MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước OPEC "huynh đệ tương tàn" ở châu Á

23-10-2015 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Các nước trong khối vẫn sẽ cạnh tranh để giành thị phần châu Á, dù cả khối đang phải đối mặt với các nước không phải thành viên như Nga, Brazil và Mỹ.

Khối OPEC chiếm đến 40% tổng nguồn cung dầu thế giới. Tuy vẫn duy trì một khối thống nhất với mục tiêu đưa dầu đến thị trường toàn cầu, hiện nay mỗi nước đang có một giá riêng. Theo dự báo, năm nay, châu Á sẽ là thị trường có mức tiêu thụ dầu tăng trưởng mạnh nhất. Do đó, các nước OPEC sẽ cạnh tranh nhau tại thị trường này.

Các nước thuộc tổ chức OPEC thường đưa ra giá tương đương nhau, lên xuống cùng xu hướng. Tuy nhiên, hiện nay, Kuwait bán dầu rẻ hơn Saudi Arabia, Iraq bán giá rẻ hơn các nước xuất khẩu lớn trong khối, còn Qatar đang để giá dầu thấp nhất trong 27 tháng qua, nhằm cạnh tranh với sản phẩm từ UAE.

Các nước trong khối vẫn sẽ cạnh tranh để giành thị phần châu Á, dù cả khối đang phải đối mặt với các nước không phải thành viên như Nga, Brazil và Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm đến 34% tổng nhu cầu về dầu toàn thế giới trong năm 2015. Nếu năm sau nhu cầu dầu có tăng thì riêng Trung Quốc đã chiếm 25% của lượng tăng đó. Giá dầu giảm, Trung Quốc mua vào để tích trữ hàng.

Đầu năm 2014, giá dầu thô Blend từ Kuwait chỉ thấp hơn 40 xu/thùng so với sản phẩm cùng chất lượng từ Saudi Arabia. Khoảng cách này tăng lên mức 60 xu vào tháng 10 và tăng lên đến 65 xu/thùng vào tháng 11 năm nay.

Iraq cũng đang bán dầu Basrah Heavy rẻ hơn 3,7 USD/thùng so với dầu Arab Heavy của Arab Saudi. Đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng tháng 4, khi nước này bắt đầu quảng bá sản phẩm dầu này. Dầu thô Land của Qatar đang rẻ hơn 1,2 USD/thùng so với dầu Murban của UAE. Đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 6/2013. Tháng 5 vừa qua, mức chênh này mới chỉ là 40 xu.

Để có được mối quan hệ lâu dài với khách hàng, các thành viên OPEC, kể cả Arab Saudi cũng đang cạnh tranh gay gắt với nhau và với các nước ngoại khối.

Theo OPEC, nhờ việc Iraq tăng mạnh sản lượng nên lượng dầu thô của khối trong tháng 9 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua. OPEC quyết định nguyên sản lượng để đối phó với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ và cũng để đẩy các nhà cung cấp có chi phí cao hơn ra khỏi thị trường. Do đó, tháng 8/2015, giá dầu tuột dốc và chạm đến mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ - EIA, tháng 6/2015, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt 9,61 triệu thùng/ngày, mức kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Dưới tác động của chiến lược từ OPEC, tại Mỹ, số giàn khoan đang hoạt động giảm 50% so với cùng kỳ, sản lượng dầu thô giảm 500.000 thùng/ngày.

Thiệt hại đối với các nước thành viên OPEC phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ là không nhỏ. Theo dự báo của IMF, năm nay, thâm hụt ngân sách của Arab Saudi lên đển 20% GDP.

Mặc dù OPEC dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng trong năm tới, nguồn cung từ Iran, nước xuất khẩu dầu lớn thứ 5 trong khối cũng tăng. Nước này có thể tăng sản lượng lên đến 3,6 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Sản lượng dầu thô của Iran trong tháng 9 đạt 2,8 triệu thùng/ngày. Nguồn cung bổ sung từ Iran có thể áp đảo dầu chất lượng tương đương từ Arab Saudi, Iraq hay Nga.

Theo ông Ehsan Ul-Haq, chuyên gia tư vấn tại công ty KBC Advanced Technologies, nếu Iran tăng xuất khẩu dầu, nước này cũng sẽ cần điều chỉnh giá bán để cạnh tranh.

Thu Trang

Bloomberg

Trở lên trên