MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là con số khiến mọi nhà đầu tư trên TTCK Trung Quốc phải bận tâm

28-01-2016 - 14:34 PM | Tài chính quốc tế

Trong số tất cả các con số được sử dụng để miêu tả đà lao dốc của chứng khoán Trung Quốc, có một con số bắt đầu nhận được nhiều hơn sự chú ý của giới quan sát. Đó là số 2.500.

Theo Hao Hong, chuyên gia đến từ Bocom International Holdings và là một trong số ít các chuyên gia dự đoán đúng về TTCK Trung Quốc trong thời gian vừa qua, 2.500 điểm có thể là đáy của chỉ số Shanghai Composite. Ông nhận định khi xuống còn 2.500 điểm, chỉ số này sẽ lấy lại được sức hấp dẫn so với các loại trái phiếu Chính phủ.

Còn đối với quỹ đầu tư Shanghai Bingsheng Asset Management, đây là mức hối thúc Chính phủ ra tay giải cứu.

Tính theo mức 2.653,97 điểm của phiên hôm nay (28/1), Shanghai Composite sẽ phải giảm thêm gần 6% nữa và giảm tổng cộng 50% so với mức đỉnh cao nhất 7 năm được lập hồi tháng 6 năm ngoái.

“2.500 là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với các nhà đầu tư”, Li Jingyuan – tổng giám đốc của quỹ Shanghai Bingsheng Asset Management nói. Ông cho rằng không có nhiều dư địa để Shanghai Composite giảm sâu hơn nữa, và Chính phủ Trung Quốc sẽ phải can thiệp bởi nếu không thị trường sẽ chẳng còn chút niềm tin nào.

Mari Oshidari, chiến lược gia đến từ công ty chứng khoán Okasan (Tokyo), nhận định nếu Shanghai Composite xuống dưới 2.500 điểm, khả năng Chính phủ can thiệp sẽ tăng lên mặc dù điều đó cũng có nghĩa là thị trường sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa để trở về trạng thái bình thường.

Các nhà phân tích kỹ thuật cũng đưa ra những nhận định tương tự sau khi chạy thử các mô hình. Đường trung bình động 200 ngày và mức Fibonacci thoái lui đều đang ở ngưỡng trên 2.600 điểm.

Những nỗi lo lắng về dòng vốn tháo chạy và tốc độ tăng trưởng thấp nhất 25 năm đang là những nhân tố kéo chỉ số Shanghai Composite xuống các mức chưa từng thấy kể từ cuối năm 2014. Những biện pháp can thiệp của Chính phủ đã giúp kìm hãm đà giảm của thị trường dù chứng khoán Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào “thị trường con gấu” (tức thị trường sụt giảm liên tục, giảm hơn 20% trong một thời gian ngắn) và mức độ biến động liên tục tăng cao.

Những ngày đầu năm 2016, Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường toàn cầu chao đảo và khiến hơn 6.000 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường. Chứng khoán toàn cầu đang hướng tới tháng tồi tệ nhất trong 3,5 năm trở lại đây.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên