Biến đổi khí hậu đe dọa 1/3 GDP toàn cầu
Các nền kinh tế mới nổi sẽ là bộ phận phải chịu nhiều rủi ro nhất.
- 13-04-2012Vựa lúa châu Á đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu
- 26-10-2013Nhật rung chuyển bởi động đất 7,3 độ, có sóng thần
- 24-06-2013Ấn Độ: Lũ lụt nhấn chìm 5.000 người
Theo hãng tư vấn kiểm soát rủi ro Maplecroft, đến năm 2025, khoảng 1/3 GDP thế giới sẽ phải dựa vào các quốc gia có nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn hoặc cực lớn từ biến đổi khí hậu.
31% sản lượng kinh tế thế giới (ở mức 41.000 tỷ USD) sẽ được tạo ra ở các quốc gia được xếp hạng là phải chịu rủi ro lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Mức độ rủi ro được xác định theo chỉ số Climate Change Vulnerability Index của Maplecroft. Đây là chỉ số đo lường mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với nền kinh tế cũng như khả năng đương đầu với ảnh hưởng của các quốc gia trong 30 năm tới.
“Các sự kiện như cháy rừng, hạn hán và lũ lụt sẽ ảnh hưởng lớn đến dân số, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của các quốc gia. Nhiệt độ tăng lên, lượng mưa thay đổi và mực nước biển dâng lên là những hiện tượng có thể cảm nhận được trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến các đường bờ biển, thực vật và động vật, nông nghiệp và sức khỏe của con người”, Maplecroft nhận định.
Theo đó, các nền kinh tế mới nổi sẽ là bộ phận phải chịu nhiều rủi ro nhất. Maplecroft nhận định Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số thành phố ở các nền kinh tế phát triển cũng được đánh giá là dễ bị tổn thương, như Osaka của Nhật Bản và Sydney của Australia.
Báo cáo cũng cảnh báo nguồn nước, năng lượng và thực phẩm đang đước trước áp lực và sẽ ảnh hưởng đến con người cũng như hệ sinh thái. Do đó, các doanh nghiệp và chính phủ sẽ phải tìm kiếm giải pháp sử dụng nguồn nước và nguồn năng lượng một cách bền vững hơn.
Minh Anh