MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng ở Hy Lạp: Khi các ngân hàng "chết"

07-07-2015 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc sống của người dân Hy Lạp đang bị đảo lộn nghiêm trọng vì hệ thống ngân hàng đã tê liệt trong hơn 1 tuần nay.

MARIANA không quan tâm đến ai là người chiến thắng sau cuộc trưng cầu dân ý. Người phụ nữ trẻ tuổi bán thuốc tại một khu nghèo đói thuộc Athens đang phải đối mặt với vấn đề ngay trước mắt: chỉ trong tuần vừa qua, quầy thuốc của cô nhanh chóng bị cháy hàng.

Hy Lạp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu dược phẩm và các dụng cụ y tế. Nhưng kể từ khi các biện pháp kiểm soát vốn được thiết lập từ chủ nhật tuần trước, các ngân hàng buộc phải đóng cửa và người dân không còn tiền để chi trả cho các giao dịch. Một vài nhà cung cấp dược phẩm đã phải ngưng hoạt động bởi vì họ không có tiền mua thuốc. Các hoạt động di chuyển tiền ra nước ngoài bị cấm dưới mọi hình thức. Với tình hình hiện nay, cô sẽ phải tiếp tục đối mặt với một tuần tồi tệ trong khi lượng insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường đang ngày cạn kiện.

Phía bệnh viện cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Họ đã tiêu đến tờ tiền dự trữ cuối cùng để chi trả cho các nhà cung cấp nước ngoài. Nhưng ngân hàng đóng cửa, tình hình càng tồi tệ hơn. Bác sĩ Athenian cho hay, “mọi thứ đã rất tồi tệ nhưng tuần vừa qua còn hơn thế, cứ đà này, tôi sẽ không thể sống nổi”. Bác sĩ giải thích rằng bệnh viện không còn khả năng nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt, như là stent dùng trong phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân suy tim và một số loại thuốc đặc biệt khác như là thuốc ung thư. Như vậy, mạng sống của nhiều bệnh nhân Hy Lạp đang bị de dọa.

Không những thế, nhiều tập đoàn dược phẩm đa quốc gia còn lạnh lùng đặt ra yêu cầu thanh toán trước. Đối với những bệnh viện chủ yếu dựa vào nguồn cung nước ngoài, tình trạng thiếu hụt không phải chỉ trong vài tuần, mà còn là vài tháng.

Nguồn thực phẩm ngắn hạn cũng đang ở trong mối đe dọa ngay trước mắt, không chỉ riêng siêu thị mà phía Hiệp hội thức ăn gia súc Hy Lạp cũng cảnh báo về lượng thức ăn chăn nuôi chỉ còn đủ trong vài ngày. Người nông dân Hy Lạp cũng gặp phải thảm cảnh như các nhà kinh doanh. Không có thức ăn chăn nuôi là một cú huých đau đớn không những vào một số ngành sản xuất cơ bản như trứng, phô mai mà còn vào chuỗi cung cấp thức ăn trong nước. Hy Lạp nhập khẩu hơn một nửa thực phẩm từ nước ngoài, ngân hàng đóng cửa nghĩa là chuỗi cung thực phẩm bị cắt đứt.

Một người bán thịt nói rằng, cô là một trong số ít những thương nhân trên con phố này sống sót sau khi ngân hàng đóng cửa. Có nhiều người đến đây và mua hàng tá thịt bò về dự trữ. Hầu hết thịt ở đây đều đến từ Ý và họ đã bắt đầu dùng hình thức thanh toán trước để giao dịch từ nhiều ngày qua.

Người dân Hy Lạp đang rủ nhau mua xăng và thực phẩm về dự trữ. Một cụ ông ôm một đống các hóa đơn €50 tại siêu thị Carrfour, lựa chọn cẩn thận 24 hộp sữa đặc, một túi lớn Nesquik, ba túi lớn spaghetti và ba túi đậu xanh khô. Một cô gái làm việc tại siêu thị cho biết rằng, số lượng người già đi mua đồ tích trữ nhiều hơn người trẻ vì họ hiểu quá khứ của Hy Lạp, thực phẩm luôn bị thiếu hụt sau mỗi đợt bầu cử.

Ngược lại với hình ảnh mua hàng tấp nập tại các cửa hàng thực phẩm và trạm xăng, mặt hàng không thiết yếu trở nên ế ẩm. Rất nhiều các công ty bị tổn thất nặng nề do người dân đều ngừng mua hàng không thiết yếu như quần áo, xì gà, café. Một bà chủ cửa hàng quần áo với vẻ mặt đau khổ nói rằng, bà đã phải huy toàn bộ đơn hàng. Dịch vụ taxi cũng trong hoàn cảnh tương tự vì hiện nay phần lớn phương tiện công cộng đều được miễn phí tại Athens trong tuần ngân hàng đóng cửa. Panagiotis, một người lao động tại cửa hàng Athiri gần trung tâm Athens cho hay, bình thường chúng tôi có 60 bàn vào tối cuối tuần, ngày vừa qua chúng tôi chỉ có tổng cộng 12 bàn và đều là khách du lịch.

Du lịch là trụ cột của nền kinh tế của Hy Lạp cũng đang bắt đầu phải chịu những tổn thất đầu tiên. Một tiếp viên tại khách sạn trung tâm Athens cho biết, có rất ít lượng khách đặt phòng mới. Theo hiệp hội du lịch Hy Lạp, trong ngành công nghiệp phụ trợ, lượng đặt trước đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến ngày 26/6. Nhưng sau 28/6 – ngày mà toàn bộ các ngân hàng đóng cửa – tỷ lệ này rớt 17% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tiếp 29% trong ngày tiếp theo và đến 30/6 đã giảm 30%.

Ông Vasilis Korkidis, chủ tịch Liên đoàn thương mại nói rằng, nền kinh tế đã chịu tổn thất 1,2 tỷ euro chỉ trong một tuần vừa qua. Mức tiêu thụ giảm 70%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn để cầm cự trong tình hình cung cầu đang hỗn loạn như hiện nay. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa.

Trong khi đó, tiền mặt dự trữ tại các ngân hàng Hy Lạp được dự đoán là sẽ hết ngay trong ngày 6/7. Một nhân viên ngân hàng Hy Lạp ủng hộ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp nói : “Nếu không có sự hỗ trợ từ châu Âu, nền kinh tế nước ta sẽ chết ngạt. Với một dòng vốn hỗ trợ từ châu Âu đồng thời duy trì kiểm soát vốn và hạn chế thanh toán là biện pháp khả thi cứu sống các nhà nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Nếu không, đất nước sẽ sụp đổ và chúng ta sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo ngay ở châu Âu”.

Một phiếu “yes” ngày hôm nay cũng sẽ không làm thay đổi tình hình. Cũng sẽ phải mất một thời gian cho Hy Lạp và chủ nợ để đạt đến một thỏa thuận toàn diện.

Marina mang ra một hộp 30 viên hormone tuyến giáp thay thế. Nhu cầu mỗi người cần cần nhiều hơn 2 hộp mỗi ngày nhưng hiện nay cô chỉ giới hạn mỗi người một hộp. Theo đó, thị trường chợ đen cũng bắt đầu mượn gió bẻ măng cung cấp đầy đủ các loại thuốc nhập ngoại khác nhau. Nhưng hầu hết người dân đều vẫn còn dè dặt vì họ không biết ngày mai sẽ mang đến điều gì.

Thảo Trang

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên