MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước thăng trầm của cựu CEO Apple John Sculley

15-09-2015 - 13:05 PM | Tài chính quốc tế

Ông John Sculley, 77 tuổi, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập OBI Worldphone – tân binh smartphone có thiết kế kiểu dáng như lai giữa iPhone và Lumia đang nhắm đến thị trường mới nổi, gồm có Việt Nam – được truyền thông nhấn mạnh với vai trò là cựu CEO Apple.

Nhắc tới Apple, có lẽ ai cũng nghĩ tới Steve Jobs hoặc Tim Cook, những người đã lèo lái công ty có logo hình quả táo lên tới đỉnh thành công. Tuy vậy, hãng này cũng đã từng có những vị thuyền trưởng khác mà sự đóng góp của họ, bằng cách này hay cách khác, đã không mang lại được nhiều như 2 cái tên nêu trên.

 

Câu nói đã thay đổi cả chính vận mệnh của Steve Jobs và John Sculley

Nhưng có một điều trái ngang là Sculley được chính Jobs... tuyển vào với lời dụ dỗ: "Anh có muốn bán nước đường suốt cả đời không? Hay là đi cùng với tôi để thay đổi cả thế giới?" (khi đó Sculley là CEO hãng nước giải khát Pepsi Cola).

Vậy Sculley là ai mà khiến Jobs cất công tuyển về để rồi sau đó chính ông phải "xách áo ra đi"? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

Khởi nghiệp từ PepsiCo

John Sculley trước hết là một doanh nhân. Và ông rất có tài, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư cũng như cố vấn các chiến dịch marketing, PR sản phẩm. Dấu ấn thành công của Sculley xuất hiện từ rất sớm. Sau khi lấy được bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) từ ĐH Pennsylvania, ông làm thực tập sinh tại một cơ sở của hãng PepsiCo vào 1967. Sự thành công này có lẽ phần nào đến từ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông - Ruth Sculley vốn là con gái riêng của chủ tịch PepsiCo, Donald Kendall. Song cả 2 đã ly dị vào cùng năm mà Sculley vào làm việc cho hãng nước giải khát nổi tiếng toàn cầu.

Sự cố hôn nhân dường như không ảnh hưởng lắm tới sự nghiệp của Sculley. 3 năm sau, ông được thăng lên chức phó chủ tịch của PepsiCo và là một trong những phó chủ tịch trẻ nhất của doanh nghiệp này. Từ đây, Sculley bắt đầu thế mạnh của mình. Ông bắt đầu những chiến dịch marketing và quảng cáo rầm rộ, nhằm hạ bệ Coca-Cola ra khỏi vị trí đứng đầu thị trường nước giải khát.

Marketing là vũ khí mạnh nhất của Sculley

Đến 1975, Sculley bắt đầu chiến dịch quảng cáo Pepsi Challenge. Theo đó tại những vị trí công cộng có nhiều người qua lại, các nhân viên của Pepsi sẽ lập ra một cái bàn trên đó để 2 chiếc cốc không dán nhãn chứa sản phẩm của cả Pepsi và Coca-Cola. Những người khách được mời sẽ nếm thử cả 2 cốc và nêu ra cốc mà họ thích hơn. Kết quả do Sculley thể hiện cho thấy người Mỹ có xu hướng chọn Pepsi hơn.

Mặc dù chiến dịch trên bị chỉ trích trầm trọng vì có tính thiên vị, nhưng nó đã giúp PepsiCo giành được thị phần đáng kể, nhất là ở bang Texas, nơi mà trước đó, thị phần của PepsiCo khá thấp. Bản thân Sculley cũng tham gia vào thử nghiệm nhưng ông đã chọn Coke (không rõ là "trung thực" hay "cố ý").

Đến 1981, chương trình trên mở rộng thành Pepsi Challenge Payoff. Cụ thể là khách hàng được khuyến khích thu thập nắp chai của Pepsi để ghép thành từ "challenge". Khi đó họ có thể đem đổi lấy giải thưởng lớn do PepsiCo trao tặng. Song Sculley đã thêm một "mánh" ở đây là cho ký tự "a" có số lượng rất thấp. Vì thế nên số người đoạt giải rất ít nhưng hiệu quả PR lại rất mạnh, doanh số và thị phần của PepsiCo nhảy vọt.

Đến 1977, Sculley trở thành chủ tịch và CEO trẻ nhất mà PepsiCo từng có.

Đến với Apple

Dựa trên những thành công trên, quá dễ hiểu lý do tại sao Steve Jobs lại mộ tuyển Sculley về làm việc chung với mình. Nhưng chính Jobs không ngờ là lần tuyển mộ này đã khiến ông mất đi chỗ ngồi ở công ty do chính mình sáng lập ra.

"Anh có muốn bán nước đường suốt cả đời không?", câu nói trên đã làm Sculley thay đổi suy nghĩ của mình. Thêm vào đó, ngay tại chính bản doanh của Apple, vị chủ tịch đương nhiệm là Mike Markkula, sắp nghỉ hưu, cũng tin rằng Jobs không có đủ tố chất để điều hành toàn bộ công ty. Jobs tuy có tài, nhưng trong mắt Markkula, ông thiếu tính kỷ luật và các tư chất khác để ra các đầu việc hàng ngày cho từng nhân viên, cũng như giám sát việc thực hiện chúng. Thông tin thêm, Markkula là vị CEO thứ hai của Apple cũng như là nhà tài trợ vốn cho công ty này khi Steve Jobs và Steve Wozniak cùng gõ cửa để kiếm nguồn lực cho việc sản xuất những sản phẩm đầu tiên của 2 người.

2 cựu CEO của Apple thời còn trai trẻ

Trong mắt Markkula, tính nghệ sỹ của Jobs và khả năng điều hành - quảng cáo của Sculley sẽ giúp cho Apple vận hành ổn định cũng như hướng đến thành công. Vì dù sao, nếu một doanh nghiệp không hoạt động ổn định, nguồn thu không đảm bảo thì không thể nào đạt tới thành công như hôm nay được.

Và Markkula (lẫn Jobs) đã đúng, ít nhất trong 3 năm đầu (1983 - 1985). Quan hệ giữa Jobs lẫn Sculley rất tốt. Trong khi Jobs nghĩ ra các sản phẩm mới thì Sculley tìm cách quảng cáo và bán được chúng. Thậm chí với sản phẩm đã lỗi thời như Apple II, Sculley vẫn xoay sở để bán được chúng trong khi có hàng loạt sản phẩm khác trên thị trường. Chiếc máy tính 6 năm tuổi vẫn tiếp tục "nuôi" Apple trong ngần ấy thời gian.

Nhưng sóng gió đã bắt đầu với những sản phẩm sau này. Trên thực tế không phải sản phẩm nào do Jobs chỉ đạo thực hiện cũng thành công. Máy tính Lisa là một thất bại về doanh số. Mặc dù được trang bị rất nhiều tính năng tiên tiến, nhưng giá thành tới 10.000 USD (tại thời điểm ra mắt, hoặc gần 24.000 USD của 2015) khiến cho rất ít người dám mua về.

Jobs, Sculley và Wozniak cùng ra mắt Apple II hồi 1984

Sau đó, Jobs bị đẩy qua nhóm dự án Macintosh (tiền thân của các máy Mac sau này) và chiếc Macintosh đầu tiên ra đời. So với Lisa, Macintosh bị cắt giảm đi nhiều tính năng song với giá "chỉ" 2.500 USD, nó nhận được sự đón nhận mạnh mẽ của thị trường. Đến nỗi về sau để giải quyết số máy Lisa tồn kho, Sculley và các đồng sự đã phải chơi trò bình mới rượu cũ bằng cách đổi tên chúng thành Macintosh XL. Nhưng do thiếu tính thân thiện vốn có của dòng máy Macintosh, những chiếc Lisa "cải trang" vẫn không được người dùng đón nhận.

Cuộc chiến quyền lực

Ngoài ra, dù Macintosh bán tốt, nhưng nó vẫn không vượt qua được IBM PC cùng các đối thủ khác. Phương pháp "nở hoa trong lòng địch" mà Sculley từng sử dụng khi cạnh tranh với Coca-Cola dường như không hiệu quả trên mặt trận PC. Hội đồng quản trị Apple đồng thời quyết định cắt giảm bớt những quyền lợi dành riêng cho nhóm phát triển sản phẩm của Jobs. Mọi dự án về sau đều bị đem ra đánh giá chặt chẽ về tính hữu dụng, khả năng đón nhận của thị trường cũng như giá thành có hợp lý hay không.

Đến lúc này, một cuộc chiến "ngầm" đã diễn ra giữa Jobs và Sculley. Trong khi Sculley có những kế hoạch kinh doanh rõ ràng và rạch ròi, Jobs (với đậm tính nghệ sỹ) lại rất "khó hiểu" với những cuộc họp kéo dài tới sáng, gửi đi những đoạn fax dài hàng chục trang và rồi lại gọi họp ngay vào sáng hôm sau. Hội đồng quản trị đã yêu cầu Sculley giới hạn lại quyền lực của Jobs vì họ không muốn công ty tiếp tục mất tiền vào những sản phẩm đắt đỏ và chưa được kiểm chứng. Sculley nói với Jobs: "Steve, nguồn tiền duy nhất cho công ty đến từ Apple II, và chúng ta không thể làm việc đó (làm ra những sản phẩm đắt đỏ và chưa được kiểm định)".

Jobs, lẽ tất nhiên, rất bực mình với sự kìm kẹp này. Và trong cơn bối rối cũng như không kiểm soát được tâm trạng, ông đã nảy ra một suy nghĩ khá điên rồ tại thời điểm ấy - lật đổ Sculley. Jobs tổ chức một "cuộc cách mạng" vào tháng 5/1985, khi muốn "cài" Jean-Louis Gassée, giám đốc Apple tại châu Âu, vào ghế của Sculley. Khôi hài thay, Gassée đã không theo ý Jobs mà còn báo cáo lại với Sculley. Vị giám đốc đang vận hành bộ máy bán hàng rất hiệu quả và được lòng hội đồng quản trị, đã tổ chức một buổi họp với các thành viên chủ chốt của công ty. Sculley yêu cầu uỷ ban hội đồng hôm đấy chọn ra 1 trong 2 người để tiếp tục điều hành Apple.

Hội đồng quản trị Apple đã quyết định giữ lại Sculley thay vì Jobs

Trong mắt các nhà đầu tư, dĩ nhiên ai đem lại tiền cho công ty sẽ được giữ lại. Và Jobs phải rời khỏi nơi do chính mình đã sáng lập ra hơn 9 năm trước. Ông bồi hồi kể lại câu chuyện khi phát biểu tại ĐH Stanford vào 2005: "Thứ từng là mục tiêu suốt thời trai trẻ của tôi đã biến mất. Điều đó thật sự tệ hại. Tôi đã không nhìn ra chuyện đó. Nhưng về sau tôi nhận ra việc bị đuổi khỏi Apple là điều tốt nhất đã từng xảy đến với mình". Dường như cú "shock" lớn nhất cuộc đời đã khiến Jobs thay đổi. Các sản phẩm của Apple này khi Jobs quay trở lại đã được điều nghiên kỹ càng hơn trước mỗi lần ra mắt.

Riêng về Sculley, tuy trở thành CEO Apple từ 1983, nhưng sau khi Jobs rời đi, mọi thứ ở đây mới do ông quyết định. Gassée sau đó, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng danh dự của công ty. Còn Sculley sau khi cấu trúc lại toàn bộ hoạt động, đã mang đến cho Apple một sắc thái mới.

Thành và bại

Những sản phẩm mới tiếp tục ra đời. Macintosh Portable, một chiếc máy tính di động sử dụng pin được công bố vào 1989. Song nó không thành công do khối lượng quá lớn và không thể xem như một chiếc laptop đúng nghĩa. Chưa kể với giá thành tới 6.500 USD, người dùng vẫn chọn những chiếc desktop để bàn với kích thước không lớn hơn là bao mà lại dễ sử dụng hơn.

Macintosh Portable còn có một nhược điểm khác là cục pin của nó đóng vai trò như một cầu nối điện AC với cỗ máy. Nếu nó không thể sạc được điện nữa, mạch AC cũng không thể dùng được và cỗ máy không thể khởi động. Cách duy nhất để khắc phục vấn đề là thay cục pin mới. Chiếc desktop-lai-laptop này bị tạp chí PC World đánh giá là một trong 17 sản phẩm công nghệ tệ nhất mọi thời đại.

Sau khi học được nhiều từ thất bại cay đắng của Macintosh Portable, Sculley đã rút kinh nghiệm và PowerBook ra đời. Một trong những chiếc laptop đúng nghĩa đầu tiên này trở thành cỗ máy đẻ ra tiền mới của Apple. Mãi cho tới 2006 khi bị MacBook thay thế, PowerBook là một trong những thành công của Sculley nói riêng và Apple nói chung. Tạp chí MacAddict còn nhận định khoảng thời gian 1989 - 1991 là "kỷ nguyên vàng đầu tiên" của Macintosh.

Đối thủ lớn nhất của Apple chính là Microsoft

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, thị trường không có riêng mỗi Apple. Áp lực cạnh tranh từ đế chế WinTel và nhất là sau khi bị Microsoft đe doạ sẽ ngưng phát triển tiếp Microsoft Office cho Macintosh nếu Apple không cho phép hãng khổng lồ phần mềm sử dụng giao diện đồ hoạ người dùng (GUI) trên sản phẩm của mình. Vụ việc này trở thành một trong những vụ kiện công nghệ lớn của lịch sử.

Apple tố cáo Windows của Microsoft có những yếu tố "nhìn và cảm nhận" tương tự Macintosh. Song toà án đã không đồng ý với nguyên đơn. Thêm vào đó, hãng Xerox cũng đồng thời cáo buộc phần GUI trên sản phẩm Apple giống với giao diện máy tính mà họ đã phát triển. Xerox lập luận rằng nếu Microsoft thua kiện với Apple thì người hưởng lợi phải là chính họ chứ không phải Apple.

Những năm về sau, toà án nghiêng về phía Microsoft và vụ kiện dần đi vào ngõ cụt. Sau cùng, Apple đành nhượng bộ Microsoft và ngưng việc kiện cáo. Ngược lại cả 2 bên cùng đi đến thoả thuận sử dụng bản quyền chéo của lẫn nhau. Microsoft đồng thời mua lại số cổ phiếu trị giá 150 triệu của Apple để "làm tin". Kết quả vụ việc có thể xem là một thất bại của Sculley trong việc bảo vệ bản quyền của Apple trước các đối thủ. Từ đây Macintosh mất hẳn yếu tố độc quyền về giao diện người dùng.

Tuy vậy Sculley cũng có chút đóng góp về mặt tầm nhìn. 1993, ông tung ra Apple Newton, một chiếc PDA (tương tự với smartphone, phablet hiện nay). Tuy vậy cũng giống như chiếc Tablet PC mà Bill Gates giới thiệu hồi 2001, Newton cũng "đi trước thời đại" quá sớm nên nó đã không thành công. Sự kém phổ biến của Internet lúc bấy giờ và mãi nhiều năm sau này khiến cho điện toán di động không thể cất cánh. Chúng gần như vô dụng vì không làm được gì nhiều như desktop và laptop.

Apple Newton, thất bại vì... đi trước thời đại

Song đó không phải là những thất bại lớn nhất của Sculley tại Apple. Dù sao, cỗ máy đẻ ra tiền cho công ty này tại thời điểm đấy là Macintosh. Những sản phẩm thử nghiệm thất bại vẫn không làm họ suy sụp nhiều. Sai lầm lớn nhất của Sculley vào lúc này chính là lựa chọn kiến trúc PowerPC cho những sản phẩm tương lai của hãng. PowerPC không phải là một kiến trúc tệ. Trên thực tế những con chip PowerPC vào những năm đầu thập niên 90 mạnh hơn các chip x86 của Intel khá nhiều. Nhiều thập kỷ trước, Macintosh được xem là biểu tượng của sức mạnh và được nhiều chuyên gia thiết kế sử dụng.

Đáng tiếc là IBM, nhà phát triển chính PowerPC, đã không bắt nhịp kịp với Intel. Việc Intel đầu tư mạnh vào nghiên cứu công nghệ bán dẫn đã khiến IBM bị bỏ xa trong việc thu nhỏ kích thước transistor và từ đó, mất dần tính cạnh tranh. Macintosh dần không còn duy trì được khoảng cách hiệu năng với Windows PC nữa.

Sự trỗi dậy của đế chế WinTel cũng là một lý do khiến PowerPC bị hắt hủi. Rất nhiều ứng dụng (phần mềm) được viết để chạy trên nền tảng Windows x86 hơn là Macintosh PowerPC. Thêm vào đó, chi phí sản xuất chip PowerPC cũng đắt đỏ hơn hẳn. Một trong những chuyện khôi hài nhất giới công nghệ là các chuyên gia của NASA đi lùng mua PlayStation 3 (dùng chip PowerPC) của Sony về để chạy ứng dụng vì chúng... rẻ hơn cả chip mà IBM bán trực tiếp (Sony bán chịu lỗ PlayStation 3 để cạnh tranh được với Xbox 360 của Microsoft). Nhưng Apple thì không thể mua chip "lẻ" như chuyên gia NASA được và Macintosh bắt đầu không phát sinh lợi nhuận như trước.

Báo cáo kinh doanh quý đầu 1993 của Apple trở nên tệ hại. Và cũng như với Jobs, hội đồng quản trị đã quyết định cho Sculley "rớt đài". Vị trí của ông được thay bởi Michael Spindler, COO của Apple lúc bấy giờ.

Hậu trường Apple sau Sculley

Song Spindler cũng không thể cứu vãn được tình hình, vì chính ông cũng là một phần của dự án PowerPC và một số dự án khác, trong đó có Copland - bản cập nhật hệ điều hành cho Macintosh. Copland về sau này được biết đến dưới cái tên Mac OS 8, phiên bản kế cuối của Mac OS 9. Mac OS 9 được xem là phiên bản "classic" cuối cùng hỗ trợ kiến trúc PowerPC. Sau này, Apple ra mắt OS X như một sự thay thế hoàn toàn Mac OS, vốn chủ yếu hỗ trợ kiến trúc x86, do Steve Jobs đặt nền móng phát triển.

Triều đại của Spindler cũng không tồn tại lâu. 1996, 3 năm sau khi ở ngôi CEO Apple, Spindler nhường lại ghế cho Gil Amelio. Amelio cũng là một nhân vật có tài, nổi tiếng nhất với vai trò CEO của National Semiconductor, từng làm việc ở Bell Labs, Fairchild Semiconductor và Rockwell International. Nhưng nhờ đó, ông nhận ra mình không thể thay đổi được tình hình. Trong buổi phỏng vấn hồi 2007, Jobs "nhại" lại lời Amelio tâm sự về lúc ấy: "Apple như con tàu đang bị lủng một lỗ ở đáy, bị tràn nước vào. Nhiệm vụ của tôi là đưa cho con tàu đi đúng hướng (tìm được chỗ sửa trước khi chìm)".

