Vay tiêu dùng lùi về kỳ hạn ngắn, lãi suất trên 22%/năm
Tại SeAbank, Eximbank..., lãi suất vay tiêu dùng cũng đã lên tới 22,8-24% một năm.
Chấp nhận lãi cao, khách hàng cá nhân vẫn không dễ vay tiền ở ngân hàng. Hầu hết các nhà băng đang có xu hướng dâng cao lãi suất vay tiêu dùng và rút ngắn kỳ hạn cho vay.
Anh Hùng, nhân viên tín dụng một ngân hàng lớn trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cho biết nhà băng này đang cân nhắc tăng lãi suất cho vay tiêu dùng vượt 22,5% một năm. Nguyên nhân là huy động vốn khó khăn, lãi suất đầu vào thậm chí vượt trần lên mức 17-18% mà vẫn không đủ.
Ở một số ngân hàng khác như SeAbank, Eximbank..., lãi suất vay tiêu dùng cũng đã lên tới 22,8-24% một năm. Mức này so với mặt bằng chung thời điểm trước và sau Tết nguyên đán đã nhích thêm 2-3%. Đại diện Eximbank cho biết lãi suất dâng cao ngoài lý do thu hút vốn đầu vào khó khăn, còn do ảnh hưởng của quy định các ngân hàng duy trì mức dư nợ 22% đối với cho vay phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...) trước 30/6.
Một số nhà băng cỡ lớn còn thậm chí từ chối thẳng thừng ngay cả khi khách chấp nhập lãi suất cao. Chị Sinh, nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) kể với VnExpress. net, đáo hạn vay 500 triệu đồng hợp đồng 5 năm của một ngân hàng lớn, chị đến làm thủ tục trả và vay tiếp. Tuy nhiên, nhân viên nhà băng này lập tức từ chối ngay cả khi chị Sinh đồng ý mức lãi suất 18% một năm (thay vì 14% như lần vay trước). Thắc mắc, chị Sinh được nhân viên giải thích là ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn vì không "đi đêm" lãi suất huy động với khách.
Song song với tăng lãi suất, ngân hàng có xu hướng ưu tiên cho các khoản vay ngắn hạn.
Tại Techcombank, đối với vay tiêu dùng, kỳ hạn 15 năm đã dừng, thay vào đó, theo gợi ý của nhân viên tín dụng, người có nhu cầu nên vay tiêu dùng thấu chi. Hình thức này linh hoạt trả gốc, lãi và số tiền tối đa có thể vay là 500 triệu đồng. Lãi suất hiện hành với vay tiêu dùng tại ngân hàng này là 22,5% một năm. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nâng mức phí đảm bảo giá trị tài sản từ khoảng 1% lên 2,75% (đã bao gồm thuế VAT).
Nhân viên công ty bảo hiểm Prudential cho hay, hiện tại với nhu cầu vay tiêu dùng, ngoài có các giấy tờ cần thiết, khách hàng còn phải chứng minh thu nhập hàng tháng, có bảo hiểm... Số tiền giải ngân cũng chỉ cao nhất 190 triệu đồng, thời hạn trả từ 1 đến 4 năm thay vì dài hơn như trước. Lãi suất dao động 1,3 đến 1,8% một tháng (khoảng 15,6-21,6% một năm).
Chị Thúy ở Mỹ Đình (Hà Nội) vay vài trăm triệu của một ngân hàng với lãi suất 22% một năm cho biết chị phải chạy vạy khắp nơi lo giấy tờ. Ngoài tiền lãi như trong hợp đồng (22% có thể linh hoạt điều chỉnh theo thị trường), chị Thúy phải trả 1,5 triệu đồng cho công ty thẩm định cùng hơn 2% phí đảm bảo giá trị tài sản.
Đánh giá về xu hướng nâng lãi suất vay tiêu dùng của một số nhà băng trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng đó là giải pháp riêng của một số ngân hàng trong bối cảnh khó khăn như hiện tại.
Ông Toại cũng nói thẳng, huy động vốn khó khăn và công cuộc chạy đua lãi suất của ngân hàng là nhân tố chính khiến cho lãi suất cho vay thường xuyên được điều chỉnh cao lên. Thậm chí, việc siết cho vay phi sản xuất trong đó có bất động sản có thể khiến cho số lượng người đi vay đầu tư vào lĩnh vực này giảm đi. Khi ấy, có khả năng nguồn huy động sẽ bớt ảm đạm hơn so với hiện nay.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, 30/6 là hạn chót để ngân hàng kéo tỷ trọng cho vay phi sản xuất về mức 22%. Những biện pháp được một số nhà băng áp dụng trong thời gian vừa qua nhằm giảm dư nợ sản xuất là thu hẹp cho vay chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... bằng cách đẩy lãi suất lên cao.
30/6 cũng là thời hạn cuối cùng các ngân hàng thương mại phải báo cáo về lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Do đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời lùi về cho vay kỳ hạn ngắn trong thời điểm hiện nay cũng là một trong những phương án để ngân hàng nhỏ bảo toàn vốn.
Theo Tuệ Minh
VnExpress