MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ khủng hoảng vì siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa

02-10-2015 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Giá hàng hóa sụt giảm là một thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định kinh tế và chính trị tại các nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), năm 2013, có tới hơn 60% doanh thu xuất khẩu của 94 nước đang phát triển phụ thuộc vào các loại hàng hóa cơ bản. Trong đó 63 nền kinh tế đang phát triển được coi là “vô cùng phụ thuộc vào hàng hóa” với hàng hóa chiếm hơn 80% doanh thu xuất khẩu.

Hầu hết các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa đều dựa vào xuất khẩu các nguyên vật liệu thô. Hoạt động này đóng góp hơn 20% sản lượng của toàn bộ nền kinh tế. Trong một số trường hợp con số còn tăng lên mức hơn 50%.

Trong những năm bùng nổ, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển đã tăng từ 2.000 tỷ đô la Mỹ trong năm 2009/10 lên đến 3.200 tỷ đô la Mỹ trong năm 2012/13. Nguyên nhân chủ yếu là do giá tăng cao hơn và điều này cũng có nghĩa là doanh thu xuất khẩu đứng trước nhiều rủi ro.

Ví dụ, doanh thu xuất khẩu dầu của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng từ 123 tỷ USD trong năm 1994 và 375 tỷ USD trong năm 2004 lên mức đỉnh 1.200 tỷ USD trong năm 2012. Con số nhanh chóng sụt giảm xuống còn 965 tỷ trong năm 2014 và thậm chí sẽ giảm mạnh hơn trong năm 2015, khi những tác động từ giá dầu lao dốc rõ ràng hơn.

Siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa

Các nước đang phát triển luôn luôn đối mặt với mức biến động cao bất thường trong kim ngạch và sản lượng xuất khẩu. Nghiên cứu biến động giá của một loạt nhiên liệu, nông sản và kim loại kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, nhà nghiên cứu David Jacks đã xác định được bốn siêu chu kỳ giá hàng hóa kể từ năm 1900.

Theo đó, trong một siêu chu kỳ điển hình, giá cả tăng 20 - 50% trong khoảng 10-20 năm trước khi bắt đầu suy giảm. Toàn bộ chu kỳ thường được hoàn thành trong vòng chưa đầy 40 năm.

Theo Jacks, bốn siêu chu kỳ hàng hóa đạt đỉnh điểm trong những năm 1910, 1950, 1970 và gần đây nhất là 2010.

Các đợt đổ vỡ trong những năm 1930, 1960 và 1980/1990 cho thấy các nước phụ thuộc vào hàng hóa phải trải qua thời kỳ cực kỳ khó khăn. Vỡ nợ và bất ổn chính trị kinh tế là những đặc trưng thường thấy.

Các siêu chu kỳ trước đó có liên quan đến công nghiệp hóa và đô thị hóa của Mỹ vào cuối thế kỷ 19, hai cuộc chiến tranh thế giới, và việc tái thiết châu Âu và Nhật Bản vào giữa thế kỷ 20. Siêu chu kỳ gần đây nhất xuất phát từ tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc sau khi cải cách và mở cửa trong những năm 1980.

Đây là khởi đầu của sự kết thúc?

Tháng 3/2013, Jacks quan sát thấy 15 trong số 30 hàng hóa mà ông đã nghiên cứu từ những năm đầu thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện xu hướng tăng giá so với thời kỳ 1994 - 1999.

Ông đưa ra kết luận mà sau này đã trở thành hiện thực: “bằng chứng lịch sử tích lũy trên các siêu chu kỳ cho thấy siêu chu kỳ hiện tại có thể đang ở đỉnh cao và do đó đang tiến gần đến điểm khởi đầu của sự kết thúc”.

Các chu kỳ giá hàng hóa có liên quan đến những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Siêu chu kỳ lớn cuối cùng bắt đầu từ những năm 1960, đạt đỉnh điểm vào những năm 1970 và sụp đổ vào những năm 1980. Nó đã góp phần gây nên tình trạng các nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả và kéo theo cả bất ổn chính trị tại các nước sản xuất hàng hóa trong những năm 1980 và 1990.

Làn sóng vỡ nợ càn quét qua châu Mỹ Latinh, Liên Xô sụp đổ và áp lực tài chính và chính trị đè nặng nhiều nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông trong những năm 1980 và 1990 được cho là đều có nguyên nhân từ sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Những kết luận tương tự với những năm 1980 cần được rút ra thật cẩn thận, nhưng khả năng mất hơn 1.000 tỷ USD trong doanh thu xuất khẩu hàng năm sẽ đặt hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của các nước xuất khẩu hàng hóa dưới áp lực rất lớn.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa sử dụng doanh thu xuất khẩu ngày càng tăng để cải thiện cân đối ngân sách và tài chính công cho đến năm 2008. Tuy nhiên sau năm 2008 cân đối ngân sách xấu đi và nợ công gia tăng. Hầu hết các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa đang bước vào suy thoái với rất ít hoặc không có chỗ để sử dụng chính sách tài khóa.

Một số ít các nước ở vùng Vịnh như Saudi Arabia và Kuwait tích lũy lượng dự trữ khổng lồ trong thời kỳ bùng nổ và điều này có thể giúp ích trong vài năm trước khi kinh tế suy thoái. Tuy nhiên phần lớn các nước sản xuất hàng hóa phải đối mặt với một sự điều chỉnh vô cùng cấp bách trừ khi giá tăng trở lại.

Cú sốc tỷ số mậu dịch

Hầu hết các nước OECD sẽ hưởng lợi ròng to lớn vì họ là các nước nhập khẩu lương thực thực phẩm và nhiên liệu ròng. Tuy nhiên, Canada, Australia và New Zealand là các trường hợp ngoại lệ vì phụ thuộc vào hàng hóa và hàng hóa chiếm phần lớn trong doanh thu xuất khẩu và GDP.

Bên ngoài OECD, bức tranh có vẻ phức tạp hơn. Một số nước nhập khẩu hàng hóa lớn, đặc biệt là Trung Quốc, rõ ràng là những người chiến thắng. Một số hộ gia đình ở thành thị cũng vậy, vì được hưởng lợi từ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu thấp hơn.

Nhưng đối với nhiều nước đang phát triển có hoạt động kinh tế liên quan nhiều đến nông nghiệp, khai thác dầu mỏ, khí và khoáng sản thì tác động vào nguồn thu của chính phủ, công ăn việc làm và thu nhập sẽ rất nghiêm trọng.

Những thay đổi lớn về giá và tái phân phối thu nhập luôn gây bất ổn về kinh tế cũng như chính trị.

Mặt trái của sự bùng nổ hàng hóa những năm 1970 đối với các nước đang phát triển là cuộc khủng hoảng năng lượng ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Những điều chỉnh đau đớn do giá năng lượng và các loại hàng hóa khác gia tăng trong những năm 1970 vẫn là ký ức không mấy dễ chịu của nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã có cuộc “nói chuyện khó chịu” đáng nhớ trên truyền hình vào tháng 4/1977 về cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông cho đây là “một vấn đề chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ" và yêu cầu phản ứng dũng cảm “tương đương với chiến tranh về mặt tinh thần”.

Xu hướng suy giảm hiện nay của giá hàng hóa là một cơ hội thú vị cho người tiêu dùng lương thực thực phẩm và nhiên liệu, đặc biệt là ở các nước phát triển. Tuy nhiên đối với nhiều nước sản xuất, đây có thể là cuộc khủng hoảng giống như các đợt tăng giá của năm 1973/1974 và 2008.

Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên