MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao USD ngân hàng tăng mạnh?

06-06-2012 - 11:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Tháng 6 là thời điểm các doanh nghiệp phải thanh toán đối với các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu như xăng dầu, cùng với việc lãi suất VNĐ hạ khiến USD trở nên hấp dẫn hơn.

Những ngày vừa qua thị trường ngoại hối đã có những biến động khá mạnh. Ngày 31/5 tỷ giá mua vào – bán ra là 20.800 – 20.880 đồng/USD thì đến ngày 06/6 tỷ giá là 20.966 – 21.036 đồng/USD. Mức tăng sau 5 ngày giao dịch từ 150-170 đồng là biến động mạnh nhất trong suốt 3 tháng qua.

Nhiều suy đoán đã được đưa ra. Có người cho rằng chính biến động mạnh trên thị trường vàng thế giới tại cùng thời điểm là nguyên chủ yếu.  Giá vàng thế giới đã có bước nhảy vọt từ 1.554 USD/oz trong phiên ngày 31/05 lên 1.625 USD/oz khi chốt phiên ngày 01/06.

Sự biến động mạnh giá vàng quốc tế, sau đó là tỷ giá tăng khiến nhiều người liên tưởng lại thời điểm sốt vàng trước đây. Khi đó thị trường vàng chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều người đã trục lợi bằng việc thu gom USD để nhập lậu vàng, thu lợi từ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Theo tính toán của người viết thì giá vàng trong nước và quốc tế hiện chỉ chênh lệch từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng (đã tính thuế và phí liên quan) trong khi đó trước phiên giao dịch ngày 31/5 mức chênh lệch này 1,8 - 2 triệu/lượng. Có thể thấy lý do tỷ giá tăng bởi giá vàng quốc tế biến động thiếu cơ sở. Ngoài ra những biến động của tỷ giá cũng khác trước đây, khi mà tỷ giá giao dịch tại các điểm thu mua ngoại tệ được phép thấp hơn tỷ giá do ngân hàng niêm yết.

Cũng có lo ngại việc điều chỉnh tỷ giá trên thị trường có phải là tín hiệu đi trước điều chỉnh tỷ giá chính thức từ NHNN. Tuy nhiên với dự trữ ngoại hối tăng 30% kể từ đầu năm và cam kết của thống đốc giữ cho tỷ giá đến cuối năm không quá 2-3% thì suy đoán trên cũng không phù hợp.

Các ngân hàng lý giải, việc USD biến động những ngày gần đây không có gì bất thường mà chỉ là dựa trên cung cầu thực tế. Một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong khi đó bày tỏ: Hãy chú ý đến thời điểm biến động tỷ giá.

Tháng 6 là thời điểm các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thiết yếu như xăng dầu phải thanh toán theo định kỳ do vậy cầu USD trên thị trường tăng khá mạnh. Bên cạnh đó để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc các Tập đoàn bán ngoại tệ cho ngân hàng nên khi có nhu cầu các doanh nghiệp buộc phải mua gom trên thị trường.

Thanh toán của doanh nghiệp đều là ngoại tệ chuyển khoản nên các doanh nghiệp buộc phải thông qua ngân hàng để thu gom đủ số lượng, điều này làm cho ngoại tệ tiền mặt trên thị trường có giá thấp hơn ngoại tệ giao dịch của ngân hàng.

Theo ước tính của cán bộ giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội thì nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp khoảng 300 triệu USD cho thanh toán định kỳ này. “Bản thân ngân hàng cũng phải ước đoán trước biến động với thời điểm tương tự trong tương lai”- vị cán bộ này chia sẻ

Cùng với nhu cầu USD đột biến tăng thì lãi suất đồng Việt Nam đang trên xu hướng hạ cũng khiến cho USD thêm phần hấp dẫn. Một số doanh nghiệp có lượng VNĐ nhất định cũng có nhu cầu chuyển một phần vốn sang ngoại tệ khiến cầu USD càng tăng.

Như vậy tỷ giá biến động tuy bất thường nhưng chỉ mang tính thời vụ chứ không phải là xu hướng. Con sóng tỷ giá như một vài tổ chức nhận định có lẽ “vẫn còn ngoài khơi”.

Thanh Hải

tungns1

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên