Kỳ tích của Tổng thống Philippines
Tổng thống Aquino đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển kinh tế, xã hội Philippines.
Năm 1987, khi 27 tuổi, Benigno “NoyNoy” Aquino đang ở Manila khi mẹ ông là cựu Tổng thống Corazon Aquino phải đối mặt với một cuộc đảo chính. Nhớ lại lời dặn dò sẽ chăm sóc mẹ và các em gái của người cha quá cố, ông vội vã tới Malacanang (cung điện Tổng thống). Ông cùng với 4 vệ sĩ bị phục kích, 3 người thiệt mạng và 1 người mất đi con mắt. Bản thân ông Aquino cho tới giờ vẫn còn đạn trong người.
Năm 2010, Aquino đắc cử Tổng thống. Trả lời phỏng vấn của The Economist, ông rút ra bài học từ sự kiện này: đừng hấp tấp trong hành động. Câu nói này cũng được đưa ra trong bối cảnh Philippines ở trong cuộc tranh chấp “nảy lửa” với Trung Quốc trên biển Đông. “Chịu trách nhiệm về tương lai của 98 triệu người dân”, ông phải “giữ bình tĩnh hết mức có thể”. Tuy nhiên, những người phê bình Aquino cho rằng ông quá lưỡng lự và không đủ quyết đoán.
Tuy nhiên, bài viết này muốn nhắc đến câu chuyện trong quá khứ của Tổng thống Philippines để nói về chuyển biến trong nền chính trị Philippines. Mẹ ông trở thành Tổng thống năm 1986, sau một cuộc cách mạng nhân dân. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra. Đến cuối năm 2001, một vị Tổng thống khác đã bị lật đổ theo cách trái với hiến pháp khi người dân xuống đường. Giờ đây, quân đội đang ở trong doanh trại và mặc dù chính trị Philippines vẫn khá ồn ào, không ai cho rằng Philippines sẽ giống với Thái Lan.
Những người chỉ trích Aquino thường so sánh ông với Rahul Gandhi, nhà chính trị gia của Ấn Độ có được vị trí nhờ vào “dòng dõi hoàng gia” chứ không phải năng lực bản thân. Cả hai người đều sinh ra trong gia đình chính trị và đều có cha bị ám sát. Do đó, không có gì khó hiểu khi cả hai có chung lối suy nghĩ và có cùng cách tiếp cận với chính trị. Tuy nhiên, không giống với Gandhi là người không mấy mặn mà với vị trí lãnh đạo đất nước, Aquino là người khao khát quyền lực.
Ông không thích đi du lịch nước ngoài, trên các bức tường trong văn phòng của ông có lịch đếm lùi ngày rời ghế Tổng thống. Aquino dường như đang vội vã hoàn thành công việc trước khi nghỉ hưu. Dẫu vậy, ông đã đạt được 3 thành tựu lớn trong suốt thời kỳ lãnh đạo Philippines.
Thành tựu đầu tiên là tăng trưởng kinh tế vượt bậc: 7,2% trong năm 2013 và thấp hơn một chút trong năm 2014. “Con rùa” của Đông Nam Á đã trở thành một “con thỏ” tinh ranh. Thậm chí, có dự báo cho rằng kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả Trung Quốc. Hệ thống tài chính ngân hàng của Philippines phát triển. “Đội quân” 10 triệu người lao động ở nước ngoài – tương đương 1/4 tổng lực lượng lao động – giúp nước này có dòng ngoại hối dồi dào. Trên hết, nền kinh tế Philippines đang bước vào điểm tối ưu về dân số nhờ tỷ lệ sinh giảm và một bộ phận lớn dân số đang trong độ tuổi lao động. Philippines sẽ để mất lợi thế này nếu như buộc phải gửi nhiều lao động ra nước ngoài hơn.
Ông Aquino có thể chỉ ra những cơ hội làm việc trong ngành thuê ngoài (outsourcing) và nhiều ngành khác để thu hút lao động Philippines quay trở về quê hương. Tuy nhiên, số lao động ở nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Đói nghèo không giảm nhanh như tốc độ mà người ta dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ mang lại.
Tổng thống Philippines tự hào về những gì mà chính phủ đã làm được cho người nghèo nhờ tăng chi tiêu vào giáo dục và y tế. 2.9 triệu người Philippines đã thoát khỏi nghèo đói. Philippines cũng đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, nhưng chính bản thân Aquino cũng thừa nhận một số con đường thậm chí được hứa hẹn từ những năm 1970 nhưng chưa được hoàn tất.
Hậu cần (logistics) vẫn là một trong những nỗi lo lắng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều người nói đùa rằng phương thức đầu tư công – tư (PPP) thực chất là viết tắt của các dự án “hậu PNoy”.
Thành tựu thứ hai của ông Aquino là giữ được hình ảnh khá trong sạch và mạnh tay trừng phạt tham nhũng. Tuy nhiên, các chiến dịch chống tham nhũng bị chậm lại vào năm ngoái. Nhiều người cho rằng ông muốn như vậy để giữ an toàn cho đảng của mình.
Ông Aquino cũng chấm dứt được tình trạng tranh chấp Hồi giáo đẫm máu trên đảo Mindanao. Ông có thể nói rằng “chỉ những người chiến thắng trong hiệp định hòa bình có thể được hưởng lợi từ tình trạng hỗn loạn”. Tuy nhiên, triển vọng hòa bình được hi vọng sẽ hỗ trợ cho toàn quốc gia.
Tổng thống Philippines cũng đã làm tốt hơn so với dự đoán. Tuy nhiên, ông cần phải biết rằng những cải cách sẽ không được chính phủ trong tương lai duy trì nếu như tình trạng tham nhũng tràn lan. Ông hi vọng các cử tri sẽ đối xử với chính trị như đối với một nhà hàng: có được bữa ăn ngon và tiếp tục quay lại.
Tuy nhiên, một trong những tham vọng của ông Aquino là thay đổi hệ thống chính trị, chính sách và hệ tư tưởng của Philippines – vẫn chưa đạt được. Ứng viên trong đảng của ông thậm chí không có nhiều tiềm năng kế thừa ông trong năm 2016.
Thu Hương