MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí mật tiền bạc của những người giàu nhất thế giới

31-03-2014 - 19:40 PM | Tài chính quốc tế

Trở thành triệu phú không phải là vấn đề phụ thuộc vào tiền bạc mà là vấn đề của tâm lý.

Giống như hầu hết mọi người, Steve Siebold muốn trở nên giàu có. Tuy nhiên, không giống như các sinh viên đại học khác, Siebold không muốn đợi chờ. 

Ông tiếp cận với một triệu phú, xin phỏng vấn và sau đó được giới thiệu tới một tỷ phú khác. Cho tới nay, Siebold đã phỏng vấn hơn 1.200 triệu phú và cả một vài tỷ phú. “Tôi đã nghiên cứu vấn đề này suốt 30 năm”, ông nói.

Giờ đây, Siebold quyết định chia sẻ những điều mà ông đã khám phá ra trong cuốn sách “How Rich People Think” (tạm dịch: Người giàu nghĩ gì?). Trong đó, khám phá lớn nhất của Siebold được tóm gọn trong một câu: “Trở thành triệu phú không phải là vấn đề phụ thuộc vào tiền bạc mà là vấn đề của tâm lý”.

Dưới đây là bài phỏng vấn Steve Siebold được phóng viên Colleen Oakley của Learnvest thực hiện. 

LearnVest: Ông có thực sự tin rằng bất kỳ ai cũng có thể trở nên giàu có? 

Steve Siebold: Tất nhiên là sẽ có những trường hợp ngoại lệ như có vấn đề về tinh thần hoặc các bệnh nghiêm trọng khác. Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ có thu nhập trung bình đều có thể trở nên giàu có.

Sau khi tiếp xúc với rất nhiều triệu phú và tỷ phú trong suốt 30 năm qua, tôi cho rằng họ không thông minh hơn những người khác. Họ chỉ là những người bình thường với khả năng tập trung xuất sắc. Họ đi tìm kiếm những lỗ hổng, những gì thị trường còn thiếu và sau đó lấp đầy chúng.

Nhưng có những người được sinh ra với tinh thần khởi nghiệp? Đây là điều mà người ta có thể học?

Có một số người có thiên hướng trở thành doanh nhân. Một nhân vật mà tôi phỏng vấn đã xây dựng công ty 900 triệu USD từ tay trắng, và dường như ông ấy có sẵn tố chất để thành công. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn cần chỉ là khát vọng.

Nếu khát vọng của bạn đủ mạnh, bạn có thể phát triển những kỹ năng cần thiết để trở thành một doanh nhân. Đó chính là mà hầu hết người Mỹ trở nên giàu có. 

Trong cuốn sách của mình, ông cho rằng tầng lớp trung lưu ở nước Mỹ chỉ tập trung vào tiết kiệm, trong khi giới nhà giàu thì tập trung vào kiếm tiền? 

Tiết kiệm đóng vai trò rất quan trọng. Trung bình, người Mỹ có thu nhập trung bình kiếm được 38.000 USD trong năm 2013. Nếu tôi kiếm được 38.000 và tiết kiệm 10%, tôi chỉ tiết kiệm được 3.800 USD/năm. Để trở thành triệu phú, tôi phải làm việc trong 300 năm. 

Tuy nhiên, người giàu sẽ tập trung vào kiếm tiền. Nếu bạn kiếm được 200.000 USD/năm và mỗi năm tiết kiệm được 20.000, mọi thứ sẽ khác. 

Vậy thì làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn?

Đó cũng chính là điểm mấu chốt của tinh thần khởi nghiệp. Bạn tìm kiếm những cơ hội kinh doanh nhỏ lẻ. Bạn không cần phải mở một cửa hàng McDonalds, nhưng bạn nên bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ cắt cỏ, dọn bể bơi trên quy mô nhỏ hoặc bán vài thứ trên eBay. Công nghệ mở ra rất nhiều cơ hội. Hãy nhớ rằng vấn đề không nằm ở tiền bạc mà nằm ở cách nghĩ của bạn. Người giàu tìm vấn đề để giải quyết và từ đó cải thiện các kỹ năng, niềm nhiệt huyết và khả năng giải quyết vấn đề.

Cuốn sách của ông có tới hơn 90 lời khuyên. Đâu là 3 lời khuyên mà ông cho là hữu ích nhất? 

Thứ nhất, hãy ở gần người giàu, không phải để làm ăn với họ mà để học tập cách suy nghĩ. Không nhất thiết phải sống trong những khu phố sang trọng tập trung nhiều người giàu. Bạn có thể đến những nơi mà người giàu hay lui tới như các buổi đấu giá từ thiện, hội thảo, câu lạc bộ đồng quê để nghe họ nói chuyện về tiền và cơ hội.

Thứ hai, tránh xa những người nói với bạn rằng ý tưởng kinh doanh của bạn không thể thành công bởi bạn không có đủ học vấn, tiền và tài năng. Tin vào những lời này sẽ khiến kế hoạch của bạn nhanh chóng bị dập tắt.

Cuối cùng, hãy khám phá những tài năng của bản thân cũng như cách sử dụng chúng. Hầu hết các triệu phú đều nói rằng đây là điều mà không phải ai cũng làm việc. 

Đâu là sai lầm phổ biến nhất mà những người muốn giàu có nhưng không thành công thường gặp phải?
Họ nghe lời khuyên về tiền bạc từ những người có thu nhập trung bình. Đây là điều hoàn toàn vô nghĩa. 

Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên