MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đột ngột tăng phát hành trái phiếu Chính phủ?

30-11-2014 - 14:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm và không khí các phiên giao dịch tháng 10, tháng 11 rất ảm đạm, Kho bạc Nhà nước vẫn điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2014 với mức tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng.

Đây là lần thứ 2 trong năm, Kho bạc Nhà nước điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP. Hồi tháng 8, kế hoạch phát hành TPCP được điều chỉnh từ 210 nghìn tỷ đồng lên 232 nghìn tỷ đồng. Lần này, tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng nữa lên 262 nghìn tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, mục tiêu huy động trái phiếu đã tăng thêm 52 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Kho bạc Nhà nước công bố đầu năm 2014 – tương đương 25%.

Trong tổng khối lượng phát hành mới của Kho bạc vừa được điều chỉnh, cơ cấu trái phiếu được giảm đi ở kỳ hạn ngắn và tăng lên mạnh ở kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn dưới 1 năm là 26 nghìn tỷ đồng (kế hoạch huy động đầu năm đặt ra là 40 nghìn tỷ đồng). Trái phiếu kỳ hạn 2 năm được điều chỉnh từ 55 nghìn tỷ đồng đầu năm về 34 nghìn tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 3 năm được điều chỉnh từ 65 nghìn tỷ về 61 nghìn tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm được điều chỉnh từ 67 nghìn tỷ đồng lên 80 nghìn tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm được đặt ra 10 nghìn tỷ đồng đầu năm nay tăng lên 41 nghìn tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 15 năm được tăng từ 5 nghìn tỷ đồng lên 20 nghìn tỷ đồng.

Sự thay đổi kế hoạch phát hành TPCP lần này được cho là khó hiểu. Đầu tiên, chỉ còn một tháng nữa là hết năm, cơ quan thực thi liệu có hoàn thành được kế hoạch nặng gánh hơn hay không?

Hơn nữa, không khí các phiên giao dịch của tháng 10 và 11 hết sức ảm đạm. Phiên giao dịch tuần thứ ba của tháng 10 chỉ bán được 36% tổng khối lượng trái phiếu chào thầu đối với các kỳ hạn 5 và 10 năm. Tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức đấu thầu trái phiếu ở kỳ hạn là 5 năm, 10 năm và 15 năm với tổng giá trị gọi thầu đạt 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng trúng thầu ở mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 473 tỷ đồng, với tỷ lệ trúng thầu bình quân đạt 13%, sụt giảm mạnh liên tiếp. Trong đó, tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 14%, tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 15 năm là 26%, riêng kỳ hạn 10 năm đã không có lượng vốn nào trúng thầu.

Gần 90% vốn đầu tư của các ngân hàng thương mại – khách hàng chủ yếu của TPCP - là vốn ngắn hạn (dưới một năm). Việc lấy vốn đó đi mua trái phiếu 2 - 3 năm đã là mạnh tay, không thể đánh đu với trái phiếu 5 hay 10 năm – loại đang được Kho bạc Nhà nước hướng đến và điều chỉnh tăng lượng phát hành - vì rủi ro kỳ hạn. Cứ cho rằng, rủi ro này có thể giải quyết nếu sau đó ngân hàng bán được trái phiếu với giá chấp nhận được để chốt lời. Nhưng ai cũng mua và ai cũng đem bán, thì bán cho ai? Bóc ngắn cắn dài như vậy chỉ càng khiến rủi ro của ngân hàng tới đỉnh mới. Do vậy, khách hàng chính của TPCP nhiều khả năng không mặn mà với kỳ hạn dài. Thêm vào đó, càng về cuối năm, các ngân hàng chuẩn bị phải tất toán sổ sách, nếu mua thêm trái phiếu thì sang năm sẽ phải lo việc bán bớt trái phiếu đi để đưa cơ cấu đầu tư về trạng thái cân bằng.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc phải phát hành thêm đến 25% TPCP so với kế hoạch đầu năm chắc chắn do thu ngân sách không đạt kế hoạch, có thể vì giá dầu giảm hay do doanh thu thuế không như dự báo.

Ts Phan Minh Ngọc, chuyên gia của Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore cho rằng, có 2 khả năng xảy ra khi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phải tăng kế hoạch phát hành. Một, con số bội chi ngân sách được ước tính ban đầu, 210.000 tỷ đồng, vẫn thấp hơn mức 5,3% của GDP ước tính cho 2014 nên Bộ Tài chính tận dụng room (giới hạn) cho phép còn lại để tăng thêm mức phát hành. Hai, GDP của Việt Nam trong năm 2014 có thể tăng cao hơn mức dự tính ban đầu, cũng làm tăng thêm room để phát hành thêm trái phiếu. Cả 2 khả năng này đều cho thấy Bộ Tài chính dường như không quan tâm đến việc tiết kiệm chi tiêu mà chú trọng hơn đến chuyện càng tăng chi được thì càng tốt (thông qua tăng phát hành trái phiếu).

Ts Phan Minh Ngọc cũng cho rằng, với tư cách là tay hòm chìa khóa của quốc gia, Bộ Tài chính lẽ ra càng phải tích cực khống chế thâm hụt cho dù nếu có tăng lên thì vẫn trong mức cho phép của Quốc hội khi thấy thâm hụt đã ở mức báo động. Và ít nhất, Bộ Tài chính cũng phải giải trình với Quốc hội lý do xác đáng để tăng phát hành trái phiếu ngay cả khi khối lượng phát hành được điều chỉnh lại vẫn nằm trong kế hoạch bội chi cho phép.

>>> Thị trường trái phiếu Việt Nam đang đi đúng hướng


Theo Tiểu Phong

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên