Hồng Kông đón quốc khánh trong biểu tình
Lãnh đạo chiến dịch “Chiếm trung tâm” Chan Kin Man tuyên bố biểu tình sẽ tiếp tục lan rộng nếu chính quyền Hồng Kông phớt lờ họ.
- 02-10-2014Hồng Kông sau những đêm biểu tình
- 02-10-2014Người biểu tình bao vây Văn phòng Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông
- 01-10-2014Những điều chỉ có ở Hồng Kông
Hàng ngàn người tiếp tục xuống đường ở Hồng Kông trong ngày quốc khánh, khi thời hạn cuối mà nhóm biểu tình đặt ra để buộc Trung Quốc thay đổi quy định bầu cử đã qua.
Một đêm mưa bão không lung lay được tinh thần của họ.
Đêm 30-9, những người biểu tình đếm ngược đến thời khắc nửa đêm và reo hò khi hạn chót trôi qua. Nhưng họ không có hành động nào ngay sau đó, theo AP.
Lãnh đạo cứ nói, dân cứ la
Lãnh đạo Lương Chấn Anh vẫn từ chối gặp nhóm biểu tình và tham gia lễ thượng cờ kỷ niệm ngày quốc khánh sáng 1-10 tại cảng Victoria.
Trực thăng mang cờ Hồng Kông và Trung Quốc bay phía trên khu vực buổi lễ và bài phát biểu của ông Lương cũng không hề đề cập đến cuộc biểu tình.
“Tôi hi vọng tất cả thành phần xã hội sẽ hợp tác với chính phủ một cách hòa bình, hợp pháp, hợp lý và thực tế” - ông Lương nói trước khi bắt tay một số người ủng hộ.
Hôm qua, chính quyền Philippines cảnh báo lao động của nước này ở Hồng Kông tránh xa các cuộc biểu tình. Với lời lẽ nghiêm trọng hơn lãnh sự các nước khác, lãnh sự Philippines khuyến cáo công dân tránh để bị coi là một phần của biểu tình nhằm đảm bảo an toàn và cho biết mức phạt cho hành vi gây rối ở Hồng Kông là 5.000 HKD hoặc 12 tháng tù. Rất nhiều lao động Philippines đang làm người giúp việc tại Hồng Kông. |
Phía sau hàng rào cảnh sát, những người biểu tình la hét đòi ông từ chức và đồng loạt quay lưng lại khi buổi lễ bắt đầu.
Trước đó, ông Lương đã lên truyền hình yêu cầu người biểu tình giải tán ngay lập tức và bác bỏ yêu cầu ông từ chức.
Đến chiều 1-10, vẫn chưa xảy ra sự cố gì nhưng số người biểu tình bắt đầu tăng dần.
Người biểu tình lập các trạm tiếp tế nước, trái cây, áo mưa, mặt nạ... và xin lỗi mọi người vì các hoạt động biểu tình.
Reuters đưa tin nhiều công ty, ngân hàng đã chuyển nhân viên về các chi nhánh ở ngoại ô để tránh bị ảnh hưởng. Hơn 30 tuyến xe buýt bị tạm dừng trong khi gần 100 tuyến khác phải thay đổi lộ trình.
Lãnh đạo chiến dịch “Chiếm trung tâm” Chan Kin Man tuyên bố biểu tình sẽ tiếp tục lan rộng nếu chính quyền Hồng Kông phớt lờ họ.
Chan kêu gọi đám đông tập trung tại ba khu vực chính là Causeway Bay, Admiralty và Mong Kok nhằm đảm bảo đủ đông để không bị cảnh sát trấn áp.
Số người biểu tình dự kiến sẽ tăng mạnh trong hai ngày nghỉ lễ quốc khánh. Trong cuộc họp báo chiều 1-10, lãnh đạo cảnh sát Hui Chun Tak cho biết sẽ tiếp tục giám sát làn sóng biểu tình và kêu gọi họ bình tĩnh.
“Lựa chọn thật sự”
Hôm qua (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Washington và thảo luận về tình hình ở Hồng Kông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 1997 tại Hồng Kông sẽ nằm trong lịch trình thảo luận của hai lãnh đạo.
Bà Psaki nói thêm rằng cuộc gặp đã sắp xếp từ trước và cũng sẽ thảo luận các vấn đề khác của khu vực, thế giới. Chuyến đi của ông Vương nhằm chuẩn bị cho chuyến công du vào tháng sau của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ.
Ông Kerry dự kiến tuyên bố rằng tính hợp pháp của lãnh đạo Hồng Kông sẽ vững chắc hơn nếu người dân được quyền chọn ra lãnh đạo của mình. “Đây rõ ràng là quan điểm của chúng tôi” - Reuters dẫn lời bà Psaki.
Đáp lại đơn kiến nghị của hơn 200.000 người trên trang web kêu gọi Washington có phản ứng với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố ủng hộ bầu cử phổ thông ở đặc khu này để cử tri có được “lựa chọn thật sự” và hối thúc “chính quyền Hồng Kông kiềm chế và để người dân bày tỏ quan điểm một cách hòa bình”.
Trước đó, thượng nghị sĩ Robert Menendez, lãnh đạo Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại và hối thúc Bắc Kinh thực hiện lời hứa với người dân Hồng Kông.
Các quan chức quân sự Mỹ cũng cho biết họ đang theo dõi sát tình hình ở Hồng Kông và hi vọng chính quyền sẽ không trấn áp người biểu tình.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron thừa nhận London không thể làm được gì sau 17 năm trao trả Hồng Kông về với Trung Quốc. “Chúng tôi có thể phản đối nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm” - AFP dẫn lời ông Cameron.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc dân chủ ở Hồng Kông và hối thúc giới chức Trung Quốc và người biểu tình Hồng Kông giải quyết các bất đồng một cách hòa bình.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh các diễn biến ở Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và các lực lượng bên ngoài nên có hành động cẩn trọng, tránh can thiệp vào công việc nội bộ của nước này “dưới bất kỳ hình thức nào”.
Người Việt ở Hồng Kông: “Tôi thấy không quá căng thẳng” Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-10, anh Nguyễn Đông Hải - đang có mặt ở khu vực Causeway Bay, một trong ba điểm tập trung biểu tình - cho biết theo chứng kiến của anh, tình hình biểu tình không quá căng thẳng. Người tham gia đa số là giới trẻ, tập trung chủ yếu vào buổi tối, từ 21g trở đi họ mới đổ ra đường ở khu Causeway Bay tụ tập thành từng nhóm và rất trật tự. Từ ngày 29-9 đến nay cảnh sát chỉ chốt chặn ở những khu vực nhạy cảm. Tại các khu Wan Chai và các quận phía đông chủ yếu là người dân biểu tình, họ phong tỏa các con đường chính ở khu trung tâm Hong Kong nên giao thông rất khó khăn. Anh Hải cho biết đến khoảng 18g30 ngày 1-10 số người đổ ra đường biểu tình vẫn không đông lắm. Cảnh sát Hồng Kông cũng có mặt ở các khu biểu tình nhưng trong trạng thái bình thường, sự xuất hiện của họ nhằm đảm bảo người dân không “manh động” và biểu tình trong trật tự. |