MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ náo loạn ở kho cà phê Trường Ngân: Càng tranh chấp càng mất điểm

03-12-2014 - 16:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Những hành động giằng co quyền định đoạt tài sản đảm bảo của hàng loạt các TCTD lớn trong vụ việc của Công ty Trường Ngân đang làm xấu đi hình ảnh hệ thống NH trong mắt công chúng.

Cái giá của tăng trưởng nóng

Những ngày qua, việc 7 NHTM là Techcombank, VietinBank, Agribank, MaritimeBank, MB, VIB, OCB giành nhau quyền định đoạt kho cà phê của Công ty Trường Ngân (Bình Dương) một lần nữa lại diễn ra căng thẳng.

Tối 28/11, Agribank Chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP. Hồ Chí Minh) đã cho xe tải đến kho hàng của Công ty Trường Ngân để thu hồi tài sản mà công ty này đã thế chấp vay hàng chục tỷ đồng các năm trước. Việc thu hồi nợ của Agribank Lý Thường Kiệt được thực hiện dựa trên quyết định của Tòa án Nhân dân Quận 4, cho phép NH này được phát mãi số cà phê ở lô số 7 trong kho của Công ty Trường Ngân để thu hồi khoản nợ cả gốc lẫn lãi là 67,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện các NH khác có mặt tại hiện trường đều cản trở Agribank Lý Thường Kiệt phát mãi số tài sản trên. Bởi họ cho rằng số cà phê này cũng đã được DN thế chấp để vay vốn tại nhiều NH khác. Kết quả việc phát mãi của Agribank Lý Thường Kiệt không thực hiện được. Đây là lần thứ hai việc phát mãi kho hàng cà phê của Công ty Trường Ngân bị cản trở. Vụ việc tương tự lần trước xảy ra với OCB vào đầu tháng 12/2013. Khi đó, OCB cũng cho xe đến lấy cà phê để thu hồi khoản nợ 4,4 triệu USD thì bị các NH khác ngăn cản.

Nhìn lại lịch sử vụ việc cho thấy, chuyện tranh chấp kho hàng cà phê nói trên chỉ là hệ quả tất yếu của một chuỗi dài những sơ suất về nghiệp vụ trong hoạt động cho vay và quản lý nguồn vốn của các NHTM. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 2009-2011, khi các NH đều chạy đua tăng trưởng tín dụng mà lơi lỏng khâu quản lý rủi ro.

Rõ ràng không phải chỉ đến khi Công ty Trường Ngân rơi vào khó khăn, thua lỗ thì các NHTM cho DN này vay mới phát hiện có sự gian dối trong tài sản thế chấp. Đứng từ góc độ pháp lý, nếu kho hàng của DN Trường Ngân có đủ giá trị đảm bảo cho tất cả các khoản vay thì DN này hoàn toàn có thể chia nhỏ để thế chấp vay vốn từ nhiều NH. Trách nhiệm kiểm tra, thẩm định thuộc về các NHTM tham gia vay vốn. Tuy nhiên, trong những thời điểm 2009-2010 vì quá chủ quan và do động cơ chạy đua tăng trưởng tín dụng, nên các NHTM đã xem nhẹ khâu thẩm định tài sản, tạo điều kiện cho DN gian dối trong hồ sơ vay vốn.

Sau khi vụ việc vỡ lở, cơ quan công an đã phát hiện ra kho cà phê của DN Trường Ngân thực tế chỉ còn tổng cộng khoảng hơn 1.500 tấn. Như vậy, nếu so với thời điểm vay vốn của 7 NH (2009-2010) thì kho hàng cà phê nói trên hoặc không có hàng hóa thực hoặc không đảm bảo giá trị thế chấp bởi nếu dùng cà phê để thế chấp vay tới 600 tỷ đồng thì số cà phê nhân xô trong kho của DN phải ở mức 20.000 tấn vào thời điểm năm 2009.

Rõ ràng ở đây khâu thẩm định và quản lý tài sản đảm bảo của các NH hết sức lỏng lẻo. DN có thể đã gian dối trong hồ sơ vay vốn để dùng cùng một lượng hàng thế chấp nhiều nơi, DN có thể cũng đã âm thầm “rút ruột” kho hàng đã đem thế chấp mà các NHTM không hề hay biết.

Hội nghị chủ nợ, tại sao không?


Vụ việc tranh chấp kho cà phê nói trên tính đến thời điểm hiện nay đã kéo dài gần 2 năm nhưng chưa có cách giải quyết “thấu tình đạt lý” giữa quyền lợi của các bên có liên quan. Tuy nhiên, những hành động giằng co quyền định đoạt tài sản đảm bảo của hàng loạt các TCTD lớn trong vụ việc này đang làm xấu đi hình ảnh hệ thống NH trong mắt công chúng.

Thực tế cho thấy, hiện nay kho hàng của DN Trường Ngân chỉ còn khoảng 1.500 tấn cà phê nhân. Có nghĩa, nếu toàn bộ kho được phát mãi thì số tiền mà các NH thu hồi được cũng không đáng kể so với khoản nợ 600 tỷ đồng mà DN này đã vay. Chính vì thế, thay vì tranh chấp, giằng co với nhau, theo ý kiến của một số chuyên gia, các NH nên ngồi lại với nhau để thành lập hội nghị chủ nợ sau đó ra quyết nghị chủ nợ, để thanh lý tài sản chứ không nên để từng NH khởi kiện rồi lại tiếp tục tranh chấp kéo dài, khiến niềm tin đối với hệ thống NH bị giảm sút.

Vụ việc của DN Trường Ngân mặc dù chỉ là một trong những vụ tranh chấp giữa các NH liên quan đến phát mãi tài sản đảm bảo nhưng nó thể hiện rõ sự lỏng lẻo trong hoạt động nghiệp vụ của các NHTM, nhất là ở các khâu chủ động quản trị rủi ro và quản lý nhân sự. Xét một cách công bằng, nếu trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản thế chấp của DN mà cán bộ NH trực tiếp thực hiện không tắc trách, hoặc cố tình “phớt lờ” sai phạm thì hậu quả đã không đến mức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời điểm các NH chạy đua tăng trưởng tín dụng, áp lực doanh số đè nặng nên chuyện bất chấp rủi ro miễn là cho vay được vốn xảy ra phổ biến. Chính vì vậy, những thiếu sót và thiệt hại từ những khoản tín dụng này cần được các NHTM liên quan nhìn nhận như một trách nhiệm chung. Từ đó mới có thể chia sẻ, xử lý trách nhiệm các cá nhân một cách công bằng, hợp tình, hợp lý.

>>> Náo loạn vì các ngân hàng tranh nhau phát mãi tài sản


Theo Thạch Bình

hangnt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên