VAFI: “Kiến nghị hạ lãi suất tiền gửi về 1% không phải là không tưởng"
VAFI khẳng định, "kiến nghị của VAFI bao giờ cũng xuất phát từ nắm chắc tình hình thực tế, hiểu sâu sắc về khuôn khổ pháp lý hiện tại đồng thời phải tham khảo kinh nghiệm thế giới".
- 05-02-2015Đề xuất giảm lãi suất về 1% của Vafi là không tưởng
- 04-02-2015Doanh nghiệp ngóng lãi suất giảm
- 28-01-2015NHNN: Sẽ giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn thêm 1-1,5%/năm, tỷ giá điều chỉnh không quá 2%
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có thông tin phản hồi về ý kiến cho rằng đề xuất giảm lãi suất về 1% của VAFI là không tưởng.
Theo VAFI, ngày 2/2/2015, VAFI có văn bản số 841/HHĐTTC gửi Bộ Trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng nhà nước trình bày 1 hệ thống các giải pháp cơ bản nhằm mục tiêu đưa lãi suất tiền gừi VND về mức 1%/năm.
Toàn bộ kiến nghị không hề yêu cầu Thống đốc NHNN phải điều chỉnh ngay việc hạ lãi suất tiền gửi vì đó chỉ là mục tiêu không tưởng mà muốn đạt được mục tiêu đưa lãi suất VND về mức 1%/năm cần đòi hỏi sự nỗ lực và cầu thị của các nhà hoạch định chính sách tại NHNN và BTC nhằm xây dựng nhiều chính sách ( Luật, Nghị định, Thông tư ) để thực hiện các giải pháp mà VAFI đề xuất, cho nên kiến nghị đưa lãi suất VND về mức 1% là hàm mục tiêu.
Theo VAFI, nếu chúng ta không có giải pháp thì mục tiêu giảm sâu mặt bằng lãi suất chỉ là xa vời và không thể đạt được, chưa nói nguy cơ lạm phát cao và lãi suất huy động tăng trở lại nếu như Chính phủ không có giải pháp phòng vệ để ngăn ngừa những cơn sốt đất xảy ra trong tương lai và đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
VAFI cho biết thêm, từ ngày thành lập tới nay, trải qua hơn 10 năm hoạt động, VAFI rất tự hào là Hiệp hội tiên phong trong việc đề xuất hàng trăm giải pháp và đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường tài chính VN...
VAFI đồng thời liệt kê ra các đề xuất mà theo cơ quan này là đã được chuyển hóa thành chính sách của Chính phủ.
Chẳng hạn như VAFI tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng chính sách thuế chứng khoán trong giao dịch cổ phiếu, trái phiếu cho các loại đối tượng và chính sách đầu tiên ra đời trong năm 2004, mở đường cho việc thu hút hàng chục tỷ đô la của dòng vốn FII vào Việt Nam, trước đó đa phần nhà đầu tư FII không dám tham gia vì không biết chính sách thuế ra sao.
Hay VAFI là tổ chức đầu tiên kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp VN từ mức 30% lên 49% và 100% , kết quả là Luật Đầu tư 2005 và các văn bản dưới luật đã thay đổi lên 49% cho công ty niêm yết và 100% cho công ty không đại chúng. Tại thời điểm 2004, việc kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN là việc rất nhạy cảm, bản thân UBCKNN ở giai đoạn đó không ủng hộ đề xuất này, mà còn bó hẹp với các công ty niêm yết ở tỷ lệ 20%, việc kiến nghị không phải dễ dàng mà phải mất nhiều công sức để chứng minh và thuyết phục.
VAFI cũng từng kiến nghị NHNN có chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 1%. Kiến nghị này ra đời khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ đang ở mức 9%/năm và chỉ sau 4 năm khi NHNN tiếp thu ý kiến, nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã xuống dưới mức 1%/năm…
Cuối cùng, VAFI kết luận, “những ví dụ trên đây để thấy rằng những kiến nghị của VAFI không phải là không tưởng hay mang tính học giả chỉ nói chung chung mà chẳng có giải pháp gì đi kèm. Kiến nghị của VAFI bao giờ cũng xuất phát từ nắm chắc tình hình thực tế, hiểu sâu sắc về khuôn khổ pháp lý hiện tại đồng thời phải tham khảo kinh nghiệm thế giới”.
Tùng Lâm