Công lao lớn nhất của Amelio có lẽ là việc mua lại hãng NeXT mà Steve Jobs lập ra sau khi bị đuổi khỏi công ty do mình sáng lập. Mục đích chính của phi vụ là nhằm sử dụng hệ điều hành NeXTSTEP như là một nền tảng để thay thế các phiên bản Mac OS "classic" vốn dựa trên BeOS và PowerPC. Tuy vậy Jobs nhận thấy đây là một cơ hội giành lại "những gì đã mất" và ông đã cùng các đồng sự cũ ở NeXT (đang làm việc cho Apple) âm thầm tổ chức một cuộc lật đổ.

NeXTSTEP là lý do Apple mời Jobs trở về

Trong Q2 1997, cổ phiếu của Apple tiếp tục suy thoái liên tục và chứng kiến một lần chạm đáy. Nguyên nhân của vụ việc về sau này được điều tra ra chính do Jobs thực hiện sau khi thực hiện lệnh bán đi một lúc tới 1,5 triệu cổ phần vào ngày 26/6 bởi một nhóm người vô danh. Apple mất đi 708 triệu USD sau phi vụ đó. Đến ngày 4/7 sau đó, Jobs đã thuyết phục được hội đồng quản trị "tống cổ" Amelio khỏi ghế CEO. Amelio đệ đơn từ chức 1 tuần sau đó và tới 16/9, Jobs được bổ nhiệm làm CEO lâm thời. Đến 2000, hội đồng quản trị chính thức đưa Jobs lên CEO vĩnh viễn (cho tới sau khi ông giao lại cho Tim Cook vào 2011).

Có tin cho biết Amelio đã được bồi thường 3,5 triệu USD theo điều khoản hợp đồng sau khi bị lật đổ, sau khoản tặng thưởng hiệu quả công việc 2,3 triệu USD vào 1996.

Bắt đầu từ đây, Apple trở lại với người đã sáng lập ra nó và Jobs đã khắc phục thành công lỗi làm mà Sculley đã quyết định từ hơn một thập kỷ trước. Đến 2006, Apple chính thức từ bỏ hỗ trợ kiến trúc PowerPC để chuyển hoàn toàn sang x86. Khẩu hiệu "Mac không phải là PC" đã không còn đúng nữa và khái niệm Macintosh mạnh mẽ hơn Windows PC trở thành dĩ vãng. Tuy vậy, nhờ việc cùng chạy trên chip x86 như Windows, giờ đây người dùng Mac có thể cài đặt thêm Windows nếu muốn hoặc người dùng Windows PC vẫn có thể sử dụng Mac dưới hình thức Hackintosh.

Ngoài ra, sau biến cố được coi là lớn nhất cuộc đời, Jobs dường như đã thay đổi ít nhiều và ông đã bớt theo đuổi những dự án thiếu thực tế. Các dự án của các CEO trước như Newton, Cyberdog và OpenDoc lần lượt bị loại bỏ. Giai đoạn trước khi Jobs trở thành CEO vĩnh viễn trở thành nỗi ám ảnh của khá nhiều nhân viên ở Apple. Đến nỗi khi ông bước vào thang máy và chuẩn bị gõ cửa phòng nào đó, họ "sợ rằng họ sẽ mất việc khi chiếc cửa được mở. Thực tế là số lượng các vụ 'thảm sát' rất ít, nhưng con số 'nạn nhân' nhiều tới mức có thể gây khiếp sợ toàn công ty".

Jobs từng một thời là nỗi kinh hoàng của nhân viên Apple

Ngoài ra, Jobs còn kết thúc việc cấp phép cho các hãng khác "nhái" Macintosh, vốn có từ thời Sculley. Tương tự chiến lược "nở hoa trong lòng địch" mà Sculley từng áp dụng khi PR PepsiCo, chương trình cấp phép "nhái" Macintosh tương tự như việc Microsoft cho phép cài đặt Windows lên mọi chiếc PC x86. Việc làm này chủ yếu nhằm gia tăng thị phần Macintosh vốn đã ít ỏi so với Windows. Nhưng trong mắt Jobs, việc để đối thủ được phép sản xuất Macintosh là không thể chấp nhận và vì vậy, chương trình trên đã bị kết thúc. Bên cạnh đó với việc chuyển qua nền tảng x86, việc sản xuất những chiếc Macintosh "nhái" (dựa trên PowerPC trở nên khó khăn hơn. Đến 2000, Apple thực sự trở thành Apple mà Jobs đã điều hành trước khi ra đi khoảng 15 năm trước.

Sculley cho đến nay

Sau khi từ giã Apple, Sculley gần như thay đổi hoàn toàn quan điểm kinh doanh của mình. Ông không chú trọng vào việc điều hành hoàn toàn một doanh nghiệp nào nữa, mà bắt đầu chuyển sang mô hình đầu tư - bán lại doanh nghiệp. Dường như nỗi "ám ảnh" về một sự cố lặp lại như PowerPC đã khiến Sculley không còn đủ tự tin để lèo lái mãi mãi một doanh nghiệp. Ông trở thành một nhà đầu tư/tư vấn viên cho các dự án khởi nghiệp (start-up).

Những công ty mà Scully đang có mặt hiện nay

Và kinh doanh có thành có bại. Một số dự án của Sculley thành công. Lấy ví dụ như MetroPCS, trước đây là General Wireless, là một nhà mạng di động, hiện nay đã được T-Mobile mua lại, đang có trị giá hàng tỷ USD trên sàn chứng khoán New York. Sculley cũng thành lập nên NFO Research từ số vốn 25 triệu USD ban đầu và công ty này hái ra 550 triệu USD, sau này ông bán nó lại cho IPG với giá 850 triệu USD. Song Sculley cũng vấp phải thất bại. Live Picture, một công ty tập trung cải thiện chất lượng hình ảnh trên mạng Internet có tốc độ thấp, do Sculley làm chủ tịch từ 1997, đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào 1999 và được MGI Software mua lại.

Số lượng các dự án kinh doanh mà Sculley tham gia lên đến con số hàng chục. 1998, ông gia nhập hội đồng quản trị của BuyComp LLC. 2 năm sau, cùng với Dennis M. Lynch, ông ra mắt Signature21. Đến 2001, cả 2 chuyển mô hình công ty sang hình thức mới. Vài tháng sau Lynch rời bỏ công ty, Sculley tiếp tục ở lại và tư vấn cho những doanh nghiệp khác. Sau khi tư vấn cho InPhonic (một công ty buôn bán điện thoại và mạng không dây), ông gia nhập hội đồng quản trị. Tới 2004, InPhonic tổ chức IPO thành công. Nhưng đến 2007, InPhonic lại đệ đơn xin phá sản.

Obi Worldphone liệu sẽ thành hay bại?

Hiện tại, Sculley đang nắm giữ vị trí tới 13 công ty. Trong đó có công ty mới nhất mà ông vừa thành lập hồi 2014, Obi Worldphone (trước đó là Obi Mobiles). Theo Sculley mô tả, Obi chỉ nhắm đến các thị trường mới trỗi dậy như Việt Nam chứ không cạnh tranh ở những thị trường đã trưởng thành và bão hoà như Mỹ hay EU.

Tuy vậy dưới phong cách kinh doanh gần đây của Sculley, rất khó để nói liệu Obi có thành công hay không. Và Obi liệu có phải là mối lưu tâm lâu dài của ông hay không. Sculley đã tài trợ hàng chục dự án startup, một số vẫn thành công và vẫn có lợi nhuận, nhưng nhiều số khác, như cách dân kinh doanh vẫn nói, "bỏ trứng vào nhiều rổ". Có trứng nở thành gà con, nhưng có trứng mãi mãi không nở.

Theo Huyền Thế

Ictnews

Trở lên trên