MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng trang sức: Rộng cửa tín dụng, đo lường vẫn lo

25-11-2013 - 08:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu áp dụng Thông tư 22, DN chỉ có cách an toàn là công bố vàng dưới chuẩn. Nhưng như thế lợi nhuận sẽ giảm. Năm nay, lợi nhuận của DN vàng có thể giảm đến 80%.

Tới đây, những quy định mới về đo lường chất lượng trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực sẽ giúp cho người tiêu dùng bớt thiệt thòi và hỗ trợ vốn cho DN kinh doanh vàng.

Lợi nhuận giảm 80%

Sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, được cho rằng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường này; xử lý được một số vấn đề, đặc biệt là liên quan đến đo lường mà trước đây vốn do các DN tự công bố và thực hiện.

Điều này đang nhận được sự đồng tình của nhiều DN. Tại hội nghị Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuối tuần trước, về việc hướng dẫn thực hiện các quy định mới trong quản lý chất lượng vàng, nhiều DN cho rằng, đơn vị nào cũng muốn kinh doanh vàng chất lượng rõ ràng.

 Việc áp dụng quy định mới vào kinh doanh không chỉ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng mà chính bản thân DN cũng có được những lợi ích tương ứng trong việc cạnh tranh. Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh vàng tỏ ra quan ngại những hệ quả nảy sinh không mong muốn của chính sách quản lý chất lượng vàng khi đi ra thị trường có thể gây ra những bối rối cho DN.

Ông Trần Phi Hùng, Giám đốc DN tư nhân kinh doanh vàng Tân Bình (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, phần lớn phương tiện cân đo dùng trong giao nhận thanh toán mua, bán vàng phải kiểm định, xuất trình giấy chứng nhận kiểm định cho cơ quan chức năng. Trường hợp chưa hoặc hết hạn kiểm định, DN sẽ bị xử phạt hành chính. Như vậy, bản thân các DN dù đã làm đúng quy định nhưng cũng không được công nhận.

Thực tế khi thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh vàng, giám định sản phẩm có nơi sai số rất lớn, lên đến 4% (tỷ lệ vàng trong sản phẩm trang sức - PV), trong khi giới hạn sai số trong thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại Thông tư 22 chỉ vài phần nghìn. Mặc dù các DN cho rằng, cân của họ được mua với giá hàng ngàn USD và được kiểm định, dán tem định kỳ của cơ quan chức năng. Đáng lẽ, các đơn vị thanh tra phải đo ngay cân của DN tại nơi kiểm định, nay ra chỗ khác kiểm soát, cân đo luôn luôn bị hụt đi vài phần trăm, ông Hùng nói.

Cũng vị này cho biết thêm, nếu áp dụng Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ, những DN tư nhân kinh doanh vàng chỉ có thể chọn giải pháp an toàn là bán vàng 18K (75% vàng nguyên chất) nhưng niêm yết 17K (khoảng 71% vàng nguyên chất). Mặc dù, vàng trang sức là sản phẩm trí tuệ và có nhiều chi phí trong giá thành. Nhưng với giải pháp an toàn nói trên của DN, việc đưa khoản thiếu hụt theo công bố chất lượng nói trên vào giá thành để ấn định giá bán của sản phẩm thực chất là không có cơ sở.

“DN chỉ còn cách công bố vàng dưới chuẩn. Nhưng nếu áp giá theo chất lượng vàng công bố thì nhà kinh doanh thiệt, họ chỉ có nước bỏ nghề”, ông Hùng nói và thêm rằng: Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, lợi nhuận năm 2013 của nhiều DN kinh doanh vàng có thể giảm đến 80% so với cùng kỳ.

Một điểm khác, theo Thông tư 22 quy định, các DN phải chứng minh nguyên liệu đầu vào sản phẩm vàng chế tác, trong khi các giao dịch vàng trên thị trường lâu nay đều trên cơ sở thỏa thuận. Những nguồn vàng mua vào có thể có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, nhưng cũng có thể là vàng trôi nổi trên thị trường. Thậm chí, những DN lớn khi gom nguyên liệu sản xuất vàng 99,99% (hay còn gọi là vàng Y) cũng không có giấy tờ chứng minh. Sau đó, các DN kinh doanh vàng nhỏ mua lại nguyên liệu từ các DN này cũng chỉ viết giấy tay. Vì vậy, việc không chứng minh được nguồn nguyên liệu là điều dễ hiểu. Quy định mới phải chứng minh đầu vào của vàng sẽ gây khó khăn hơn cho DN, trong khi mức phạt rất nặng, lên tới vài trăm triệu đồng một lần vi phạm.

Cho vay kinh doanh vàng sẽ “dễ thở” hơn

Hiện vẫn còn hơn 7 tháng nữa cho đến lúc Thông tư 22 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, cùng với Thông tư số 16/2012/TT-NHNN về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ tạo những điểm tích cực cho thị trường vàng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trước khi Nghị định 24 được ban hành, thị trường không có quy định rõ ràng về quản lý chất lượng vàng. Tới đây, những quy định mới về đo lường chất lượng có hiệu lực sẽ giúp cho người tiêu dùng bớt thiệt thòi và hỗ trợ vốn cho DN kinh doanh vàng.

Thông tư 22 sẽ cụ thể hóa thêm một bước của Nghị định 24, theo đó các NHTM sẽ vào cuộc để giải quyết tình cảnh khó khăn về vốn vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu về vốn cho khoảng 70% trong số 3.000 DN kinh doanh vàng và nữ trang của TP. Hồ Chí Minh đang lâm vào tình trạng bế tắc do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt, theo số liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý thành phố.

“NHNN sẽ đưa ra những quy định mới đối với NHTM, khi cho vay sẽ lấy tiêu chuẩn theo Thông tư 22 làm cơ sở xét duyệt cho vay kinh doanh vàng. Bên cạnh đó NHNN sẽ có những quy định mới đảm bảo quản lý chặt chẽ hiệu quả sử dụng vốn, đúng mục đích đưa vào sản xuất vàng nữ trang”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Cùng quan điểm này, một DN kinh doanh vàng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, họ đang có một số khoản vay cũ sắp đến hạn trả nợ. Trong khi, nhu cầu vốn trung bình hàng trăm kg vàng nguyên liệu/tháng để sản xuất. “Nếu ngân hàng nói sẽ dựa vào các quy định của Thông tư 22 làm cơ sở cho vay vốn thì nhiều DN sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng hơn”, các DN đặt vấn đề.


Theo KIM

hangnt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên