MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao khó hút vốn tín dụng đầu tư vào hạ tầng giao thông?

12-12-2014 - 11:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Tham gia tham luận tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức sáng nay (ngày 12/12/2014), Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ GTVT quản lý, các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ tới 135 nghìn tỷ (chiếm 89 % tổng mức đầu tư).  

Tuy  nhiên, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (khoảng 20-25 năm); 

Thứ hai, năng lực tài chính của nhiều Nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án, bên cạnh đó nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; 

Thứ ba, rất nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án;

Thứ tư, không ít các công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún… phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến dẫn đến Ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng…  

Được biết, theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 bình quân khoảng 202 nghìn tỷ/năm trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như quốc lộ 1 cần bình quân 22 nghìn tỷ đồng/năm; đường Hồ Chí Minh bình quân 27 nghìn tỷ đồng/năm... 

Do đó, các doanh nghiệp tham gia Hội thảo đều cho rằng việc huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông là rất cần thiết, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của ngành ngân hàng và đặc biệt nguồn vốn tín dụng từ các TCTD giữ vai trò hết sức quan trọng. 
Khánh Nhi

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên