Châu Á: Cuộc chiến tranh tiền tệ đang cận kề
Đồng tiền mất giá, cắt giảm lãi suất, giảm tính cạnh tranh... là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tiền tệ ở châu Á đang cận kề, nhất là gần đây khi đồng Yên Nhật (JPY) sụt giá, đồng USD tăng giá khiến nền kinh tế Nhật Bản và khu vực mất dần tính cạnh tranh.
- 04-07-2015Viễn cảnh tồi tệ cho đồng tiền tệ nhất thế giới năm 2015
- 21-05-2015Các ngân hàng lớn thừa nhận thao túng thị trường tiền tệ thế giới
- 21-05-2015Đồng ruble bất ngờ trở thành "ngôi sao mới" trên thị trường tiền tệ
Làn sóng cắt giảm lãi suất
Theo hãng tin Anh Reuters, mọi sự khởi nguồn bằng việc đồng JPY giảm mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, kể từ phiên giao dịch hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong khi đó đồng USD lại tăng giá mạnh. Theo các chuyên gia ở hãng tư vấn Societe General thì chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chính là nguyên nhân làm đồng JPY tiếp tục suy yếu, đồng thời ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
Đồng Yên giảm, đồng USD tăng giá là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh tiền tệ châu Á mới
Theo hiệu ứng dây chuyền, khi đồng JPY giảm giá, các đồng tiền khác đã giảm theo để duy trì lợi thế cạnh tranh. Theo các chuyên gia tài chính Ấn Độ, do đồng tiền giảm giá nên tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia tỷ dân này giảm sút mạnh. So với các loại đồng tiền khác, đồng Rupee Ấn Độ được xem là có mức độ giảm sâu nhất tại châu Á so với đồng USD.
Ông Raghuram Rajan, Thống đốc Cục Dự trữ Ấn Độ cho hay, vay bằng đồng USD giống như chơi dao hai lưỡi, nhất là vay ngắn hạn bởi một khi USD tăng giá, ngay lập tức doanh nghiệp sẽ cần thêm đồng tiền nội địa để trả cho phần giá trị đồng USD tăng, nên lãi không đủ trả nợ.
Trong năm 2015, đồng Rupiah của Indonesia cũng giảm gần 8% còn đồng Ringgit Malaysia giảm tới 7% so với đồng USD. Kể từ tháng 5/2014, đồng Yên Nhật giảm tới 16% còn đồng Euro lại giảm sâu hơn tới 18% so với đồng USD, khiến giá cả các mặt hàng xuất khẩu của các quốc gia châu Á và các nền kinh tế mới nổi trở nên rẻ hơn, tính cạnh tranh yếu hơn.
Hiệu ứng USD tăng giá
Theo Reuters, về lý thuyết, các đồng tiền châu Á sẽ suy yếu bởi lạm phát của khu vực này vẫn đang ở mức cao so với hầu hết các đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về đồng tiền khu vực vẫn đang tồn tại những nét chấm phá chưa rõ nét và có phần trái ngược.
Ví dụ, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), trong tháng 4/2015, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã tăng cao 30% trong cán cân thương mại so với năm 2010 sau khi đã điều chỉnh lạm phát. Còn đồng won Hàn Quốc cũng đắt hơn tới 15% so với năm 2010 trong khi đó đồng JPY lại giảm giá tới 28%. Xuất khẩu của Hàn Quốc liên tục sụt giảm trong năm 2015, các hãng xuất khẩu của Trung Quốc cũng không còn là ngoại lệ, lợi nhuận cũng giảm theo.
Không chỉ có châu Á mới đứng bên bờ vực một cuộc chiến tiền tệ mà khu vực đồng Euro cũng không phải ngoại lệ, nhiều quốc gia khu vực cũng bắt đầu giảm giá đồng tiền như Na Uy hoặc cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đưa ra nhiều giải pháp, tiếp tục thực hiện chương trình mua lại trái phiếu.
Thậm chí Mỹ, nơi đồng USD tăng mức kỷ lục kể từ năm 2003 nhưng vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay và rất có thể phải đối đầu với cuộc chiến tiền tệ trong năm 2015 do nhiều tác động, kể cả chủ quan lẫn khách quan…
Theo các chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu tài chính Lombard Street Research (LSR) trụ sở ở London thì so với cơn bão tài chính 1997, cuộc chiến tiền tệ ở châu Á sắp tới có những nét tương đồng, cả 2 đều do đồng JPY suy yếu gây ra. Tuy nhiên, theo LSR, cuộc chiến lần này không khốc liệt như 1997.
Lý do, tình trạng lạm phát ít nghiêm trọng hơn, điều này ít bị tổn thương và dễ phục hồi hơn. Hơn nữa, các ngân hàng trung ương khu vực đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có sự chuẩn bị, sở hữu kho dự trữ ngoại tệ đủ để đối phó. Và một điều quan trọng khác, thị trường của khu vực ngày nay linh hoạt hơn nhiều, dòng vốn FDI ít biến động hơn so với cách đây 8 năm.
Các nước trong khu vực đã thu được những bài học quý báu nên có các chính sách hợp lý hơn, như chương trình QE khổng lồ tại Nhật Bản và châu Âu, hạ giá đồng nội tệ một cách từ từ.
Trong bối cảnh hiện đồng tiền châu Á đang có xu hướng giảm giá mạnh, người ta tiên đoán đồng tiền của khu vực có thể giảm giá mạnh hơn, các quốc gia trong khu vực có thể phải đối mặt với khó khăn kép, xuất khẩu ảm đạm, nền kinh tế giảm sức cạnh tranh. Sự mất giá của đồng NDT của Trung Quốc sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, bởi đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất của các quốc gia nói trên.
Vì vậy, mặc dù không ai muốn nhắc đến cuộc chiến tranh tiền tệ, thậm chí không coi là chính sách "thù địch", nhưng hầu hết các quốc gia không còn sự lựa chọn nào khác là bảo vệ khả năng cạnh tranh của chính quốc gia mình.
Thời báo ngân hàng