Indonesia cần 30 năm để thoát bẫy thu nhập trung bình
Trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình năm 1960, mới chỉ có 13 nước thành công để trở thành nước có thu nhập cao.
- 30-09-2013Đồng nội tệ Indonesia có quý tồi tệ nhất kể từ 2008
- 24-09-2013Indonesia giữa ngã tư đường
- 27-06-2013"Giải mã" Indonesia
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) được công bố vào trung tuần tháng 12/2013, Indonesia - mặc dù được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình kể từ đầu những năm 1990, song có thể phải mất tới 30 năm để có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2042.
Trưởng ban châu Á Trung tâm Phát triển OECD, Kensuke Tanaka cho biết bẫy thu nhập trung bình chính là tình trạng một nước có thu nhập trung bình không vươn lên được nhóm có thu nhập cao, tăng trưởng đình trệ.
Theo tiêu chuẩn quốc tế thì một quốc gia được cho là đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu vẫn ở mức thu nhập trung bình 42 năm.
Như vậy, tốc độ phát triển của Indonesia sẽ chậm hơn rất nhiều so với các nước như Malaysia, dự kiến sẽ lọt vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2020, Trung Quốc (năm 2026) và Thái Lan (năm 2031), song nhanh hơn một số nước láng giềng châu Á khác như Philippines (năm 2051), Việt Nam (2058) và Ấn Độ (năm 2059).
OECD lưu ý rằng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, các nước đang phát triển phải thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của mình và phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, bởi trong số 113 nước thuộc nhóm này năm 1960, mới chỉ có 13 nước thành công để trở thành nước có thu nhập cao, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ireland.
Trong khi đó những nước như Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi hiện vẫn đang loay hoay trong bẫy.
Ông Kensuke Tanaka cho rằng Indonesia vẫn có thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình, khi mới chỉ được xếp vào nhóm nước thu nhập trung bình từ đầu những năm 1990 và có tiềm năng kinh tế cao do có tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào với dân số đông tới 250 triệu người hiện nay.
Về mặt nhân khẩu học, Indonesia đang chuẩn bị bước vào giai đoạn có cơ cấu dân số vàng 2020-2030 với tỷ lệ lao động trẻ tối ưu.
Tuy nhiên, theo quan chức này, việc nhảy từ nhóm thu nhập trung bình sang nhóm có thu nhập cao không hề dễ dàng đối với mọi quốc gia, bởi thực tế số lượng các quốc gia đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình lớn hơn rất nhiều số các quốc gia vươn lên được nhóm có thu nhập cao.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri cũng đã khẳng định rằng Indonesia - có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.170 USD/năm hiện nay, sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia tiên tiến nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình và mức lương lao động thấp.
Ông nhấn mạnh rằng để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Indonesia trước hết cần phải phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đổi mới công nghệ để tăng năng suất, con đường như Hàn Quốc đã thực hiện thành công trong 15 năm.
Bộ trưởng Chatib Basri cho biết thêm, Chính phủ Indonesia sẽ cung cấp một khoản trợ cấp thuế cho các công ty tiến hành nghiên cứu và phát triển để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đến những chính sách và biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và chênh lệnh thu nhập giữa các vùng trong cả nước, nhất là giữa thành thị và nông thôn.
Chia sẻ quan điểm với nhà lãnh đạo ngành tài chính Indonesia, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ và Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), Dody Budi Waluyo bổ sung thêm rằng Indonesia còn cần phải thực hiện cải cách cơ cấu để đẩy mạnh chương trình sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, cho dù cải cách cơ cấu sẽ là một quá trình lâu dài và không dễ dàng./.
Theo Việt Tú