Nhân viên British Airways được yêu cầu làm việc không lương
Số lượng khách đi máy bay giảm, hoá đơn năng lượng ngày một cao đã khiến British Airways chịu khoản thua lỗ lớn, hãng đang cố gắng làm mọi cách để tồn tại.
Giám đốc điều hành của British Airways, ông Willie Walsh, cho đến nay đã cam kết hy sinh khoản tiền lương 100 nghìn USD/tháng và cho biết hãng hàng không đang cố gắng vật lộn để sinh tồn.
Chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, các công ty trên khắp thế giới buộc phải sa thải nhân viên hoặc hạ lương, yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương bắt buộc trong những tháng gần đây. Thế nhưng BA còn khó khăn và tiến hành biện pháp mạnh hơn.
Nhân viên có thể tình nguyện hy sinh từ một tuần đến một tháng lương, hay chấp nhận giảm lương trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng. Thành viên công đoàn đã chỉ trích kế hoạch: “CEO có thể làm việc một tháng không lương còn chúng tôi thì không”.
Số lượng khách đi máy bay giảm, hoá đơn năng lượng ngày một cao đã khiến British Airways chịu khoản thua lỗ trước thuế 656 triệu USD trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 4/2009. Năm trước đó, hãng thu được số lợi nhuận 1,5 tỷ USD. Trong nhận định mới nhất về tình hình kinh doanh của hãng, giám đốc điều hành nhận định chưa có triển vọng hồi phục.
Việc yêu cầu nhân viên làm việc không lương là biện pháp mới nhất để làm giảm chi phí. BA đã cho biết sẽ ngưng hoạt động khoảng 16 máy bay trong mùa đông này. Các khoản thưởng dành cho đội ngũ quản lý đã ngưng lại.
Việc đề nghị nhân viên làm việc không lương hay làm bán thời gian đã được bàn đến từ tháng trước. Các cuộc bàn thảo với nghiệp đoàn lao động vẫn đang tiếp tục để đưa ra phương án tiết kiệm chi phí tốt nhất. Số lượng nhân viên của BA đã giảm khoảng 2.500 từ mùa hè năm 2008.
Công ty cho biết họ hy vọng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí với kế hoạch này, kế hoạch có thời hạn hoàn thành vào ngày 24/06. Khoảng hơn 1 nghìn nhân viên của BA đã tự nguyện làm việc không lương hay bán thời gian trong tháng qua.
Thế nhưng hiện chưa chắc chắn rằng những biện pháp trên sẽ có thể giúp làm giảm chi phí một cách hiệu quả. Chịu ảnh hưởng từ việc ngành hàng không khó khăn nhất từ khi Chiến tranh vùng Vịnh, BA đã cung cấp một số chỗ miễn phí với tổng giá trị 10 triệu USD trong chiến dịch hãng gọi là lời đề nghị hấp dẫn nhất thế giới. Một chương trình như vậy rất có ý nghĩa xây dựng thương hiệu cho hãng, dù trên thực tế hãng phải chịu thiệt hại.
Không giống thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh, nguyên nhân đằng sau những vấn đề của BA không rõ ràng như trước đây. Người ta phân vân liệu đó có phải do suy thoái kinh tế, vấn đề nảy sinh từ việc mở sân bay Heathrow's Terminal 5 mở cửa vào năm ngoái. Việc giải quyết các vấn đề vì thế không hề đơn giản chỉ bằng việc giảm chi phí lao động.
Theo Time
Ngọc Diệp