MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Myanmar sẽ là nước thu nhập trung bình vào 2030

20-08-2012 - 18:03 PM | Tài chính quốc tế

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm và trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030.

Mức thu nhập bình quân đầu người của Myanmar sẽ tăng gấp ba lần hiện tại và nước này sẽ trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030 nếu vượt qua được những thách thức phát triển đáng kể bằng cách tiếp tục các chương trình cải cách sâu rộng.

Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn thông cáo báo chí ngày 20/8 của ADB cho biết trong báo cáo “Myanmar trong thời kỳ chuyển đổi: Những cơ hội và thách thức,” ADB đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị cơ bản đầu tiên về tình hình Myanmar kể từ khi nước này tiến hành cải cách vào năm 2011.

Theo đó, Phó Chủ tịch ADB phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương Stephen Groff cho rằng với vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lực lượng lao động dồi dào, Myanmar có vị trí thuận lợi để phát triển thịnh vượng từ sự tăng trưởng năng động về kinh tế, đầu tư, du lịch và nhu cầu to lớn về năng lượng của châu Á. 

Myanmar có thể trở thành một “ngôi sao đang lên” tiếp theo tại châu lục này.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Myanmar “cần có một cam kết mạnh mẽ và lâu dài đối với công cuộc cải cách,” vượt qua những khó khăn thách thức đáng kể về kinh tế-xã hội.

Báo cáo nêu rõ hiện còn rất nhiều việc phải làm đối với quốc gia thành viên ASEAN này vì mới chỉ có 1/4 số dân Myanmar được sử dụng điện và 1/5 tổng chiều dài đường bộ đáp ứng các tiêu chuẩn thời tiết khác nhau. Mặc dù đời sống hơn một nửa số dân phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp, nhưng chỉ chưa tới 20% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu.

Myanmar cũng có thể phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tự do hóa kinh tế nếu quá trình này không được quản lý thận trọng, bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường,... cũng có thể làm trệch hướng tăng trưởng trong tương lai của Myanmar.

Từ tình hình và triển vọng nói trên, báo cáo nêu sự cần thiết phải có những nỗ lực phối hợp nhằm tăng tính minh bạch và cải thiện các dịch vụ công tại Myanmar; nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, bao gồm các biện pháp giữ mức lạm phát thấp (dưới 6%), đảm bảo ngân sách bền vững, khuyến khích tiết kiệm trong nước, đầu tư phát triển nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng.

Báo cáo của ADB cũng khuyến nghị để có thể phát huy hết tiềm năng của mình, Myanmar cần tập trung tăng cường kết nối hạ tầng điện, giao thông vận tải và dịch vụ viễn thông, hiện đại hóa khu vực tài chính đi liền với thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về việc làm./.

Theo TTXVN

huongnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên