Ngành công nghiệp xa xỉ phẩm: Đâu chỉ là túi xách!
Các đồ dùng cá nhân xa xỉ chỉ là một góc rất nhỏ của đế chế hàng xa xỉ. Ở cấp cao hơn, có thể tìm thấy công nghiệp xa xỉ ở các ngành từ y tế đến ngân hàng, mặc dù hầu hết các chuyên gia phân tích bỏ qua chúng.
- 12-03-2015Thị trường kinh doanh hàng xa xỉ tại Nga thiệt hại nặng do suy thoái kinh tế
- 26-01-2015Gạo Nhật Bản trở thành thực phẩm “xa xỉ” mới tại Trung Quốc
- 03-09-2014“Bí kíp” của đế chế hàng xa xỉ Hermès
Ở trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, bạn có thể quan sát được một vài điều đặc biệt vào buổi tối. Các cặp đôi thường tới đây chụp ảnh cưới, lấy nền là không gian sang trọng đậm chất phương Tây với các cửa kính sáng choang lộ ra những chiếc túi mang thương hiệu Salvatore Ferragamo, Louis Vuitton và Gucci đang được trưng bày.
Có rất ít cô dâu đủ khả năng mua những chiếc túi đắt tiền này. Một chú rể là công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung với bộ vest chỉ có giá khoảng 150 USD đang tươi cười bên cạnh người bạn đời của mình. Anh hi vọng một ngày nào đó sẽ trở thành khách hàng của trung tâm thương mại này. Còn bây giờ những chiếc túi chỉ xuất hiện trong các bức ảnh mà thôi.
Những chiếc túi hàng hiệu mang phong cách châu Âu xuất hiện ở Việt Nam – đất nước thuộc nhóm đang phát triển - không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Hàng trăm năm trước, những mặt hàng xa xỉ mà điển hình là lụa đã đi xa vạn dặm, và cả những nhà chế tác thủ công hiện đại cũng đã theo đuổi những vùng đất mới từ hơn 100 năm nay. Tại hội chợ Chicago năm 1893, Georges Vuitton, con trai của nhà sáng lập thương hiệu cao cấp Louis Vuitton, đã tạo ra một cuộc cách mạng khi cho ra mắt những chiếc vali vuông vức bằng vải bố, thay thế cho các loại rương, hòm bằng gỗ có nắp gồ lên, vốn rất phổ biến vào thời đó. Kể từ những năm 1960, Trung Đông là thị trường màu mỡ của Louis Vuitton. Đến năm 1970 các khách hàng Nhật Bản lại là nhóm tiêu thụ mạnh nhất. Ngày nay, cứ 2 trong số 5 người Nhật lại sở hữu một sản phẩm của Vuitton. Còn ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhất.
Không chỉ bành trướng về địa lý, thị trường hàng hóa xa xỉ còn mở rộng phạm vi theo các cấp bậc thu nhập trong xã hội. Khi Coco Chanel tạo ra chai nước hoa số 5 trong những năm 1920, bà hướng đến những khách hàng giàu có nhất. Tuy nhiên, trong thập kỷ tiếp theo, bà lại bán chúng trong những chai nhỏ hơn để nhiều người có thể mua được.
Trong những năm 1970, bộ sưu tập trang sức “Les Must” của Cartier cũng hướng đến các khách hàng chỉ có thể ao ước về những chiếc vòng cổ Panthère và đồng hồ Tank mà thôi. Rất nhiều thương hiệu cao cấp khác đã làm theo Cartier với hi vọng tăng cường sự hấp dẫn nhưng vẫn giữ được bản sắc. Tất nhiên không phải hãng nào cũng thành công.
Trong 20 năm qua, lượng khách hàng tiêu thụ hàng hóa xa xỉ trên toàn thế giới đã tăng gấp 3, lên 330 triệu người (theo số liệu của công ty tư vấn Bain & Company). Số tiền bỏ ra để mua trang sức, đồng hồ, quần áo, túi xách đắt tiền và những thứ tương tự đã tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP. Hầu hết trong số các khách hàng mới đến từ những quốc gia không hẳn giàu có (với thu nhập tối đa chỉ ở mức 188.000 USD). Cổ phiếu của các công ty thuộc ngành này cũng tăng trưởng vượt trội so với các công ty khác.
Sự hào hứng của người tiêu dùng cũng tạo ra các tỷ phú với tốc độ mà thung lũng Silicon cũng phải ghen tỵ, đặc biệt là trong hàng ngũ các cổ đông của những tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đó là Bernard Arnault, tỷ phú người Pháp kiểm soát LVMH – công ty sở hữu Louis Vuitton, Moët & Chandon (thương hiệu rượu) cùng một loạt các thương hiệu khác. Bên cạnh đó là François-Henri Pinault, ông chủ của tập đoàn Kering sở hữu Gucci. Tập đoàn Swatch của Nick Hayek và Richemont (sở hữu thương hiệu Cartier) của Johann Rupert là những ông lớn trên thị trường đồng hồ và trang sức.
Tuy nhiên, các đồ dùng cá nhân xa xỉ chỉ là một góc rất nhỏ của đế chế hàng xa xỉ. Ở cấp cao hơn, có thể tìm thấy công nghiệp xa xỉ ở các ngành từ y tế đến ngân hàng, mặc dù hầu hết các chuyên gia phân tích bỏ qua chúng. Sử dụng quan điểm của chính người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, tập đoàn tư vấn BCG thống kê có khoảng 1.800 tỷ USD được chi cho ngành này trong năm 2012. Mảng lớn nhất là du lịch, sau đó mới là xe hơi và đồ dùng cá nhân. Hãng tư vấn Bain thì đưa ra con số nhỏ hơn. Tuy nhiên, ranh giới phân chia vẫn chưa rõ nét và còn gây ra nhiều tranh cãi.
Do đó chùm bài viết này sẽ tập trung vào các đồ dùng cá nhân, mảng đang đối mặt với nhiệm vụ rất khó khăn là làm sao để vừa duy trì gốc rễ đậm tính nghệ thuật vừa có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Những chiếc xe siêu sang đắt tiền chỉ giúp ông chủ của nó tạo ra vẻ hào nhoáng, và trên toàn cầu chỉ có 14.000 người có thể mua được những chiếc du thuyền thực sự lớn. Dẫu vậy, các bài viết vẫn sẽ tính đến các mảng có tốc độ tăng trưởng vượt trội như khách sạn và rượu.