Ấn Độ sắp vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng GDP 7,8% trong tài khoá 2015-2016 và 8,2% tài khóa tiếp theo.
Trong báo cáo hàng năm về “Triển vọng phát triển châu Á” do chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Shang-Jin Wei công bố hôm 24/3, thái độ thân thiện đối với giới đầu tư của Chính phủ Ấn Độ, tình hình tài chính cải thiện, thâm hụt tài khoản vãng lai (CAD) được kiểm soát, tiến trình tháo gỡ “nút thắt cổ chai” trong cấu trúc kinh tế tiến triển… sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đưa Ấn Độ trở lại địa điểm thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo cũng cho rằng Ấn Độ sẽ là đầu tàu tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi ở châu Á, trong khi mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, ông Shang-Jin Wei cũng lưu ý mặc dù triển vọng kinh tế sáng sủa như vậy nhưng Ấn Độ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức về lạm phát.
Theo dự đoán của ADB, tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ sẽ khoảng 5% trong tài khóa 2015-2016, song có thể tăng lên 5,5% trong tài khoá tiếp theo.
Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) ngày 25/3 nhận định động lực cải cách và đà tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ có thể tạo nhiều cơ hội phát triển đối với các công ty hàng đầu của nước này.
Báo cáo đặc biệt, với tiêu đề “India Credit Spotlight,” của S&P viết: “Nhìn chung, chúng tôi tin Ấn Độ là một điểm sáng toàn cầu đối với đầu tư xét về góc độ rủi ro tín nhiệm. Tuy nhiên, nhiều công ty đang chờ đợi Chính phủ biến chính sách thành hành động trước khi đầu tư thêm. Chìa khóa đối với tăng trưởng của các công ty là liệu Chính phủ Ấn Độ có thể chuyển những hứa hẹn cải cách thành hành động cụ thể. Nếu Chính phủ Ấn Độ làm được, chúng tôi tin những công ty chủ chốt sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.”
Chính phủ mới tại Ấn Độ đã cam kết giải quyết một số vấn đề tồn tại lâu nay, vốn hạn chế tiềm năng phát triển kinh tế của nước này. Những điều kiện kinh tế thuận lợi và chính phủ trung ương mạnh hiện nay đã tạo lợi thế cho Ấn Độ theo đuổi tiến trình cải cách. Những sáng kiến như đấu giá khai thác than đá, đơn giản hóa cơ chế thuế, đẩy nhanh thủ tục cấp phép kinh doanh…đang góp phần thu hút đầu tư vào Ấn Độ. S&P đề nghị Chính phủ Ấn Độ cần biến kế hoạch thành hành động, phối hợp tốt hơn với các bang và tháo gỡ “nút thắt cổ chai” trong các lĩnh vực để thực hiện các chương trình cải cách hiệu quả.
Theo S&P, Chính phủ Ấn Độ có thể giảm một số cam kết cải cách do quan điểm khác biệt của các đảng đối lập và sự do dự của một số đảng đồng minh. Tuy nhiên, S&P lạc quan rằng tác động tích cực của tiến trình cải cách kinh tế tại Ấn Độ trong vài năm tới có thể cải thiện môi trường kinh tế và kinh doanh đối với các công ty Ấn Độ. /.
Theo Minh Lý