến thì ngày càng có nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp muốn sử dụng phương thức thanh toán tiện dụng hơn như thanh toán trực tuyến. Đây vừa là cơ hội cũng như thách thức đối với các ngân hàng nội trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả để đáp ứng xu thế thanh toán hiện đại này.
Bên cạnh đó các ngân hàng nội địa sẽ có cơ hội làm việc với những nhà hoạch định chính sách để phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản của họ bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc sử dụng vốn vay một cách có chọn lọc để đầu tư vào các tài sản sinh lời như bất động sản hoặc mở rộng kinh doanh.
Do vậy, để gia tăng thị phần, các ngân hàng nội phải chú trọng các yếu tố sau:
Thứ nhất là tiếp tục xây dựng các kênh thanh toán điện tử và hướng dẫn người tiêu dùng/ chủ doanh nghiệp; Thứ hai, tập trung giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản của họ; Thứ ba, tập trung vào việc cho vay trực tiếp tới phân khúc khách hàng và các doanh nghiệp có thu nhập trung bình khá và ổn định; Thứ tư hoàn thiện hệ thống quy trình đơn giản thuận tiện; Thứ năm tung ra các sản phẩm, dịch vụ một cách sáng tạo phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân số trẻ Việt Nam và cuối cùng là phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ.
Chẳng hạn như tại VIB, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ ở đây không có nghĩa là dịch vụ phải tốt nhất, hoàn hảo nhất mà chúng tôi chú trọng đến yếu tố sáng tạo và cải tiến. Chúng tôi lấy khách hàng làm trọng tâm, tiếp thu ý kiến của khách hàng, căn cứ vào nhu cầu và mong muốn của họ để cải tiến dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn.
Là người nước ngoài và có nhiều năm công tác ở các ngân hàng quốc tế, ông có cho rằng VIB sẽ có lợi thế khi một giám đốc là người nước ngoài hay không?
VIB là ngân hàng có mô hình quản trị rất minh bạch và chuyên nghiệp, khá giống với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, VIB còn có quan hệ cổ đông chiến lược với Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia của Úc. Cả 2 yếu tố này đều liên quan mật thiết với kinh nghiệm cũng như cách tiếp cận nghề nghiệp của tôi.
Với 26 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và thẻ, tôi cũng đã từng làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần khác tại Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế khả quan trước đây; tôi đã từng sống và làm việc cho các ngân hàng tại 4 quốc gia khác nhau; tôi cũng đã thăm và làm việc với các ngân hàng tại ít nhất 12 quốc gia khác nữa với các vai trò ở tầm khu vực; đặc biệt, tôi đã từng làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế như HSBC, MasterCard, ngân hàng Macquarie – ngân hàng đã giúp tôi có được tầm nhìn phát triển bền vững lâu dài.
Tất cả những kinh nghiệm đó đã giúp tôi không chỉ hoàn thành tốt các công việc hàng ngày mà còn xây dựng được những chiến lược sẽ giúp VIB vững bước trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong gian đoạn trung và dài hạn.
Một số dịch vụ bán lẻ như cho vay qua thẻ, sản phẩm phái sinh… đang được các ngân hàng đẩy mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro rất cao (ví dụ cho vay có thể mất vốn, phái sinh chịu rủi ro tỷ giá). Ngân hàng làm thế nào để vừa phát triển được lại vừa giảm thiểu những tổn thất?
Về bản chất thì hoạt động ngân hàng là liên quan tới rủi ro. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro và tổn thất trong quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, các ngân hàng cần tập trung vào các yếu tố:
Thứ nhất là tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập ổn định làm việc trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các các bộ nhân viên làm trong các đơn vị hành chính sự nghiệp
Thứ hai là xây dựng các quy trình và hệ thống quản trị rủi ro hoàn chỉnh
Thứ ba, hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn dề giúp khách hàng kinh doanh sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng linh hoạt hiệu quả
Thứ tư, đảm bảo khách hàng hiểu rõ được những rủi ro cũng như các lợi ích tiềm năng mà bất cứ sản phẩm mới nào sẽ đem lại.
Vụ xét xử đại án Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng đang làm lung lay niềm tin của người dân vào ngân hàng. Theo ông các ngân hàng cần phải làm gì để giữ uy tín và lấy lại niềm tin của khách hàng?
Đây là vụ việc nổi cộm trong ngành ngân hàng thời gian gần đây. Nó bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong hệ thống quản lý của các ngân hàng. Từ vụ việc này, tôi nghĩ bản thân các ngân hàng phải rút ra bài học và có những hành động thiết thực để giảm thiểu rủi ro cũng như lấy lại niềm tin từ phía khách hàng.
Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ quy trình nghiệp vụ phát hiện rủi ro và cải tiến ngay những điểm còn yếu. Đào tạo toàn bộ cán bộ nhân viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố sống còn trong bối cảnh đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng suy thoái như trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cần giúp khách hàng chủ động phòng ngừa rủi ro bằng cách cung cấp cho họ những thông tin, hiểu biết, tư vấn thiết thực về nghiệp vụ ngân hàng và đồng thời thực hiện tốt việc kiểm tra chéo các hoạt động của nhân viên ngân hàng nhằm phát hiện sớm bất cứ hành vi gian lận nào.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguyễn Hằng