Hiểu thêm về "bài kiểm tra sức khỏe" của ECB
Các bài kiểm tra sức khỏe tài chính giúp phân biệt ngân hàng nào có thể đứng vững trước cơn bão khủng hoảng và ngân hàng nào sẽ bị quật ngã.
Các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân chạy trên máy chạy bộ để tìm hiểu xem tim của họ có thể chịu đựng áp lực lớn như thế nào. Hãy hình dung các nhà quản lý cũng làm điều tương tự với các ngân hàng. Các bài kiểm tra sức khỏe tài chính giúp phân biệt ngân hàng nào có thể đứng vững trước cơn bão khủng hoảng và ngân hàng nào sẽ bị quật ngã. Điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất tăng vọt hay các loại bất động sản mất 1/5 giá trị? Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng kinh tế rơi xuống mức âm và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt? Nếu tất cả các kịch bản này xảy ra cùng lúc, điều tồi tệ gì đang đón chờ kinh tế thế giới?
Các cuộc kiểm tra đánh giá sức khỏe của các ngân hàng đã trở thành một trụ cột quan trọng của hoạt động thanh tra ngành ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải lúc nào các cuộc kiểm tra này cũng đáng tin. Khi nhà đầu tư nghi ngờ rằng “đề thi” quá dễ dãi, thị trường sẽ xuất hiện tâm lý hoảng loạn, làm xói mòn niềm tin và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên các ngân hàng vốn đã yếu kém.
Theo kết quả được công bố hôm 26/10, 25 trong số 130 ngân hàng tham gia cuộc kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay của NHTW châu Âu (ECB) đã trượt bài kiểm tra này. Tổng cộng các ngân hàng còn thiếu số vốn 25 tỷ euro (tương đương 32 tỷ USD) với lỗ hổng lớn nhất nằm ở Italy. Trong số này một số ngân hàng đã bắt tay huy động vốn để bổ sung trong khi số còn lại phải ngay lập tức bổ sung vốn hoặc buộc phải đóng cửa trong 9 tháng tới.
Đợt kiểm tra này là một phần trong cuộc rà soát được ECB thực hiện nhằm chuẩn bị cho việc trở thành cơ quan duy nhất điều hành toàn bộ hệ thống ngân hàng của khối đồng tiền chung châu Âu gồm 18 nước. Con số mà các nhà quản lý hướng tới không phải là số ngân hàng “thi trượt” mà là con số cụ thể về các khoản nợ, khoản dự phòng nợ xấu và tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Châu Âu cần phải lấy lại niềm tin vào hệ thống ngân hàng, từ đó chấm dứt 2 năm tín dụng tăng trưởng ì ạch ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Lần đầu tiên một bài kiểm tra sức khỏe tương tự được thực hiện là vào tháng 5/2009, do Cục dự trữ liên bang Mỹ chủ trì. Và có lẽ đây cũng là bài kiểm tra hiệu quả nhất. Giữa thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, Fed loại ra 10 trong số 19 ngân hàng được kiểm tra, xác định tổng số vốn bị thiếu hụt lên tới 75 tỷ USD.
Ngay sau khi lỗ hổng này được lấp đầy, nhà đầu tư có được tâm lý hài lòng bởi sẽ không có điều ngạc nhiên nào nữa và an tâm rằng Fed đã lường trước được mức độ trầm trọng của vấn đề.
Năm 2010 và 2011, khi cuộc khủng hoảng nợ công khiến các ngân hàng nắm giữ trái phiếu chính phủ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha thua lỗ, châu Âu cũng thực hiện kiểm tra sức khỏe của các ngân hàng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là “điều gì sẽ xảy ra nếu một nước thuộc eurozone vỡ nợ?” lại không có trong bài kiểm tra này. Hai ngân hàng của Ireland vượt qua kỳ thi năm 2010 nhưng vẫn chính phủ giải cứu vào cuối năm đó. Ngân hàng của Bỉ Dexia cũng được xác định là khỏe mạnh năm 2011 nhưng 3 tháng sau đó lại sụp đổ.
Cơ quan quản lý điều chỉnh các bài kiểm tra sức khỏe của hệ thống ngân hàng để đảm bảo chắc chắn rằng chúng đủ nghiêm khắc để vực dậy niềm tin vào hệ thống ngân hàng nhưng sẽ không bóp nghẹt tăng trưởng tín dụng. Tính toán sai lầm theo bất kỳ chiều hướng nào cũng có thể xói mòn niềm tin hoặc tạo nên tâm lý hoảng loạn, cho rằng có quá nhiều ngân hàng sẽ sụp đổ.
Ở kịch bản xấu nhất, đây là một bài kiểm tra không đáng tin cậy và cũng không đem lại kết quả rõ ràng. Không thể đi vay, không thể cho vay, các ngân hàng có thể trở thành những “xác chết biết đi”. Thêm vào đó, danh tiếng của ECB cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thu Hương