MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Nhật ... biến mất

12-01-2014 - 23:41 PM | Tài chính quốc tế

Dựa vào những ước tính về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh, người ta dự đoán đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm 30 triệu người so với năm 2010.

Năm 2013, dân số của Nhật Bản giảm 244.000 người, đánh dấu năm giảm thứ 7 liên tiếp và cũng là năm giảm mạnh nhất kể từ trước đến nay. Dựa vào những ước tính về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh, người ta dự đoán đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm 30 triệu người so với năm 2010. Dự đoán bi quan nhất còn cho rằng dân số nước này sẽ giảm 37 triệu người.


Không thể chắc chắn về những tác động đến nền kinh tế và chính trị mà sự thay đổi này mang lại. Tuy nhiên, dưới góc độ tài chính, bài viết muốn tập trung vào khía cạnh lương hưu. Quỹ lương hưu là xác nhận về thu nhập của người lao động trong tương lai. Số người lao động giảm xuống có nghĩa là quỹ lương hưu cũng bị thu hẹp. Kết quả dễ nhận thấy nhất là tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên. Số liệu từ OECD cho thấy, mặc dù độ tuổi nghỉ hưu chính thức là 65 tuổi, trung bình nam giới Nhật Bản sẽ nghỉ hưu ở tuổi 69. Nếu tiền lương hưu của bạn quá ít ỏi, chắc chắn bạn buộc phải tiếp tục làm việc. 

Tuy nhiên, có nhiều thứ hơn lương hưu. Các nước đang trải qua một thời kỳ dài chứng kiến dân số tăng lên là điều hết sức bình thường. Tất nhiên, các cuộc chiến tranh thế giới khiến xu hướng này bị gián đoạn. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh sẽ tăng trở lại khi chiến tranh kết thúc. Dân số của Pháp giảm khoảng 2,5 triệu người trong chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng đến năm 1931 đã quay trở lại gần mức của năm 1914. Tăng trưởng dân số của Pháp có thể duy trì tốc độ chậm chạp tới năm 1945, nhưng chỉ là trì trệ chứ không phải suy giảm. 

Quay trở lại thời kỳ Cách mạng công nghiệp, dân số thế giới cũng biến động mạnh hơn hiện nay, đặc biệt là khi rơi vào bẫy Malthusian – dân số tăng khiến các nước thiếu nguồn cung thực phẩm và rơi vào tình trạng thu nhập thấp mãi mãi. Các nhà sử học sẽ tranh luận tại sao cách mạng công nghiệp xảy ra. Tuy nhiên, rõ ràng là cách mạng sẽ không xảy ra nếu như năng suất lao động không tăng lên, giải phóng người lao động khỏi nông nghiệp và chuyển họ đến ngành công nghiệp, đảm bảo dân số tăng lên có đủ lương thực thực phẩm.

Tăng trưởng dân số đóng góp khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế từ năm 1700 đến 2012, theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Thomas Piketty đến từ ĐH Kinh tế Paris. Tất nhiên, các nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng khi dân số giảm xuống (như Nhật Bản đã làm trong suốt nhiều năm qua) bởi các cá nhân vẫn giàu có.

Tuy nhiên, những điểm bất lợi dần xuất hiện. Hầu hết các hệ thống an sinh xã hội hoạt động theo nguyên tắc thực tế, nghĩa là ngày nay bạn trả tiền cho những người đang hưởng tiền lương hưu và các người thụ hưởng khác. Tiền mà thế hệ trẻ đóng sẽ dùng để trả tiền lương hưu khi bạn về hưu. Hệ thống này chỉ hoạt động tốt khi có nhiều người nộp tiền hơn người lĩnh tiền. Dân số giảm khiến cơ chế bị phá vỡ. 

Số dân tăng lên cũng có mối liên hệ với giá nhà cao hơn. Tuy nhiên, ở đất nước mà dân số đang giảm xuống, giá bất động sản sẽ diễn biến theo chiều ngược lại. Liệu dân số giảm có làm thay đổi tâm lý của những người tiết kiệm nhỏ lẻ coi căn nhà là số tiền dự trữ? Hoặc xu hướng này có khiến người ta không còn thích đi thuê nhà nữa hay không?

Tương tự đối với nợ. Thông thường, các khoản nợ được cố định. Nếu dân số và GDP suy giảm, tỷ lệ nợ/đầu người và nợ/GDP cũng tăng lên. Điều này sẽ khiến mọi người lưỡng lự không muốn vay thêm. Tuy nhiên, suy luận trên không rõ ràng đối với trường hợp nền kinh tế hoạt động tốt mà không cần tăng nợ. 

Tiếp theo là vấn đề tiền lương. Quay trở lại thời kỳ cái chết đen (Black Death), khi dân số giảm với tốc độ tương tự như của Nhật Bản (thậm chí là giảm mạnh hơn), hệ lụy đi kèm là thiếu hụt lao động và các chủ sử dụng lao động buộc phải tăng lương. Có thể đây là kết quả của nhiều năm giảm lương và tỷ lệ lợi nhuận đóng góp vào GDP tăng lên? Tuy nhiên, cần nhớ rằng dân số tăng nhanh sẽ giúp giảm bất bình đẳng và ngược lại. 

Một số nước (như Mỹ và Anh) có triển vọng dân số sáng sủa hơn nhiều so với Nhật Bản với một phần nguyên nhân là do người nhập cư. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng lớn đến chính trị và cũng là nguyên nhân khiến các cử tri giận dữ. Nhật Bản vẫn đắn đo khi tiếp nhận người nhập cư. 

Những vấn đề trên sẽ là chủ đề được bàn luận kinh tế và chính trị được bàn luận sôi nổi trong một vài thập kỷ tới. Và, lãnh đạo các nước (không riêng gì Nhật Bản) nên để tâm tới chúng. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên