Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra sáng nay 24/6. Tham dự Hội nghị còn có các Phó Thống đốc, lãnh đạo các vụ, cục và đại diện các TCTD.
- 23-06-2015Tính đến 15/6/2015, VAMC đã duyệt mua hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu
- 18-06-2015Xử lý nợ xấu: Ngân hàng cũng khóc!
- 16-06-2015TP.HCM: Nợ xấu còn hơn 53.000 tỷ đồng
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, về cơ bản những định hướng của ngành Ngân hàng trong hoạt động của năm 2015 nói chung và 6 tháng đầu năm 2015 nói riêng đang đi đúng hướng.
“Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát sau 6 tháng chỉ trên dưới 0,5% so với đầu năm. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, lãi suất cho vay có chiều hướng giảm từ 0,3 - 0,5%; trong khi đó nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm là phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn từ mức 1-1,5%. Về vấn đề tỷ giá, giữ ổn định với mức điều chỉnh là 2% trong 6 tháng đầu năm, phù hợp với diễn biến, đòi hỏi của thị trường”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Về tăng trưởng tín dụng, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tính đến hết tháng 6/2015 đạt trên 6% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 13-15%, nếu trong trường hợp cần thiết tăng trưởng tín dụng có thể lên đến 17% nằm trong khả năng thực hiện được.
Đối với điều hành lãi suất, người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định: Những tháng cuối năm, kiên quyết giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay. Dù trong những ngày qua, lãi suất huy động của một số NHTM có tăng lên chút ít, nhưng điều này không đáng kể, ở mức độ nào đó có thể được xem là cần thiết. Vì trong thời gian vừa qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức khá thấp. Về mặt điều hành, NHNN cũng muốn lãi suất nâng lên một chút, giữ làm sao để lãi suất liên ngân hàng nằm giữa lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu NHNN. Nếu đạt được mục tiêu này sẽ đảm bảo được sự hài hoà trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần củng cố vị thế của đồng Việt Nam.
Về lãi suất cho vay, phấn đấu các kỳ hạn nói chung, nếu có điều kiện tiếp tục giảm thêm, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn, cố gắng giảm từ 1–1,5% (tính đến 6 tháng đầu năm giảm khoảng 0,5%). Đây cũng là nội dung cần tập trung chỉ đạo từ cấp NHTW đến các NHTM.
Về vấn đề tỷ giá, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chúng ta có nhiều áp lực trong thời gian qua, chủ yếu do nền kinh tế đã quay trở lại nhập siêu sau mấy năm xuất siêu. Tuy nhiên mức nhập siêu 6 tháng đầu năm chưa lớn, và theo dự báo, cán cân thanh toán tổng thể cả năm vẫn thặng dư, cỡ khoảng 3 – 5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, thâm hụt của cán cân thương mại cũng có ảnh hưởng, tác động cả trên thực tế và tâm lý gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, Thống đốc lưu ý, chính bởi cán cân thanh toán vẫn có thặng dư nên điều kiện ổn định tỷ giá là vẫn có, nhưng phải được thể hiện ở quyết tâm của cả những người làm chính sách cũng như người thực thi.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra 3 thông điệp để cả ngành Ngân hàng thực hiện trong 6 tháng cuối năm là: đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tiếp tục hoàn thiện thực hiện Đề án tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2011-2015; làm tốt công tác Quốc hội, công tác kết nối với cấp ủy chính quyền địa phương, công tác thông tin tuyên truyền.
Thứ nhất, về đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP thì VAMC là kênh rất quan trọng hỗ trợ các NHTM trong vấn đề xử lý nợ xấu.
Theo đó, các NHTM phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng và tích cực bán nợ cho VAMC. “Đến tháng 9 mà không đưa nợ xấu về dưới 3% là không được. Đây là nhiệm vụ chính trị của Ngành mà từ trước tới giờ chúng ta đã nói là chúng ta làm. Đã làm là làm được. Bây giờ chúng ta đã nói và đang làm rất quyết liệt”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thứ hai, đối với vấn đề tái cơ cấu các TCTD, mặc dù đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, song phải làm quyết liệt và phải hoàn thành bằng được mục tiêu đã đề ra. Theo đó, bản thân mỗi TCTD phải có phương án tái cơ cấu riêng của mình; những TCTD đang trong giai đoạn cơ cấu lại phải thấy rõ trách nhiệm của mình, phối hợp với cơ quan quản lý để làm cho tốt. Thống đốc cũng yêu cầu, các TCTD được chỉ định tham gia vào xử lý các TCTD, tái cơ cấu các TCTD khác phải tiếp tục thực hiện với tinh thần trách nhiệm và quyết liệt.
Cuối cùng, Thống đốc yêu cầu, hệ thống Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác Quốc hội, đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, gắn kết với cấp ủy chính quyền địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.