Việc mở van cho tăng trưởng tín dụng và việc giảm lãi suất của
ngân hàng đã phần nào được giải quyết khi Chính phủ bật đèn xanh yêu cầu Ngân
hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 13 để cho ra đời Thông tư 19. Thế nhưng, chỉ thị
mới ban hành của Thủ tướng lại làm dấy lên nỗi e ngại sẽ ảnh hưởng đến việc giảm
lãi suất của ngân hàng.
Mở
Khi Thông tư 19 sửa đổi một số điểm trong Thông tư 13 được
ban hành, nhiều ngân hàng lẫn chuyên gia dự báo lãi suất sẽ có khả năng giảm
cũng như tăng trưởng tín dụng của toàn ngành sẽ khả quan hơn trong những tháng
cuối năm.
Thực tế đã phần nào chứng minh. Thông tư 19 ra đời không nhắc
đến việc ngân hàng dùng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cấp tín dụng
không quá 20% vốn huy động từ dân cư được quy định trước đây, cũng như các ngân
hàng có thể sử dụng vốn vay từ ngân hàng khác kỳ hạn từ 3 tháng trở lên để cấp
tín dụng.
Do vậy, trong tuần đầu tiên của tháng 10 khi thông tư này được áp dụng,
doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng giao dịch
với nhau tăng mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng doanh số giao dịch trên thị trường
liên ngân hàng trong tuần đạt khoảng 171.265 tỉ đồng và 3,5 tỉ đô la Mỹ, bình
quân đạt khoảng 28.544 tỉ đồng và 586 triệu đô la một ngày, tăng gần gấp đôi
bình quân những tuần gần đây.
Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Kinh doanh trường Đại học
Ngân hàng TPHCM, cho biết điều này đã chứng minh rằng dòng vốn trên thị trường
đã lưu thông được, giải quyết vấn đề trước mắt là vốn cho nền kinh tế.
“Sự cởi mở trên sẽ có mặt trái của nó, đó là làm cho các
ngân hàng nhỏ ỷ lại vì vay vốn trên thị trường liên ngân hàng dễ và lãi suất thấp
hơn vay từ dân cư. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có mặt trái của nó, hệ quả xấu
đến đâu còn phải chờ xem, nhưng nếu không mở van cho nguồn vốn được thông thì bằng
cách này hay cách khác các ngân hàng cũng sẽ lách luật”, ông Dương nói.
Đóng
Tuy nhiên mới đây, Thủ tướng đã đưa ra chỉ thị tăng cường thực
hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2010, trong đó có đề cập
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các
ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực
tăng giá, nhất là vào dịp cuối năm khi khối lượng thanh toán các công trình dự
án được thực hiện với mật độ cao và dịp lễ, tết khi lượng tiền thưởng, tiền
lương được chi trả với khối lượng lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành tăng cường
các biện pháp quản lý giá cả những mặt hàng thiết yếu và bình ổn giá cho dịp Tết
Nguyên Đán.
Như vậy, có thể thấy chủ trương của Chính phủ sẽ là tập
trung vào kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm để có thể giữ lạm phát ở
mức 8% như mục tiêu đã đề ra. Điều này có thể sẽ dẫn đến khả năng siết chặt
chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Chuyên gia Michel Tosto của Công ty chứng khoán Bản Việt cho
rằng hiện Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang tìm ra cách tối ưu để
có thể thực hiện chỉ thị trên.
“Còn quá sớm để khẳng định rằng chính sách đã
chuyển từ mục tiêu tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát, những trong thực tế, mục
tiêu GDP đã đạt được trong năm nay, như vậy kiểm soát lạm phát rõ ràng là mục
tiêu thứ hai trong danh sách những việc cần làm của Chính phủ. Chúng ta có khả
năng sẽ thấy những biện pháp siết như tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, hoặc
buộc các ngân hàng mua trái phiếu”, vị chuyên gia này nói.
Bài toán lãi suất vẫn khó
Ông Lê Thẩm Dương cho rằng các ngân hàng hiện chỉ có hai nguồn
thu đó là từ lãi cho vay và phí dịch vụ. Thế nhưng, sàn vàng đã bị đóng cửa,
phí dịch vụ còn lại của các ngân hàng cũng chẳng còn là bao, cho nên chắc chắn
ngân hàng sẽ tập trung để tăng lợi nhuận từ lãi vay.
Mà lãi suất cho vay của các ngân hàng không giảm được lại
còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tỷ giá tăng liên tục (hơn 5% trong 9 tháng),
lãi suất trái phiếu chính phủ cao, đồng thời rủi ro cho vay doanh nghiệp cũng
đang cao dần khi tình trạng tồn kho của doanh nghiệp vẫn còn cao. "Hiện vẫn
chưa có giải pháp cho những vấn đề này", ông Dương nói.
Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay đối với
doanh nghiệp xuống còn 13-14,5%/năm, và cho nông nghiệp hoặc hoặc doanh nghiệp
vừa và nhỏ là 11,5-13%. Tuy nhiên, chỉ những khách hàng quen, có lịch sử vay tốt,
và tình hình kinh doanh khả quan mới tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này. Trong
khi đó, một số ngân hàng nhỏ lại âm thầm nâng lãi suất cho vay lên cao.
Chị T., chủ một cơ sở sản xuất, rất bất ngờ khi Ngân hàng Việt
Á nơi chị vay tiền đột ngột thông báo nâng lãi suất cho vay từ 1,25% lên 1,38%/tháng,
tức lên đến 16,56%/năm từ mức 15% trước đây. Mức lãi suất trên mặc dù là dành
cho sản xuất kinh doanh nhưng lại đang ngang bằng mức cho vay tiêu dùng mà các
ngân hàng công bố.
Chị T. cho rằng ngân hàng cho biết lãi suất sẽ điều chỉnh 3
tháng một lần, khoản vay của chị vừa đến tháng thứ 4 thì ngân hàng đã lập tức
tăng lãi suất trong bối cảnh Chính phủ đang chủ trương giảm lãi suất cho doanh
nghiệp.
Như vậy, bài toán lãi suất vẫn sẽ tiếp tục là bài toán khó
cho các ngân hàng và cả nhà làm chính sách trong thời gian tới. Mà nếu chỉ có
những biện pháp như kêu gọi các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất thì việc giảm
lãi suất sẽ khó bền vững.
Theo Thủy Triều
TBKTSG